10 giờ:57 phút Thứ sáu, ngày 8 tháng 4 , 2016

Bộ đội Ra đa trong Chiến dịch Hồ Chí Minh

Bộ đội Ra đa trong Chiến dịch Hồ Chí Minh

Tháng 11/1974, chấp hành mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, Binh chủng Ra đa thành lập Tiểu đoàn 8 gồm 4 đại đội: 17, 23, 27 và 34, do đồng chí Trần Quang Sáng làm Tiểu đoàn trưởng. Đơn vị có nhiệm vụ bảo đảm chỉ huy chiến đấu và chiến đấu cho các lực lượng phòng không trong đội hình quân binh chủng hợp thành ở chiến trường miền Nam.

 Ngày 8/12/1974, các đại đội ra đa nói trên được các trung đoàn ra đa bàn giao về tập kết tại xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Nam Hà. Để chuẩn bị cho cuộc hành quân cơ động và triển khai lực lượng trên chiến trường miền Nam, Bộ Tư lệnh đã quyết định thành lập đoàn tiền trạm do Đại tá Đào Văn Dương - Phó Tư lệnh Binh chủng Ra đa làm trưởng đoàn. Đoàn đã trinh sát toàn bộ tuyến đường hành quân, đặc biệt là đường mòn Hồ Chí Minh từ Khe Sanh (Quảng Trị) tới Đắc Tô, Tân Cảnh (Kon Tum). Đồng thời tìm chọn trận địa, tìm hiểu tình hình địch mặt đất trên từng khu vực triển khai các trạm ra đa. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ được giao, đoàn tiền trạm đã khẩn trương trở ra miền Bắc. Khi ấy, toàn bộ Tiểu đoàn 8 đã cơ động an toàn vào tới địa điểm Thác Cóc, Nông trường Quyết Thắng (Lệ Ninh, Quảng Bình). Lúc này, tình hình chiến trường diễn biến hết sức khẩn trương. Do đó, toàn Tiểu đoàn đã gấp rút ngày đêm chuẩn bị hành quân theo kế hoạch: Đại đội 17 triển khai ở An Khê, Đại đội 34 triển khai ở Đức Lập, Đại đội 27 triển khai ở Pleiku, Đại đội 23 triển khai ở Buôn Ma Thuột. Khi đó tôi mang quân hàm thượng úy và là Đại đội trưởng Đại đội 23.
Bộ đội Ra đa trong Chiến dịch Hồ Chí Minh

Bộ đội Ra đa có mặt tại Trường Sơn. (Ảnh Tư liệu)

Đúng kế hoạch, 5 giờ sáng ngày 31/3/1975, các đại đội lần lượt lên đường. Xa nhất là cung đường của Đại đội 23 chúng tôi. Với đội hình gồm 4 xe khí tài kéo moóc, 2 xe tải và 1 xe xích, chúng tôi nhanh chóng vượt cầu Hiền Lương thẳng hướng Khe Sanh. Vượt qua suối sâu, đèo cao, đội nắng, dầm mưa với rất nhiều sự cố như xe xích bị tụt xuống hố sâu dưới ngầm nước A Vương ở Khe Sanh, xe đài ra-đa bị đổ nghiêng giữa đèo Lò Xo, một bánh xe đài an-ten lọt xuống mé cầu gỗ ở Khâm Đức… Hành quân ròng rã suốt 15 ngày đêm mới vào được điểm tập kết là Thành phố Buôn Ma Thuột vừa được giải phóng.

Vừa sắp sếp xong việc trú quân cho bộ đội ở một rừng cao su phía Nam thành phố thì tôi nhận được lệnh: Khẩn trương cho Đại đội 23 cơ động vào cầu Bà Chiêu thuộc tỉnh Tây Ninh. Thì ra kế hoạch ban đầu của Tiểu đoàn là triển khai khí tài dọc theo trục đường Đông Trường Sơn để quản lý vùng trời Quân khu 5 và khu vực Tây Nguyên đã thay đổi do quân ta đã giải phóng được Tây Nguyên. Ngay lập tức, Bộ Tư lệnh Quân chủng đã chỉ thị cho Bộ đội Ra đa, cụ thể là Tiểu đoàn 8 phải thần tốc cơ động vào tiếp quản vùng giải phóng và triển khai lực lượng ở gần sát với phòng tuyến chiến đấu trên hướng Tây - Bắc Sài Gòn. Chúng tôi rời khỏi Thành phố Buôn Ma Thuột lúc 12 giờ 30 phút. Sáng ngày 18/4/1975, Đại đội 23 đã triển khai xong khí tài ở Bắc cầu Bà Chiêm (Tây Ninh) cách Sài Gòn tròn 80km.

Do triển khai chiến đấu sớm nên đúng 6 giờ ngày 22/4/1975, Đại đội 23 đã được lệnh mở máy ra đa P-12 trực ban chiến đấu. Đây là sự kiện quan trọng ghi dấu việc Bộ đội Ra đa chính thức và bất ngờ tung cao cánh sóng lên bầu trời miền Nam thân yêu, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Vào thời điểm này, các cánh quân của ta đã áp sát Sài Gòn. Trên màn hiện sóng của đài ra đa đã hiện lên hàng trăm tín hiệu mục tiêu chuyển động hoảng loạn, vội vã từ Sài Gòn ra hướng biển Đông và sang Campuchia.

Đến sáng 28/4/1975, tất cả các đại đội ra đa của Tiểu đoàn 8 đồng loạt mở máy liên tục 24/24 giờ. Trong ngày này, Phi đội Quyết thắng của Bộ đội Không quân đã bay từ Phan Rang vào ném bom xuống Sân bay Tân Sơn Nhất càng làm tăng thêm niềm tự hào của cán bộ, chiến sĩ ra đa. Trong 3 ngày cuối cùng của chiến dịch, các đại đội ra đa của Tiểu đoàn 8 vẫn tiếp tục mở máy, quản lý chặt chẽ vùng trời và phát hiện được hàng trăm tốp mục tiêu. Con số đó nói lên một điều: Ngụy quân, ngụy quyền đang hoảng loạn tháo chạy, thời điểm sụp đổ của chế độ ngụy chỉ còn tính bằng giờ. Ngày 30/4/1975, chỉ riêng buổi sáng, Tiểu đoàn 8 đã phát hiện được hàng chục tốp mục tiêu, trong đó có tới hơn một nửa là những tốp máy bay di tản. Đây là những thông tin quyết định để quân ta không đánh lầm vào các mục tiêu “dân sự”. Tốp máy bay phát hiện cuối cùng trên bầu trời Sài Gòn là lúc 11 giờ 21 phút.

Ngay sau thời khắc đó, màn huỳnh quang bỗng trong veo. Tiếp đó là tin chiến thắng: Sài Gòn đã giải phóng, đất nước đã sạch bóng quân thù, Bắc - Nam đã liền một dải. Trong chiến công chung ấy, thật tự hào có sự đóng góp của những chiến sĩ trắc thủ ra đa chúng tôi.

THANH BÌNH
(Theo Hồi ký của Cựu chiến binh Cù Hưng Nghĩa - nguyên Đại đội trưởng Đại đội Ra đa 23)

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website