Nga đã làm thay đổi cục diện nội chiến tại Syria
Ngày 30-9-2015, Không quân-vũ trụ Nga bắt đầu chiến dịch không kích nhằm vào lực lượng khủng bố tại Syria. Đây chính là bước ngoặt cho cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm tại quốc gia Cận Đông này.
Giới phân tích nhận định, việc Nga tham gia vào cuộc chiến tại Syria như “chiếc phao cứu sinh” đối với chính quyền Damascus vốn đang thất thế trước phe đối lập và các phe nhóm khủng bố ở thời điểm đó. Sau 2 năm, tình hình Syria đã đảo ngược, khi lực lượng chính phủ Syria đã giành lại phần lớn lãnh thổ đã mất.Lật ngược thế cờ
Theo con số thống kê từ Bộ Quốc phòng Nga, Chính phủ Syria hiện kiểm soát khoảng 87,4% lãnh thổ nước này. Với sự hỗ trợ của Nga, lực lượng chính phủ Syria đã giải phóng 2.237 khu đô thị khỏi tay lực lượng Hồi giáo cực đoan và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Trong 2 năm tham chiến tại Syria, lực lượng Không quân-vũ trụ Nga đã thực hiện hơn 30.000 đợt tấn công và phá hủy 96.000 mục tiêu của các nhóm khủng bố.
Những chiến thắng liên tục trên chiến trường thời gian qua của lực lượng chính phủ Syria có sự đóng góp rất lớn của Quân đội Nga.
“Trước khi Nga tham chiến, lực lượng chính phủ Syria đã đuối thế và dồn vào thế chỉ có thể kiểm soát được Thủ đô Damascus và tỉnh Latakia (nơi có đa số người theo chi phái đạo Hồi Alawite (một phân nhánh của đạo Hồi dòng Shia). Ở thời điểm đó, đất nước Syria được chia làm 4 phần do phe đối lập, các tổ chức Hồi giáo cực đoan nước ngoài, IS và lực lượng chính phủ”, chuyên gia quân sự Thổ Nhĩ Kỳ Celalettin Yavuz đánh giá.
Từ thời điểm 30-9-2015, Nga tham gia chiến dịch chống khủng bố tại Syria theo đề nghị chính thức từ Chính phủ Syria và cuộc nội chiến tại quốc gia Cận Đông này đã đổi chiều. Quân đội Syria bắt đầu lấy lại được sức mạnh và phản công.
Giới chuyên gia quân sự quốc tế nhận định, sự tham gia của Nga vào cuộc nội chiến Syria, đặc biệt là sự có mặt của các chuyên gia, cố vấn quân sự, cùng với các nguồn viện trợ quân sự to lớn từ Moscow và Tehran đã đóng vai trò quan trọng trong “sự hồi sinh” của Quân đội chính phủ. Ngoài ra, sau nhiều năm đơn độc đối đầu với lực lượng khủng bố được nước ngoài bảo trợ, người Syria đã có được đồng minh và lấy lại được tinh thần.
Quân đội Nga không chỉ chi viện hỏa lực từ trên không, mà các đơn vị mặt đất cũng bám sát hỗ trợ lực lượng chính phủ Syria.
Sự hình thành của Quân đoàn hỗn hợp số 5 từ các lực lượng do Iran hỗ trợ về tài chính, nhân lực, còn Nga hỗ trợ về trang bị; nhiều đơn vị chính phủ Syria được trang bị các khí tài hiện đại như xe tăng T-90, khí tài hỗ trợ tác chiến ban đêm… đã là minh chứng rõ ràng cho sự hồi sinh của lực lượng chính phủ Syria. Kết quả của việc này là những chiến thắng quan trọng tại thành phố Aleppo, Homs, Hama, Palmyra, các khu vực da báo xung quanh Damascus và mới đây nhất là Dier ez Zor. Lực lượng khủng bố sau những thất bại liên tiếp hiện chỉ còn hiện diện ở Idlid và một phần tỉnh Dier ez Zor.
Vấn đề lớn nhất hiện nay của Syria đó khu vực do người Kurd nắm giữ đang nhen nhóm khả năng tách ra để thành lập một nhà nước độc lập. Rõ ràng, Chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad không muốn và sẽ không cho phép việc này được xảy ra.
“Sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria phải là ưu tiên hàng đầu và Nga đang đóng vai trò rất quan trọng trong vấn đề này”, ông C. Yavuz đánh giá.
Nội chiến chỉ có thể giải quyết bằng đàm phán hòa bình
Với một quốc gia đa sắc tộc, tôn giáo như Syria, biện pháp quân sự dù quan trọng, nhưng không thể giải quyết dứt điểm cuộc nội chiến tại đây. Đàm phán hòa bình, chia sẻ quyền lực và lợi ích mới là gốc rễ để giải quyết vấn đề. Và thực tế là các bên có liên quan tới nội chiến Syria với sự bảo trợ của Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ đã ngồi lại với nhau để giải quyết xung đột. Đây chính là nền tảng của vòng đàm phán Astana bắt đầu tổ chức tại Kazakhstan từ tháng 12-2016.
“Khác với vòng đàm phán hòa bình cho Syria tại Geneva do Mỹ và phương Tây khởi xướng đã kéo dài và không đạt được kết quả gì rõ rệt, vòng đàm phán Astana đã đưa lại những lợi ích rõ ràng đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria và hướng tới kết thúc cuộc chiến chống lại IS”, hãng thông tấn RIA Novosti đáng giá.
Một trong những hiệu quả rõ ràng nhất của vòng đàm phán Astana là việc thành lập 4 vùng “giảm xung đột” tại Syria: Khu vực giáp biên giới Jordan, Đông Ghouta, phía Bắc tỉnh Homs và Idlid. Theo đó, tại các khu vực này, các bên sẽ chấm dứt giao tranh để mở đường cho tiến trình hòa giải dân tộc, thanh lọc các phe nhóm cực đoan và IS. Một điểm quan trọng khác là các bên đã thống nhất được việc giải quyết xung đột tại Idlid, nơi đang là “thiên đường” của các tổ chức Hồi giáo cực đoan nước ngoài.
Chiến thắng cuối cùng của người Syria không chỉ là chiến thắng về mặt quân sự, mà còn là vấn đề hòa giải dân tộc và đảm bảo toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ.
Bình luận về thành công cuộc đàm phán Astana, Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi đây “kết quả cùng thắng” để mở đường cho khả năng kết thúc cuộc nội chiến đã kéo dài nhiều năm ở Syria.
“Tôi tin rằng kết quả của cuộc đàm phán Astana là thành công chung của chúng ta và có vai trò cực kỳ quan trọng đối với Syria”, Tổng thống Nga V. Putin phát biểu với báo giới bên thêm chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ mới đây.
Chính thỏa thuận Astana đã tạo điều kiện cho lực lượng chính phủ Syria có thể tập trung nguồn lực đập tan các thành trì quan trọng của IS ở miền Trung và Đông Syria trong vài tháng gần đây và kết quả quan trọng nhất là cuộc phá vây thành phố Dier ez Zor, thủ phủ dầu mỏ của Syria. Việc kiểm soát Dier ez Zor với các mỏ dầu lớn ở ven sông Euphrates có thể coi là dấu chấm hết cho IS, khi tổ chức khủng bố này không còn nắm giữ bất kỳ thành phố lớn nào tại Syria và mất nguồn tài chính từ dầu mỏ. Vấn đề kế tiếp sẽ là giải quyết lực lượng Hồi giáo cực đoan tại tỉnh Idlid và người Kurd. Đây chắc chắn sẽ là vấn đề nghị sự quan trọng trong thời gian tới của vòng đàm phán Astana.
Hiện tại, cuộc nội chiến tại Syria vẫn chưa kết thúc, nhưng những nỗ lực cả về quân sự và ngoại giao của Nga đang mở ra cơ hội kết thúc cuộc nội chiến này với chiến thắng cuối cùng thuộc về nhân dân Syria, chứ không phải các phe nhóm đối lập hay phong trào cực đoan được nước ngoài hậu thuẫn.
Theo qdnd.vn