Thượng tá CN Bùi Việt Hồng: Người lính thợ trăn trở với nghề
Gắn bó với ngành Kỹ thuật Hàng không được gần 30 năm, Thượng tá CN Bùi Việt Hồng - Tổ trưởng Thiết bị hàng không, Tiểu đoàn Kỹ thuật hàng không (Lữ đoàn 918) luôn trăn trở với những hỏng hóc trên máy bay và quyết tâm khắc phục để không làm ảnh hưởng đến hoạt động bay của đơn vị. Bên cạnh đó, anh còn có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật giúp đơn vị nâng cao khả năng sửa chữa đồng bộ các thiết bị hàng không.
Thượng tá CN Bùi Việt Hồng giới thiệu Thiết bị kiểm tra, hiệu chỉnh
đồng hồ và truyền cảm cánh tà trên máy bay An-2.Phòng làm việc của anh ở ngay trong khu nhà xưởng của đơn vị, xung quanh là hệ thống các thiết bị máy móc đã được sửa chữa và làm công tác dự phòng thay thế. Thượng tá CN Bùi Việt Hồng cho biết: “Hiện tại, máy bay An-2 là thế hệ máy bay cũ, niên hạn sử dụng không còn nhiều, vì vậy quá trình sử dụng rất dễ phát sinh hỏng hóc, khí tài thay thế không có. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện bay, ngành Thiết bị Hàng không phải chủ động tích cực và có nhiều biện pháp để sửa chữa những hỏng hóc về kỹ thuật”. Bằng tinh thần và trách nhiệm của người lính thợ, Thượng tá CN Bùi Việt Hồng đã sửa chữa thành công hệ thống máy biến nhiệt, mô tơ trợ lực, mô tơ thu thả cánh tà, khối khuyếch đại У-6M của hệ thống hướng trên máy bay An-2.
Những thiết bị được anh và đồng nghiệp sửa chữa không chỉ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bay mà còn mang tính ứng dụng cao, tiết kiệm được công sức bộ đội và kinh phí cho đơn vị. Thượng tá CN Bùi Việt Hồng giới thiệu cho chúng tôi sáng kiến “Thiết bị lắp đặt kiểm tra hiệu chỉnh đồng hồ và truyền cảm cánh tà УЗП-47 trên máy bay An-2” mà anh đã nghiên cứu ứng dụng thành công tại đơn vị. Thiết bị được chế tạo gọn nhẹ có thể xách tay cơ động ra các vị trí khác nhau. Khi đồng hồ trên máy bay hỏng hóc có thể tháo ra mang vào xưởng bảo dưỡng lắp vào thiết bị kiểm tra để so sánh đối chiếu hiệu chỉnh chỉ số theo đúng quy định. Đối với hệ thống truyền cảm cũng tiến hành lắp trực tiếp trên thiết bị sau đó so sánh chỉ số trên truyền cảm với kim chỉ trên đồng hồ chuẩn, vị trí cánh tà phải chỉ đúng vị trí tương ứng cả lượt đi lượt về. Sau khi kiểm tra hiệu chỉnh xong tắt nguồn tháo ra khỏi thiết bị kiểm tra và lắp vào máy bay.
Trong quá trình công tác, không phải lúc nào anh cũng gặp thuận lợi. Có những hỏng hóc phát sinh đã khiến anh mất rất nhiều công sức để khắc phục sửa chữa. Chẳng hạn như năm 2004, anh chuyển từ nhiệm vụ bảo đảm thiết bị hàng không trên máy bay An-26 sang bảo đảm thiết bị hàng không máy bay M-28. Hệ thống thiết bị trên máy bay M-28 chưa được nhiệt đới hóa nên phát sinh nhiều hỏng hóc. Thượng tá CN Bùi Việt Hồng đã nhiều ngày đêm mày mò nghiên cứu tìm hiểu và quyết tâm sửa chữa bằng được các hỏng hóc. Các thiết bị như đồng hồ chân trời, đồng hồ tiêu hao nhiên liệu, đèn hàng hành trên máy bay M-28 được anh trực tiếp sửa chữa đảm bảo chất lượng tốt.
Ngoài thời gian sửa chữa hỏng hóc, Thượng tá CN Bùi Việt Hồng còn tận dụng thời gian rảnh rỗi để tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Bên cạnh đó, anh tích cực truyền thụ những kinh nghiệm cho các nhân viên kỹ thuật kế cận. Anh tâm sự: “Nếu không truyền lại kinh nghiệm cho các đồng nghiệp đi sau thì bao kiến thức kinh nghiệm sẽ bị mai một đi, điều đó không chỉ khó khăn cho ngành Thiết bị Hàng không mà còn ảnh hưởng đến hoạt động bay của đơn vị. Do vậy, còn công tác ngày nào tôi sẽ cố gắng bồi dưỡng để các đồng chí kế cận có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Nói về người kỹ thuật trưởng trong đơn vị, Thiếu tá Dương Tú Nam - Chủ nhiệm Kỹ thuật Lữ đoàn, cho biết: “Bằng tình yêu nghề, nhiều năm qua Thượng tá CN Bùi Việt Hồng đã có nhiều đóng góp trong công tác sửa chữa những hỏng hóc thiết bị hàng không trên các loại máy bay. Đồng chí đã có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật mang tính ứng dụng cao trong đơn vị. Anh thực sự là cá nhân tiêu biểu trong thực hiện Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông”.
Bài, ảnh: VŨ DUY