8 giờ:31 phút Thứ năm, ngày 9 tháng 11 , 2017

Chuyện ngành Dù ghi ở Biên Hòa

Chúng tôi về Sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) đúng vào lúc Trung đoàn 935 (Sư đoàn 370) đang tổ chức ban bay huấn luyện. Vì thế, chúng tôi đã được “mục sở thị” hình ảnh mỗi khi những chú “Hổ mang chúa” hạ độ cao, đáp xuống đường băng thì phần đuôi của nó lại bung ra cụm dù tựa như một bông hoa rực rỡ. Nhoáng một cái, chiếc dù vừa tỏa rộng trên đường băng đã được nhân viên dù thu gọn. Đại úy CN Nguyễn Văn Hiếu - Nhân viên Dù bộc bạch: “Sau mỗi ban bay, chúng tôi phải gấp dù nhanh để kịp nạp cho ban bay tiếp theo. Chỗ nào dù bị rách, thủng, đều phải vá lại cẩn thận”.

Chuyện ngành Dù ghi ở Biên Hòa
Kiểm các chi tiết kỹ thuật của dù đuôi trước  khi lắp lên Máy bay. 
Theo Thiếu tá Phạm Thanh Lương - Chủ nhiệm Dù Trung đoàn 935, cán bộ, nhân viên ngành Dù hầu hết đều có trình độ nhảy dù đạt cấp vận động viên. Công việc của họ là huấn luyện nhảy dù cho đội ngũ phi công và lực lượng đặc nhiệm; bảo đảm dù, tìm kiếm cứu nạn (TKCN) phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện bay. Chuẩn bị trước ngày bay, nhân viên dù phải tiến hành kiểm tra cẩn trọng cả ghế phóng lẫn dù giảm tốc. Cường độ bay ngày, bay đêm của đơn vị càng cao; công tác bảo đảm dù, TKCN phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện bay và SSCĐ càng phải chặt chẽ, tỉ mỉ. Những năm gần đây, ngành Dù (Trung đoàn 935) đã bảo đảm và phục vụ tốt hàng trăm ban bay huấn luyện SSCĐ với hàng ngàn lượt thả dù giảm tốc. Ngoài ra, đơn vị còn phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hàng trăm chuyến thực hành nhảy dù của phi công Sư đoàn 370 và các lực lượng đặc nhiệm phía Nam.

Để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ, việc huấn luyện lý thuyết dù, bảo đảm kỹ thuật dù hàng không luôn được đơn vị duy trì thường xuyên liên tục; thực hành về xử lý bất trắc khi nhảy dù trên các địa hình phức tạp cũng được triển khai nghiêm túc. Toàn ngành tập trung đi sâu vào nghiên cứu tính năng, tác dụng, cấu tạo, nguyên lý hoạt động của dù ghế; phương pháp điều khiển dù, cách xử lý bất trắc khi nhảy dù huấn luyện trên máy bay Mi-8, Mi-171 và học tập điều khiển dù tiếp đất. Ngoài việc chú trọng xây dựng đội ngũ nhân viên dù chuyên nghiệp có đủ khả năng, trình độ cần thiết: các trang bị khí tài dù, cũng được bổ sung thay thế kịp thời. 100% dù ghế, dù giảm tốc, thuyền phao, áo phao, máy liên lạc và pin… đều đạt chất lượng tốt. Nhờ vậy, nhiều năm qua, Trung đoàn luôn bảo đảm tốt công tác huấn luyện, bảo đảm kỹ thuật dù phục vụ bay và tìm kiếm cứu nạn. Công tác bảo đảm kỹ thuật dù hàng không, kỹ thuật gấp gói định kỳ dù người, công tác bảo quản dù, gấp dù giảm tốc… đều được thực hiện đúng quy trình. 100% phi công trong tuổi nhảy dù, sĩ quan và nhân viên dù thực hành nhảy dù đều hoàn thành tốt kế hoạch năm, an toàn tuyệt đối.

Không chỉ chu đáo, cẩn trọng trong công tác chuẩn bị dù giảm tốc cho máy bay và dù cứu hộ cho phi công; những người lính dù còn phải chuẩn bị dù cho chính bản thân mình. Họ luôn trong tư thế sẵn sàng ở mọi thời điểm. Chỉ cần có lệnh là đeo dù, lên máy bay thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn.

Chia sẻ với chúng tôi về những cảm xúc khi bay bổng trên những cánh dù, Thiếu tá Phạm Thanh Lương - Chủ nhiệm Dù Trung đoàn 935, trải lòng: “Tôi là vận động viên cấp 2, đã có 19 năm trong nghề và đã thực hiện được hơn 200 lần chuyến nhảy dù. Lý do khiến tôi theo đuổi nghề dù là bởi bản tính ưa mạo hiểm, thích hoạt động. Hạnh phúc nhất là cảm giác lơ lửng trên không… rồi vỡ òa sung sướng khi bung dù và tiếp đất an toàn. Có một kỷ niệm mà tôi nhớ mãi, đó là khi đang thực hiện nhảy dù YT-15 (một loại dù nâng cao chỉ giành cho những vận động viên có trình độ) trên Sân bay Hòa Lạc. Tất cả các thao tác đều diễn ra bình thường, nhưng khi mở dù tiếp đất thì tôi bị rơi vào dòng giáng nên tốc độ dù rơi nhanh hơn bình thường. Sự cố này khiến tôi bị gẫy chân phải. Sau tai nạn, tôi đành phải chia tay với cánh dù rồi chuyển sang làm công tác huấn luyện dù mặt đất”.

Thượng úy CN Nguyễn Quang Kha cũng có 22 năm gắn bó với ngành Dù. Là vận động viên cấp 3, Kha từng thực hiện thành công 120 lần chuyến nhảy dù. Anh kể: “Cách đây 3 năm, tôi thực hiện nhảy dù tại Sân bay Biên Hòa. Khi rời cửa máy bay, bất ngờ dù bị xoắn dây nên dù có mở nhưng cứ quay tròn. Tôi đã bình tĩnh xử lý bằng cách cắt dù chính, mở dù dự bị và tiếp đất an toàn”. Với 120 lần chuyến, Đại úy CN Nguyễn Văn Hiếu cũng có rất nhiều trải nghiệm thú vị với cánh dù. Là thành viên  của Đội dù trực tìm kiếm cứu nạn đường không, Hiếu tâm sự: “Tôi rất tự hào được góp một phần công sức vào việc bảo đảm an toàn, thắng lợi cho mỗi chuyến bay; được trực tiếp tham gia cứu trợ đồng bào bị bão lũ, thiên tai. Và, hạnh phúc hơn cả là được trải nghiệm những giây phút bay bổng giữa không trung khi thực hiện những chuyển nhảy dù theo yêu cầu nhiệm vụ”.

             Bài, ảnh: VÂN YẾN

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website