10 giờ:1 phút Thứ ba, ngày 16 tháng 1 , 2018

Khao khát bình dị bên mâm pháo

Theo lịch trực Tết của Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 297 (Quân khu 2) năm nay, Trung sĩ Cầm Ngọc Chính - Pháo thủ số 2 nằm trong đội hình trực chiến của đơn vị. Khi hỏi về Tết, miệng Chính tươi cười nhưng mắt thì đỏ hoe: “Tết này, con trai tôi vừa tròn 2 tuổi. Năm trước cũng như năm nay, trong giây khắc giao thời thiêng liêng, tôi thèm được ở bên con, mặc cho con bộ quần áo mới đi chơi Xuân, nhưng vì nhiệm vụ, tôi sẽ gói những thèm muốn ấy vào ký ức”.

Tôi nối máy điện thoại với vợ anh là Lò Thị Nguyệt Hà, 20 tuổi, quê ở Văn Chấn, Yên Bái để hai người nói chuyện với nhau. Chính dặn vợ: “Em và con nhớ giữ gìn sức khỏe. Tết này anh phải làm nhiệm vụ trực chiến nên không được về phép để thăm em và con được. Anh vừa gửi tiền phụ cấp, em nhớ mua cho con bộ quần áo mới để con đi chơi Xuân nhé!”.

Theo như lời kể của Chính, năm 2015, Chính yêu và nên duyên vợ chồng với Lò Thị Nguyệt Hà, sinh năm 1997, người cùng xã Bản Mới, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Đầu năm 2016, đúng lúc Hà chuẩn bị sinh con thì Chính lên đường nhập ngũ.

Khao khát bình dị bên mâm pháo
Trung sĩ Cầm Ngọc Chính.

Với Chính, được nhập ngũ vào môi trường Quân đội để luyện rèn là niềm mơ ước từ nhỏ. Nhưng nhận lệnh nhập ngũ vào đúng thời điểm vợ chuẩn bị sinh con cũng khiến lòng Chính ngổn ngang nhiều điều. Tuy nhiên, được Hà động viên nên Chính yên tâm lên đường nhập ngũ.

Ngày Chính tập trung lên huyện để các đơn vị về nhận quân cũng đúng là ngày Hà chuyển dạ và sinh con. Sau này về tới đơn vị huấn luyện, được chỉ huy cho phép gọi điện về nhà gặp vợ, Chính được Hà cho biết mình sinh con trai. Cả hai mẹ con đều khỏe mạnh và mong bố yên tâm rèn luyện thật tốt. Tuy nhiên, cũng phải sau đó ít ngày, có dịp gọi điện về cho mẹ, Chính mới biết, ở lần sinh nở đó, Hà khó sinh nên gia đình phải đưa đến Trạm Y tế xã, rồi Bệnh viện huyện mới sinh được. Khi sinh con xong, Hà còn bị hậu sản, có nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng nên phải chuyển từ tuyến huyện lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái để cấp cứu. May mắn là do được cấp cứu kịp thời, nên chỉ ít thời gian sau đó, Hà sớm bình phục.

“Không riêng gì tôi, ở đơn vị cũng có nhiều đồng chí có những tình huống hoàn cảnh khó khăn hơn thế rất nhiều. Ở trong những tình huống đó, tôi càng yêu thương vợ nhiều hơn. Tháng 5 vừa rồi tôi được đơn vị cho nghỉ phép, tôi có hỏi lại chuyện cũ, rằng nếu mẹ không kể chuyện vợ bị nguy hiểm khi sinh thì vợ có kể không vợ tôi thì thầm, cô ấy sẽ không bao giờ kể. Vì muốn người đi xa không phải lo lắng gì cho gia đình cả. Cô ấy lý giải, rằng nếu có kể thì cũng giải quyết được gì đâu. Thế mới biết vợ người lính thiệt thòi đủ đường anh nhỉ? Càng nghĩ thế, tôi càng thương yêu vợ nhiều hơn” - Chính tâm sự.

Được Chính cho phép nói chuyện, những câu tâm sự của Lò Thị Nguyệt Hà trên sóng điện thoại càng làm tôi thán phục hơn. Hà bảo với tôi, vì hai bên gia đình nghèo, hai vợ chồng mới cưới được bố mẹ dựng cho ngôi nhà nhỏ ở riêng. Hai vợ chồng sống bằng mấy sào rừng và ruộng. Từ khi nhập ngũ, tháng nào anh Chính cũng gửi tiền về. Nghe lời kể của Lò Thị Nguyệt Hà, tôi nhìn Chính bằng lòng cảm phục. Thì ra, mỗi tháng phụ cấp, Chính chỉ giữ lại cho mình vài chục ngàn để mua xà phòng, kem đánh răng và thi thoảng đăng ký đơn vị gọi điện về cho vợ, còn đâu, Chính gửi toàn bộ về cho vợ con.

Chiều cuối năm ngồi cùng Trung sĩ Cầm Ngọc Chính hứng gió Xuân hây hẩy thổi hắt từ phía ngã ba sông lên trận địa, tôi hỏi: “Chính mong muốn nhất điều gì vào lúc này?”. Chính thành thật: “Tôi muốn hoàn thành thật tốt nhiệm vụ, nghĩa vụ để trở về bên vợ con lo cho cuộc sống”. Lời của Chính làm trái tim tôi thêm rạo rực. Bởi một năm qua đi, người ta có bao điều ước về sự giàu sang, sung túc, đủ đầy, còn những người lính như Chính, chỉ mơ ước sống giản dị bên người thân yêu. Hình như, mọi người lính đều mơ ước như thế.

SÔNG HỒNG

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website