16 giờ:20 phút Thứ sáu, ngày 8 tháng 4 , 2016

Cán bộ Đoàn với phong trào thanh niên:

Bài 1: Cán bộ Đoàn phải biết thiết kế, tổ chức hoạt động

Trong những năm qua, tuổi trẻ Quân chủng đã có những cống hiến to lớn vào sự nghiệp Bảo vệ Bầu trời Tổ quốc Việt Nam XHCN. Góp phần tạo nên thành quả chung ấy có vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ Đoàn - những người luôn gần gũi, trực tiếp hướng dẫn và giáo dục ĐVTN. Loạt bài này là góp nhặt những câu chuyện về đội ngũ cán bộ Đoàn trong Quân chủng mà tác giả có điều kiện gặp gỡ, tìm hiểu, với mong muốn chia sẻ, giới thiệu những tâm tư, trăn trở, cách làm của họ với công tác Đoàn và phong trào

Bài 2: Phát huy năng khiếu văn nghệ
Bài 3: Xây dựng phong trào thể dục, thể thao
Bài cuối: Nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cán bộ Đoàn

Một trong những yếu tố quan trọng đối với cán bộ Đoàn là khả năng thiết kế, tổ chức các hoạt động phong trào; biết phát huy khả năng, sở trường của đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trong xây dựng phong trào thanh niên.

Trong mỗi bạn trẻ, ai cũng có những khả năng, sở trường, sở thích riêng, điều quan trọng là họ có môi trường để thể hiện được những khả năng, sở trường đó hay không. Đối với một tổ chức Đoàn, muốn tập hợp được ĐVTN thì cán bộ Đoàn phải biết nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của anh em, từ đó thiết kế, tổ chức các chương trình hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị.

Bài 1: Cán bộ Đoàn phải biết thiết kế, tổ chức hoạt động

Tuổi trẻ Lữ đoàn Thông tin 26 tổ chức thi kéo co sau Lễ ra quân huấn luyện năm 2016.

Vào những năm 2000, khi được bầu làm Phó Bí thư Chi đoàn cơ quan Phòng Tham mưu (Sư đoàn 375), tôi cũng khá băn khoăn khi bản thân không hề có một năng khiếu gì nổi trội. ĐVTN của Chi đoàn phần lớn là chiến sĩ cảnh vệ và một số cán bộ, nhân viên ở các ban, bộ phận thuộc Phòng Tham mưu Sư đoàn. Do có ít hoạt động nên trước đó ĐVTN khá thờ ơ với hoạt động Đoàn. Nhận thấy, phong trào khiêu vũ tập thể đang diễn ra nhộn nhịp quanh địa phương nơi đóng quân, tôi đã đề xuất với Ban chấp hành Chi đoàn tổ chức dạy khiêu vũ cho ĐVTN. Sau khi mời được các giáo viên dạy khiêu vũ, chúng tôi còn mời thêm một số bạn sinh viên của Trường Cao đẳng Kinh tế Kế hoạch Đà Nẵng biết khiêu vũ tham gia hướng dẫn cùng. Ban đầu, có chiến sĩ còn e ngại, rụt rè tiếp cận với hoạt động khiêu vũ, nhưng được sự hỗ trợ của các bạn sinh viên, họ đã tự tin hòa nhập với mọi người. Tiếp sau các hoạt động đó, Chi đoàn còn phối hợp với đơn vị kết nghĩa để tổ chức giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Nhờ có các hoạt động sôi nổi này mà sau đó Chi đoàn luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cơ quan, nhất là vấn đề kinh phí và phương tiện đi lại của Chi đoàn mỗi khi có hoạt động.

Nhiều lần tham gia các hoạt động “Sinh nhật đồng đội” tại Chi đoàn cơ sở Đại đội 8, Trung đoàn 290 (Sư đoàn 375), tôi thấy tổ chức Đoàn nơi đây đã duy trì tốt các hoạt động văn hóa tinh thần cho ĐVTN. Đặc thù đơn vị là làm nhiệm vụ canh trực SSCĐ tại Sở chỉ huy Sư đoàn, phần lớn ĐVTN là sĩ quan trẻ, QNCN, chiến sĩ có tuổi đời, tuổi quân còn trẻ, do đó việc tạo ra một sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các bạn trẻ là vô cùng quan trọng. Qua các hoạt động Đoàn, vừa động viên tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, vừa góp phần quản lý quân số và duy trì kỷ luật sau giờ làm việc. Hàng tháng, ngoài các buổi sinh hoạt trong tuần, Chi đoàn cơ sở Đại đội 8 đều đặn tổ chức các chương trình “Sinh nhật đồng đội”. Đây là hoạt động dành cho các ĐVTN có ngày sinh nhật trong cùng tháng. Bên cạnh các ĐVTN đơn vị, chương trình còn sự tham gia của các bạn trẻ đến từ đơn vị kết nghĩa nên luôn lôi cuốn, hấp dẫn. Đan xen giữa phần giao lưu văn nghệ là phần tặng quà sinh nhật cho các ĐVTN, để rồi kết thúc là các màn khiêu vũ quốc tế sôi động.

Sau khi chuyển công tác từ Sư đoàn 375 ra Cục Chính trị, tôi có thời gian sinh hoạt và làm cán bộ Đoàn tại Chi đoàn Cục Chính trị. Đây là Chi đoàn mà phần lớn ĐVTN có trình độ nhận thức cao, mỗi người ít nhiều đều có những năng khiếu sở trường khác nhau. Thuận lợi lớn nhất của Chi đoàn là luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện của Thủ trưởng Cục Chính trị, sự hỗ trợ về vật chất, tinh thần của các phòng, ban chức năng trong Cục. Do đó, khi Ban chấp hành Chi đoàn tổ chức các hoạt động, các cơ quan, phòng, ban không những tạo điều kiện về mặt thời gian cho ĐVTN, mà còn ủng hộ thêm kinh phí cho Chi đoàn hoạt động. Hàng năm, Chi đoàn thường tổ chức các chương trình phối hợp giao lưu với Khoa Mác - Lê nin (Đại học Bách khoa Hà Nội), tuổi trẻ Đài Truyền hình Hà Nội... Lúc thì giao lưu văn nghệ, thể thao ngay tại cơ quan Cục Chính trị, khi thì đi tham quan, giao lưu, học tập với các đơn vị phòng không, không quân. Trong các chương trình giao lưu đó, những người có năng khiếu văn nghệ, thể dục, thể thao… đều có cơ hội được thể hiện. Nhờ đó, các hoạt động do Chi đoàn tổ chức luôn thu hút được sự tham gia của các ĐVTN.

Chia sẻ những câu chuyện trên để thấy rằng, cho dù là ở loại hình cơ quan, đơn vị nào thì nhu cầu được tham gia hoạt động của ĐVTN cũng là rất lớn, vấn đề là cán bộ Đoàn phải là người đứng ra thiết kế và tổ chức để mọi người cùng tham gia. Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã từng dạy: “Năng nghĩ thì hay có sáng kiến”, mỗi người đều có những khả năng, sở trường riêng, điều quan trọng là chúng ta biết phát huy nó; mạnh dạn biến những ý tưởng của mình thành những hoạt động cụ thể. Cán bộ Đoàn phải là người dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng đối diện với khó khăn, thử thách. Do đó, chúng ta không nên lo ngại mình sẽ mắc sai lầm khi thiết kế, tổ chức các hoạt động, mà bỏ lỡ những cơ hội có thể đem lại sân chơi bổ ích, thiết thực cho ĐVTN.

NGUYỄN THÀNH TRUNG

>>> Bài 2: Phát huy năng khiếu văn nghệ

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website