Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ khung huấn luyện
Đối với chiến sĩ mới (CSM), cán bộ khung là người trực tiếp phản chiếu toàn diện hình ảnh, phẩm chất của người chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam để họ tiếp nhận, học tập và trưởng thành. Do đó, để nâng cao toàn diện chất lượng huấn luyện CSM, việc nâng cao trình độ tổng hợp của đội ngũ khung huấn luyện là vô cùng quan trọng.
Huấn luyện điều lệnh đội ngũ tại Tiểu đoàn 11,
Phòng Tham mưu (Sư đoàn 361). Ảnh: TRUNG THÀNHTrước khi xuống các đơn vị cơ sở tìm hiểu thực tiễn các biện pháp nâng cao chất lượng huấn luyện CSM của Sư đoàn 361, chúng tôi được Đại tá Nguyễn Mạnh Khải - Sư đoàn trưởng Sư đoàn 361, cho biết: “Đối với CSM thì cán bộ khung trực tiếp là người phản chiếu toàn diện hình ảnh người chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Thông qua cán bộ khung, CSM tiếp nhận, học tập và trưởng thành. Do đó, để nâng cao toàn diện chất lượng huấn luyện CSM, việc nâng cao trình độ tổng hợp của đội ngũ cán bộ khung là rất quan trọng, đòi hỏi cấp ủy, chỉ huy các cấp tiếp tục rà soát, nghiên cứu, hiệu chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Đối với Sư đoàn 361, việc lựa chọn cán bộ khung cũng như nâng cao chất lượng cán bộ khung là một trong những điều kiện tiên quyết quyết định đến chất lượng CSM ở đơn vị”.
Để “mắt thấy, tai nghe”, chúng tôi đã có một ngày “thâm nhập” quá trình huấn luyện CSM ở Trung đoàn 236. Theo báo cáo của Trung đoàn, chất lượng tổng hợp đầu vào CSM năm nay cao hơn năm trước, đặc biệt là về trình độ văn hóa và trình độ chuyên môn đã qua đào tạo.
Chất lượng đầu vào là quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn là làm sao để CSM phát huy được mới là điều quan trọng. Trung tá Lê Anh Chiến - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 236, chia sẻ: “Những năm gần đây, chất lượng đầu vào của CSM đã được nâng cao, nhất là trình độ văn hóa và chuyên môn nghiệp vụ. Để tận dụng triệt để những ưu điểm đó, đơn vị tập trung làm chuyển biến nhận thức tích cực của CSM về nhiệm vụ của mình ngay từ khi bước chân về đơn vị huấn luyện; đồng thời, phát huy tính năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ các cấp, lấy tình thương, trách nhiệm làm chuẩn mực, hiệu quả huấn luyện làm thước đo… Với nhiều biện pháp đồng bộ, những năm qua, Trung đoàn luôn đạt kết quả cao trong công tác huấn luyện CSM”.
Tìm hiểu tại Trung đoàn, chúng tôi rõ hơn, để tạo thêm động lực cho CSM phấn đấu, thời gian qua, cùng với việc chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác chuẩn bị từ bài giảng đến mô hình, học cụ, thao trường bãi tập… Trung đoàn đã lựa chọn những cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn tốt để biên chế vào khung huấn luyện CSM. Trong quá trình huấn luyện, thực hiện đúng quy trình từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, lấy thực hành là chính, chia nhỏ tập nhiều để bộ đội nắm chắc nội dung, thành thục động tác. Ngay từ ngày đầu, Trung đoàn 236 luôn bám sát quan điểm “thực chất” trong huấn luyện. Trên cơ sở thực hiện nghiêm túc việc lên lớp thực chất, ôn luyện thực chất, kiểm tra, đánh giá kết quả thực chất, các đơn vị huấn luyện CSM đã duy trì theo đúng tiến trình biểu huấn luyện; bảo đảm đến thao trường theo thời gian quy định; duy trì chế độ luyện tập ngoài giờ, chế độ hội thao, hội thi, kiểm tra chéo giữa các đơn vị nhằm đánh giá đúng thực chất kết quả huấn luyện ở từng buổi tập, sau từng khoa mục và để giúp CSM tiếp thu bài nhanh hơn. Cán bộ trung đội, đại đội thực hiện “4 cùng” (Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng chia sẻ với chiến sĩ); phát huy tốt vai trò của tổ chức Đoàn thanh niên, Hội đồng quân nhân trong việc duy trì giờ học, ngày học thanh niên tự quản; đôi bạn học tập, đôi bạn cùng tiến; tổ chức các trò chơi quân sự...
Trung tá Lê Anh Chiến cho biết, để tạo mối đoàn kết, thống nhất về cả ý chí và hành động của CSM, đơn vị đặc biệt lưu ý việc nắm bắt hoàn cảnh gia đình của các CSM ngay từ khi họ bước chân về đơn vị. Để nắm bắt kịp thời, hiệu quả thì vai trò quan trọng phụ thuộc vào cán bộ khung huấn luyện, nhất là đội ngũ tiểu đội trưởng, trung đội trưởng. Việc nắm chắc và hiểu rõ gia cảnh của từng chiến sĩ sẽ là cơ sở để cán bộ các cấp kịp thời động viên, phát huy ưu điểm, hạn chế khuyết điểm của từng chiến sĩ trong quản lý và huấn luyện.
Bằng kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ huy qua các cấp, Đại tá Nguyễn Mạnh Khải - Sư đoàn trưởng Sư đoàn 361, chia sẻ: “Quá trình huấn luyện CSM là quá trình làm chuyển biến từ thanh niên trở thành chiến sĩ, do đó, cán bộ các cấp cần giành thời gian để chia sẻ kinh nghiệm sống, công tác, lắng nghe CSM giãi bày tâm tư, nguyện vọng, tình cảm; từ đó, kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh, xây dựng niềm tin và động lực để chiến sĩ vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Có thể nói, việc coi trọng đội ngũ cán bộ khung huấn luyện là một trong những điều kiện tiên quyết quyết định đến chất lượng CSM, mà thực tiễn có nhiều bài học là minh chứng sống động ở Sư đoàn 361 đáng để các đơn vị quan tâm, vận dụng.
TIẾN MẠNH