Kinh nghiệm chuyển loại, làm chủ máy bay thế hệ mới ở Đoàn không quân Lam Sơn
Bài 3: Chủ động, linh hoạt, chú trọng công tác hiệp đồng
Cùng với bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc, an toàn, tiết kiệm”, công tác huấn luyện bay của Đoàn không quân Lam Sơn còn luôn đề cao tính chủ động, linh hoạt, bám sát đặc điểm thực tiễn; đồng thời chú trọng công tác hiệp đồng nội bộ cũng như với các cơ quan, đơn vị liên quan…
Không để phi công giãn cách, thiếu máy bayTrong những năm qua, kể từ khi máy bay tiêm kích đa năng SU-30MK2 được đưa vào khai thác, hoạt động huấn luyện bay đào tạo cũng như bay theo tiến độ luôn được Trung đoàn không quân 927 chú trọng triển khai thực hiện với nhiều biện pháp hiệu quả. Trung tá Nguyễn Quang Hải, Phó trung đoàn trưởng Quân huấn Trung đoàn không quân 927 cho biết: Trong đào tạo bay cho phi công mới, trung đoàn luôn cố định thầy và trò, để thầy nắm chắc đặc điểm, cố tật cũng như tiến độ, chất lượng của trò, từ đó có biện pháp uốn nắn, sửa sai kịp thời. Đơn vị cũng sẽ tăng số lần chuyến của từng khoa mục nếu cần thiết. Ngoài ra, các khoa mục bay của phi công mới đều được kiểm tra, đánh giá kết quả, đạt chất lượng tốt mới chuyển sang khoa mục khác, trong đó các khoa mục như dẫn đường, kỹ thuật lái, ứng dụng chiến đấu luôn được chú trọng.
|
|
Phi công và nhân viên KTHK Trung đoàn không quân 927 ký bàn giao máy bay trong một ban bay huấn luyện. |
Để bảo đảm cho phi công có khả năng thực hiện nhiệm vụ liên tục và chống giãn cách bay, đòi hỏi phải xây dựng kế hoạch huấn luyện bay khoa học và thường xuyên. Theo đó, Ban Quân huấn của Trung đoàn không quân 927 luôn theo dõi chặt chẽ chất lượng, tiến độ bay của phi công để tham mưu kịp thời với trung đoàn nhằm xây dựng kế hoạch bay hợp lý. Đơn vị cũng thường xuyên xây dựng và chuẩn bị bay theo 2 kế hoạch- khí tượng phức tạp và khí tượng giản đơn; căn cứ vào điều kiện khí tượng cụ thể để quyết định kế hoạch bay phù hợp, qua đó hạn chế giãn cách bay theo mùa. Ngoài ra, Trung đoàn cũng thường xuyên đưa phi công về bay tại một số trung đoàn bạn, vừa để làm quen với điều kiện địa hình, khí tượng, vừa huấn luyện các khoa mục bay phù hợp tại các sân bay đó.
Cùng với đó, căn cứ vào tình hình bảo đảm các mặt, nhất là điều kiện khí tượng thực tế, chỉ huy trung đoàn sẽ lựa chọn tổ chức bay ngày hay bay đêm. Đơn cử, sau ban bay ngày đầu tiên của tuần thứ hai trong tháng Tư hoàn thành 100% kế hoạch, nhận thấy điều kiện khí tượng bắt đầu thay đổi, dự báo sáng và trưa ngày hôm sau sẽ có mưa, đáy mây thấp, tầm nhìn hạn chế nhưng sẽ tốt lên vào chiều và tối, Trung đoàn trưởng Nguyễn Thế Huỳnh quyết định sẽ tổ chức ban bay đêm ngày khí tượng phức tạp vào hôm sau.
Tính chủ động, linh hoạt cũng được ngành kỹ thuật hàng không (KTHK) của Trung đoàn 927 coi trọng, với mục tiêu đặt ra là kiên quyết không để thiếu máy bay phục vụ bay huấn luyện và bay các nhiệm vụ khác. Thiếu tá Nguyễn Ngọc Thanh, Chủ nhiệm Kỹ thuật Trung đoàn không quân 927 “bật mí”: Theo quy định, máy bay phải được kiểm tra định kỳ, bảo dưỡng kỹ thuật, kiểm tra trọng điểm, theo các mốc thời gian và giờ bay cụ thể. Căn cứ vào các mốc đó, ngành KTHK chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện các nội dung trên để tránh chồng chéo. Nhờ đó, đơn vị luôn có đủ máy bay, với chất lượng tốt nhất phục vụ hoạt động bay”.
Ngoài ra, cán bộ, kỹ sư, nhân viên ngành KTHK cũng đẩy mạnh hoạt động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, như thiết kế, sản xuất các bàn công tác đặt thiết bị phục vụ chuẩn bị bay; xây dựng sơ đồ, mô hình mô phỏng hoạt động của một số thiết bị trên máy bay, điển hình như sơ đồ mô phỏng quá trình hoạt động của từng thiết bị trên động cơ máy bay, phục vụ công tác huấn luyện chuyên môn cũng như công tác sửa chữa, bởi sự dễ hiểu và tính trực quan, sinh động…
|
|
Thượng tá, phi công cấp 1 Nguyễn Thế Huỳnh, Trung đoàn trưởng Trung đoàn không quân 927, thực hiện nhiệm vụ chỉ huy bay trong một ban bay huấn luyện. |
Hiệp đồng cụ thể, chặt chẽ, chính xác
Vốn là hoạt động liên quan đến nhiều lực lượng, nên công tác huấn luyện bay luôn đòi hỏi sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các thành phần, như: Hiệp đồng giữa phi công với dẫn đường, chỉ huy bay; giữa phi công buồng trước với buồng sau và giữa các máy bay trong cùng biên đội; hoặc hiệp đồng giữa các ngành như KTHK với Hậu cần, Thông tin-ra đa- ánh sáng… Vậy nhưng, công tác hiệp đồng trong tổ chức hoạt động bay ở các đơn vị không quân không “bó gọn” trong nội bộ, mà còn có sự hiệp đồng với các cơ quan, đơn vị bạn.
Sở chỉ huy của Trung đoàn không quân 927 luôn là nơi sôi động trong những ngày đơn vị tổ chức hoạt động bay. Cùng với nhiệm vụ dẫn đường; thu nhận thông tin về các hoạt động trên không; thì công tác hiệp đồng với các cơ quan, đơn vị có liên quan luôn được tổ chức chặt chẽ, nhằm bảo đảm cho hoạt động bay của đơn vị luôn an toàn, thông suốt. Thiếu tá Phạm Văn Nam, Phó tham mưu trưởng Trung đoàn không quân 927 cho biết: Trước, trong và sau khi tổ chức bay, đơn vị phải làm tốt công tác hiệp đồng, dự báo và thông báo bay nhằm nắm chắc hoạt động có liên quan, như hoạt động bắn đạn thật tại các khu vực có hoạt động bay của đơn vị, hay hoạt động bay của các đơn vị bạn cũng như hoạt động của máy bay hàng không dân dụng, từ đó tham mưu hiệu quả để chỉ huy trung đoàn, chỉ huy bay tổ chức bay an toàn.
|
|
Máy bay SU-30MK2 của Đoàn không quân Lam Sơn về hạ cánh trong một ban bay huấn luyện. |
Chia sẻ của Thiếu tá Phạm Văn Nam khiến chúng tôi nhớ đến nội dung được ngành dẫn đường báo cáo trong ngày tổ chức hội nghị ra chỉ thị bay trước đó. Trực ban dẫn đường đã báo cáo Trung đoàn trưởng Trung đoàn không quân 927 Nguyễn Thế Huỳnh rõ ràng, chính xác hoạt động bắn của một đơn vị tại Trường bắn TB1, với thời gian, độ cao cụ thể. Những thông tin đó được sở chỉ huy thu nhận từ quá trình hiệp đồng với các đơn vị liên quan. Trên cơ sở thông tin đó, chỉ huy Trung đoàn quyết định thời gian bay, độ cao cũng như khu vực hoạt động của máy bay trong ban bay sau đó.
Tại sở chỉ huy trung đoàn, trong suốt quá trình thực hành bay, sĩ quan trực ban Quân huấn còn phải thường xuyên duy trì thông tin với hệ thống sở chỉ huy các cấp, bảo đảm cho hoạt động bay được theo dõi, giám sát cả ở sở chỉ huy Sư đoàn không quân 371 và Quân chủng Phòng không- Không quân.
“Tham gia huấn luyện bay, ngành khí tượng hàng không cũng phải thường xuyên làm tốt công tác hiệp đồng với các đơn vị bạn, để nắm được tình hình khí tượng tại các khu vực, đặc biệt là tại các sân bay dự bị để kịp thời tham mưu với chỉ huy bay trong mỗi tình huống cụ thể”, Trung tá QNCN Trần Văn Chung, Trạm trưởng Trạm dự báo khí tượng Trung đoàn 927 chia sẻ.
Tiếp nhận máy bay tiêm kích đa năng SU-30MK2 chưa lâu, trong khi đây là dòng máy bay mới và hiện đại, nên thách thức đặt ra với Đoàn không quân Lam Sơn không hề nhỏ. Tuy nhiên, bằng tinh thần nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đơn vị đã phát huy cao độ tính chủ động, sáng tạo và triển khai nhiều biện pháp hiệu quả, qua đó làm chủ vững chắc máy bay thế hệ mới. Đến nay, 100% phi công của trung đoàn đều được phê chuẩn đủ điều kiện trực ban chiến đấu, đơn vị sẵn sàng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong mọi tình huống, quyết tâm bảo vệ vững chắc bầu trời thân yêu của Tổ quốc./.
Theo qdnd.vn