14 giờ:4 phút Thứ hai, ngày 7 tháng 5 , 2018

“Vụ kiện” tại hỏa tuyến

Vào một ngày, khi Chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954) đang vào hồi gay cấn, đồng chí Chính trị viên Tiểu đoàn 383 (Trung đoàn 367) Đỗ Văn Loan đang cùng đồng chí Thanh Giang theo dõi công việc trong ngày.

Bỗng đồng chí May là liên lạc của Tiểu đoàn chạy hớt ha, hớt hải đến báo cáo:

- Có 5 đại biểu dân công (2 nam, 3 nữ) xin gặp Chính trị viên để đưa đơn ạ!
- Chết tôi rồi! Chuyện gì đã xảy ra giữa bộ đội với dân công mà lại cử đại biểu đến đưa đơn kiện thế này? Đồng chí ra mời ngay họ vào đây, tôi tới liền.

Sau khi tới gặp mọi người, anh mời khách uống nước và tự giới thiệu là Chính trị viên Tiểu đoàn. Một cô rụt rè đưa tờ đơn đang còn cuộn tròn. Chính trị viên Loan mỉm cười và cầm lấy tờ đơn:

- Anh em trong đơn vị làm điều gì sơ suất đối với các anh chị, tôi xin nghe và giải quyết trực tiếp, đơn từ sợ nói không hết ý, dễ hiểu nhầm.

Một cô dân công rụt rè vào đề:

- Dạ! không có chuyện xấu xảy ra giữa dân công và bộ đội đâu, nhưng xấu hổ và tủi quá, thủ trưởng ạ!

Để tiếp sức cho cô thứ nhất, cô thứ hai, thứ ba tranh nhau nói:

- Chúng em đề nghị được chuyển đạn vào trận địa để các anh được nghỉ ngơi, các anh không cho vào còn đuổi quầy quậy và nói là “Vị trí quân sự, cấm vào!”. Chúng em có phải là chỉ điểm đâu.

- Chúng em đề nghị vá hộ quần áo và giặt quần áo bẩn để các anh trực pháo đỡ căng thẳng thì các anh dơ chùm kim băng sóc sóc trong tay diễu chúng em, không cho chúng em giúp sức. Các anh đã bắn rơi máy bay địch. Nó đã làm cho chúng em ăn không ngon, ngủ không yên, trên suốt dọc đường phải né tránh, nhiều chị em đã bị máy bay bắn bị thương, cụt chân, tay…

Nói rồi các cô lại nấc lên, bật tiếng khóc.

- Thế là chuyện đã rõ, tôi xin lỗi các cô, tôi hứa sẽ thực hiện theo yêu cầu của các cô trong vòng nửa giờ nữa!

Các cô dân công lại tỉ tê:

- Chúng em được an toàn trong khu vực này không phải chui rúc khi máy bay địch tới, được tận mắt nhìn thấy máy bay rơi, tại sao chúng em lại có thể vô tình trước hình ảnh các anh bộ đội cao xạ ngồi trên mâm pháo với những chiếc áo rách, mặc quần lộn ống, tâm chúng em sao đành. Các anh phải ăn mặc đoàng hoàng chứ. Khi bọn phi công địch bị hạ xuống đất nhìn thấy các anh thì sẽ nghĩ gì về chiến sĩ ta trên mâm pháo?

 Người chính trị viên ngồi lặng nghe. Một cái gì đó như thấm lạnh vào cơ thể, những lời nói chân tình không văn hoa kèm theo ít nhiều trách móc xoáy vào tim anh.

Ngay sau lúc đó, anh đã thông báo cho anh em đã đi thu gom quần áo. Chính trị viên trao cho các cô dân công những bộ quần áo của lính thông tin khu vực tiểu đoàn bộ kèm lời giao kèo chỉ vá giúp chứ không được giặt, nếu làm đúng sẽ tiếp tục nhờ vào những ngày tiếp theo.

Sau cuộc tiếp xúc với các đại biểu dân công, Chính trị viên Loan đã kể lại với Tiểu đoàn trưởng Thanh Giang. Sau sự kiện ngày hôm đó, bản thân Chính trị viên Loan đã thu được bài học cực kỳ quý giá về tình người và lòng dân.

Những ngày sau đó, một “xưởng may” được hình thành, tự cung cấp kim chỉ và các chị em dân công đã khâu vá hàng trăm bộ quần áo rách của các cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn thành lành lặn, dễ coi.

 NGỌC SƠN (Theo Hồi ký của đồng chí Nguyễn Văn Loan)

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website