Xã luận:
Phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng Quân chủng PK-KQ ngày càng vững mạnh
Lịch sử ra đời, phát triển, trưởng thành của Quân chủng PK-KQ luôn gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trải qua 55 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, Bộ đội PK-KQ ngày càng lớn mạnh, cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, lập được nhiều chiến công hiển hách, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Ngay sau khi thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12- 1944), với đường lối quân sự đúng đắn, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương xây dựng Quân đội tiến lên chính quy, hiện đại, có đầy đủ các lực lượng chủ chốt là Hải quân, Lục quân, PK-KQ. Thực hiện chủ trương đó, ngày 9-3-1949, theo chỉ đạo của Trung ương Đảng và Bác Hồ, Bộ Quốc phòng đã quyết định thành lập Ban Nghiên cứu Không quân. Ngày 1-4-1953, Trung đoàn 367 - Trung đoàn Pháo Cao xạ đầu tiên của Quân đội ta ra đời và trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, bắn rơi 52 máy bay và bắn bị thương 117 máy bay của Pháp, cùng với quân và dân ta làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (năm 1954).
Từ khi đế quốc Mỹ trắng trợn phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, hất cẳng thực dân Pháp, nhảy vào miền Nam Việt Nam, Đảng và Bác Hồ đã sớm nhìn rõ dã tâm xâm lược, bản chất hiếu chiến và âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta của đế quốc Mỹ. Vì vậy, sau ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc, Đảng và Nhà nước ta đã chăm lo phát triển lực lượng vũ trang cách mạng, trong đó có các lực lượng của Bộ đội PKKQ. Ngày 22-10-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh và Bộ Quốc phòng đã ra Quyết định số 50/QĐ thành lập Quân chủng PK-KQ trên cơ sở hợp nhất Bộ Tư lệnh Phòng không và Cục Không quân. Quân chủng PK-KQ vào thời điểm thành lập có 3 binh chủng: Cao xạ, Ra đa và Không quân; năm 1965, Binh chủng Tên lửa được thành lập. Đây là sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội ta và của Bộ đội PK-KQ.
Bước vào cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ đánh phá ra miền Bắc (từ 5-8-1964 đến 1-11- 1968), Bộ đội PK-KQ đã mưu trí, dũng cảm, sáng tạo, bắn rơi 1.137 máy bay Mỹ, trong đó có 6 chiếc B-52; Bộ đội Không quân tiêm kích đã cất cánh chiến đấu 4.602 lần chiếc, đánh 251 trận, bắn rơi 218 máy bay gồm 19 kiểu loại của Mỹ; Không quân vận tải cất cánh chiến đấu 51 trận, đánh chìm 3 tàu biệt kích, 1 tàu đổ bộ, bắn bị thương 3 chiếc khác; bay vận chuyển 402 lần chiếc, thả dù 3.115 lần, bay 206 chuyến chuyên cơ an toàn. Chiến công của Bộ đội PK-KQ đã góp phần cùng quân và dân cả nước đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc.
Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại lần thứ 2 (1969-1972) mà đỉnh cao là Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội cuối tháng 12 năm 1972, Quân chủng PK-KQ đã cùng quân và dân miền Bắc bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 chiếc B-52 (16 chiếc rơi tại chỗ), 5 chiếc F-111 và 42 máy bay chiến thuật. Riêng Bộ đội PK-KQ bắn rơi 32 chiếc B-52 và nhiều máy bay chiến thuật khác. Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” đã đập tan cuộc tập kích chiến lược đường không chủ yếu bằng máy bay B-52 của Mỹ, đập tan thần tượng “Siêu pháo đài bay” và cái gọi là “Uy thế không lực Hoa Kỳ”, đánh sập ý tưởng “thương lượng trên thế mạnh” của Ních-xơn và buộc chính quyền Mỹ phải ký hiệp định Pa-ri vào ngày 27-1- 1973, tạo ra thế và lực mới cho cách mạng Việt Nam, đẩy nhanh sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của dân tộc đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Sau Hiệp định Pa-ri, Quân chủng PK-KQ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện, hiệp đồng với các lực lượng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tổng kết cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Quân chủng PKKQ đã bắn rơi 2.635 máy bay trong tổng số 4.181 máy bay Mỹ bị quân và dân ta bắn rơi trên miền Bắc, gồm tất cả các kiểu loại hiện đại nhất của không quân Mỹ trong đó có 64 chiếc B-52, 13 chiếc F.111, tiêu diệt và bắt sống nhiều giặc lái.
Trong giai đoạn cách mạng mới, bản chất tốt đẹp và truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, “Người chiến sĩ PK-KQ ưu tú” được tôi luyện qua các cuộc kháng chiến và chiến tranh vệ quốc tiếp tục tỏa sáng trong công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ SSCĐ, QLVT, QLĐHB, Quân chủng còn làm tốt công tác dân vận, tích cực giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu nạn, cứu hộ; xây dựng cơ sở chính trị ở cơ sở, củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Phát huy truyền thống 55 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ Quân chủng PK-KQ ngày nay luôn đoàn kết một lòng, tiếp tục tô thắm truyền thống vẻ vang của dân tộc Việt Nam anh hùng, Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, Quân chủng PK-KQ anh hùng, quyết tâm xây dựng Quân chủng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thực sự là lực lượng nòng cốt quản lý bảo vệ vững chắc vùng trời quốc gia.
BAN BIÊN TẬP