LƯƠNG TÂM, TRÁCH NHIỆM TRONG CÁC CHUYẾN BAY CẤP CỨU BIỂN XA:
Bài cuối: Nhiệm vụ thiêng liêng của các chiến sĩ quân y
Đồng hành cùng những người lính không quân Trung đoàn 917 và Binh đoàn 18 ra cấp cứu quân nhân, nhân dân ở biển xa còn có các y bác sĩ của Bệnh viện quân y 175 (Bộ Quốc phòng). Nhiều năm nay, các kíp y, bác sĩ của Bệnh viện đã góp phần cứu sống các quân nhân, ngư dân nguy kịch trong khi thực hiện nhiệm vụ canh giữ biển đảo và khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Những đóng góp thầm lặng nhưng hết sức cao cả của họ đã góp phần giữ vững niềm tin cho những người con đất Việt đang ngày đêm bám biển, giữ đảo, góp phần quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
Các y, bác sĩ Bệnh viện 175 cấp cứu bệnh nhân tại Sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: CTVThiếu tướng PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Bệnh viện quân y 175 cho biết: “Vận chuyển cấp cứu bệnh nhân trên các vùng biển đảo phía Nam của Tổ quốc bằng đường hàng không là một hình thức đặc biệt của cấp cứu ngoại viện. Tham gia thực hiện nhiệm vụ cấp cứu hàng không trên biển xa, trước hết đòi hỏi kíp làm nhiệm vụ phải là các y, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, có nhiều kinh nghiệm, có kỹ năng hồi sức cấp cứu trong điều kiện dã chiến tốt và đặc biệt là phải có bản lĩnh vững vàng, sức khỏe tốt, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống. Với tinh thần vì nhân dân phục vụ, không quản ngại gian khổ, hi sinh, trong nhiều năm qua, các kíp y bác sĩ của Bệnh viện 175 đã phối hợp với Trung đoàn 917 và Binh đoàn 18 bay cấp cứu chuyển hàng chục trường hợp bệnh nhân về đất liền điều trị đảm bảo an toàn.
Nói về cảm nhận của mình khi tham gia vào các chuyến bay cấp cứu trên biển xa, Đại úy QNCN Ngô Việt Hùng - Y sĩ điều trị, Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện quân y 175), trải lòng: “Ban đầu, khi nhận nhiệm vụ cấp cứu trên biển xa bằng máy bay trực thăng, tôi và đồng nghiệp không khỏi hồi hộp, lo lắng. Thế nhưng với tinh thần, trách nhiệm của một người lính quân y, chúng tôi luôn xác định phải vượt lên mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong bất kỳ tình huống nào. Khi ngồi trên máy bay, vượt qua chặng đường dài trong điều kiện khí tượng thay đổi phức tạp, trước sự bản lĩnh, ý chí kiên cường của tổ bay đã tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi tập trung suy nghĩ về một điều duy nhất là làm hết sức mình nhằm bảo đảm sinh mạng cho các bệnh nhân”.
Theo Đại úy Diệp Hồng Kháng - Bác sĩ điều trị, Khoa Hồi sức tích cực, mặc dù chưa được huấn luyện một cách bài bản về cấp cứu hàng không, nhưng với tinh thần tất cả vì người bệnh, các kíp y, bác sĩ của Bệnh viện luôn cố gắng hết mình trong việc cấp cứu người bệnh. Mỗi lần tham gia cấp cứu trên biển là một trải nghiệm quý cho các chuyến bay cấp cứu biển xa tiếp theo. Chính vì lẽ đó, trong nhiều năm qua, các chuyến bay cấp cứu biển xa có sự tham gia của các y, bác sĩ Bệnh viện 175 đều hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đến khi đưa bệnh nhân vào bệnh viện điều trị chuyên sâu.
Có thể nói, việc cấp cứu bệnh nhân tại đảo hay trên máy bay không giống như cấp cứu bệnh nhân tại bệnh viện. Nó bị chi phối bởi điều kiện khó khăn về trang thiết bị y tế, sự rung xóc, độ cao, ô xy thấp, áp suất khí quyển thay đổi, không gian chật hẹp..., đặc biệt là một số xử lý ban đầu của tuyến trước chưa thật tốt do sự hạn chế về con người và trang thiết bị trên các đảo. Chính vì vậy, cần có sự đánh giá tốt về tình trạng của bệnh nhân, chuẩn bị tốt về trang thiết bị máy móc và thuốc cho phù hợp với từng trường hợp và phải có sự chủ động, tự tin, quyết đoán thực hiện các biện pháp cấp cứu khẩn cấp.
Trong nhiều chuyến bay cấp cứu biển xa, có những trường hợp bệnh nhân khi đang bay bị ngừng tim, ngừng thở làm cho kíp cấp cứu phải rất vất vả, nỗ lực hết mình để duy trì sự sống cho họ. Bác sĩ Kháng nhớ lại chuyến bay cấp cứu bệnh nhân Hưng (quê Thái Bình) trên đảo Trường Sa Lớn về đất liền. Đây là ca cấp cứu hết sức khó khăn khi bệnh nhân bị đa chấn thương, trong đó có chấn thương gây tràn dịch màng phổi rất nghiêm trọng. Trước đó, Bệnh xá Trường Sa Lớn đã tiến hành chọc dịch màng phổi cho bệnh nhân. Trên hành trình từ đảo về đất liền, bệnh nhân có biểu hiện suy hô hấp nặng mặc dù đang được hỗ trợ thở máy, tình trạng rất nguy kịch. Lúc này, kíp cấp cứu nhận định bệnh nhân bị tràn dịch và tràn khí khoang màng phổi phải tiến hành cấp cứu khẩn cấp. Với kinh nghiệm, kỹ năng cũng như sự nỗ lực của toàn kíp, bằng những phương tiện cấp cứu, thuốc mang theo kíp y bác sĩ đã giúp bệnh nhân ổn định đường thở trở lại cho đến khi được đưa về cấp cứu tại Bệnh viện 175.
Là người thường xuyên góp mặt trên những chuyến bay cấp cứu biển xa, Thượng úy Nguyễn Đức Trọng - Bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực, chia sẻ niềm vui của một “lương y” khi cấp cứu vận chuyển thành công bệnh nhân từ các vùng biển, đảo xa về đất liền. Với anh, được thấy bệnh nhân an toàn từ máy bay về bệnh viện điều trị là niềm vui, sự khích lệ động viên to lớn đối với những người đã không quản hiểm nguy, vượt qua muôn trùng sóng gió để đến với bệnh nhân. Thượng úy Nguyễn Đức Trọng cho rằng, kết quả mà những chuyến bay cấp cứu thu được không chỉ ở việc cứu sống những bệnh nhân cụ thể, mà hơn thế, những bệnh nhân được các anh cấp cứu chuyển về, được bệnh viện điều trị bình phục, lại tiếp tục trở lại giữ đảo hay ra khơi bám biển khai thác hải sản để khẳng định chủ quyền biển đảo quốc gia.
Có thể nói, những chuyến bay cứu hộ, cứu nạn thành công của những người lính không quân và chiến sĩ quân y thời gian qua đã tiếp thêm sức mạnh, động lực cho bộ đội đội và nhân dân làm nhiệm vụ và khai thác hải sản trên các vùng biển, đảo Tổ quốc; giúp họ vững tin bám biển, bám đảo, kiên trung nơi đầu sóng ngọn gió để giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc và góp phần phát triển kinh tế đất nước.
CÔNG GIANG, THÀNH TRUNG