8 giờ:31 phút Thứ tư, ngày 6 tháng 3 , 2019

Đến với Cồn Cỏ đảo nhỏ anh hùng

Năm 1965, ra đi từ Hà Nội lúc còn thấm lạnh mưa xuân, tôi rong ruổi trên chiếc xe đạp đường trường vào khu Bốn. Ghé lại một vài trận địa pháo cao xạ phòng không bên đường số 1 đoạn qua Hà Tĩnh, tạt xuống vùng biển Quảng Bình thăm Đại đội nữ Pháo binh dân quân Ngư Thủy, lúc chúng tôi đến Vĩnh Linh đã vào giữa tháng Tư.

Đến với Cồn Cỏ đảo nhỏ anh hùng

Lúc này, Vĩnh Linh - tuyến đầu miền Bắc hậu phương lớn đã thực sự bước vào cuộc sống thời chiến. Không khí chiến đấu sôi sục. Thị trấn Hồ Xá sơ tán, không còn mấy người dân nhưng hầm hào đã chằng chịt khắp nơi. Hầm công sự cá nhân rải ra bên đường, hào giao thông xuyên qua các vườn nhà.

Ở đầu dốc thị trấn, một hố bom Mỹ nham nhở, sâu như một cái ao. Đứng ở đây, lúc xuôi gió, chúng tôi nghe tiếng loa địch từ bên bờ Nam sông Bến Hải ra rả vọng sang kích động “tiến công Bắc Việt”.

Ngang qua trận địa Đại đội 3 Ra đa phòng không còn mùi khét cháy bom đạn Mỹ sau trận đánh ác liệt ban chiều, chúng tôi tìm đến Sở chỉ huy Trung đoàn 341 ở xã Vĩnh Chấp.

Vừa bước vào căn hầm nửa nổi nửa chìm của Sở chỉ huy, Chính ủy Trung đoàn Đặng Kình, vồn vã bắt chuyện ngay. Ông sôi nổi kể lại những ngày đầu thử thách của quân dân Vĩnh Linh đánh trả máy bay Mỹ. Đặc biệt là cuộc chiến đấu anh hùng của các chiến sĩ trên đảo Cồn Cỏ. Càng nghe, tôi càng bị cuốn hút vào câu chuyện của ông về chiến công của những con người nghe như huyền thoại: Lê Ngọc Vân, Thái Văn A, Đinh Kinh v.v.. Qua ánh trăng, tôi thoảng thấy vẻ xúc động trên khuôn mặt người Chính ủy.

Biết tôi có ý định ra đảo, ông vui hẳn lên nhưng khi gợi ý thì thận trọng, cân nhắc:

- Cứ nghĩ kỹ đi, đi đảo lúc này khó khăn và nguy hiểm nữa. Nhưng… nếu đồng chí quyết tâm, cần thì tôi thu xếp!

Thực ra trước khi rời Hà Nội, Trưởng ban biên tập Ngô Thế Kỷ chỉ thân tình gợi ý với tôi:

- Khu Bốn đã vào thời chiến rồi. Ngồi ở đây, đâu có thể hình dung được. Vào đấy tùy tình hình rồi liệu!

Ông không đặt ra một yêu cầu cụ thể nào về bài vở, chỉ làm sao có tin bài phản ánh về cuộc chiến đấu của quân dân tuyến lửa Khu Bốn trong những ngày đầu chống chiến tranh phá hoại bằng đường không của Mỹ. Có thể ông chỉ để cho tôi làm quen với việc tác nghiệp thời chiến. Bởi dẫu sao, tôi là người vào nghề báo chưa lâu.

Còn như bị mê hoặc bởi câu chuyện của Chính ủy Đặng Kình, tôi háo hức:

- Chính ủy cứ giúp tôi. Bạn nghe đài cả nước đang muốn biết về Cồn Cỏ!

Có thể thực lòng, ông cũng muốn tôi ra đảo bởi trong khi trò chuyện, một đôi lần tôi nghe ông nói “Chiến sĩ ta thật anh hùng mà chúng tôi thì chẳng thể viết ra được”.

Tôi cẩn thận hỏi:

- Vậy nên đi tàu hay thuyền?

- Tàu thì phải quay ra cảng Sông Gianh, nhờ Hải quân họ lo. Còn đi thuyền thì… tối mai chúng tôi có chuyến. Rồi ông quả quyết - Đi thuyền cải trang như là dân đánh cá vậy, có gì dễ xoay xở và an toàn hơn. Tôi sẽ điện trước cho đảo!

Tôi đã có chuyến “tháp tùng” Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị - Lê Quang Hòa ra đảo thăm Phân đội 3 Hải quân đánh đuổi tàu Mỹ trong sự kiện Vịnh Bắc Bộ, ngồi trên tàu phóng lôi phóng như bay trên mặt biển. Nhưng còn đi thuyền… thì chưa một lần. Mà đây chỉ là thuyền chèo!

Sáng sớm hôm sau, tôi đạp xe về thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch tìm gặp xã đội phó Hồ Triêm, liên lạc với đội thuyền. Anh Triêm giấu chiếc xe đạp của tôi dưới lòng hào giao thông sau nhà, nói vui: - Cứ yên tâm ra đảo. Nhà tui còn là xe anh còn!

May mắn trong đội thuyền có anh Vinh là người quen. Nhận ra tôi, anh Vinh mừng lắm, có thêm bạn đồng hành. Anh cùng quê với vợ tôi - người huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Cũng cùng quê Hà Tĩnh còn có anh Thuyết - đội trưởng. Tối hôm đó, ngay trong hõm đất bên bờ biển, chúng tôi có bữa liên hoan gặp mặt: tôm luộc chấm với muối tiêu.

Khi thuyền chúng tôi vừa rời bến được chừng một ki lô mét thì có lệnh quay lại: tàu địch từ Cửa Việt hướng về phía đảo. Chuẩn bị rời bến, Thuyết hỏi vui tôi: - Nhà báo biết bơi không ?

- Chỉ được vài chục mét thôi. - Tôi thành thật. Sợ tôi lo, anh Thuyết động viên: - “Hỏi vậy thôi. Anh đừng ngại, có anh em tôi mà! Gặp chuyện chi, anh cứ bình tĩnh để chúng tôi xử trí!”. Anh chỉ cho tôi cái mảng tre ghép trên thuyền, lúc bất trắc dùng làm phao bơi.

Phải đợi tiếp hơn một giờ sau, thuyền tiếp tục xuất phát. Trên thuyền chỉ có gạo và thực phẩm. Hành trang của tôi đơn giản: chiếc ba lô quần áo, cuốn sổ tay, chiếc máy ảnh Liên Xô gọn trong túi vải, tất cả đều buộc sẵn vào một vật nặng… khi cần thì ném xuống biển! Tôi khoác trên mình bộ quần áo dân chài bà con mượn cho.

Giả là thuyền đánh cá đưa hàng ra đảo an toàn nhưng trường hợp bất trắc gặp địch thì phải kiên quyết chống lại, không để địch bắt - đó là quyết tâm của đội thuyền.

Chuyến đi đã trễ lại không thuận gió. Buồm căng lên rồi phải cuốn lại. Anh em thay nhau ráng sức chèo thuyền. Khi thuận gió, lên buồm lại canh cánh lo tàu địch. Phải giữ hướng để thuyền khỏi lướt quá đà, lạc vào phía Nam là rơi vào tay địch. Mấy tấm lưới đánh cá, anh em chất lên mui thuyền, súng đạn dấu dưới khoang. Con thuyền nhỏ như thu mình nấp sau lưng sóng, vật vã giữa biển đêm.

Tôi vững tin ở kinh nghiệm dày dạn của anh em đi biển - những người lính vốn là ngư dân. Đã có nhiều chuyến ra vào đảo an toàn, họ biết cách lách tránh tàu địch, tránh ánh đèn pha của chúng từ cảng Cửa Việt quét qua mặt biển…

Bình thường, với 28 km đường biển từ Vịnh Mốc ra Cồn Cỏ, thuyền chỉ mất khoảng 5, 6 giờ đồng hồ là cập bến đảo trong đêm. Nhưng sau một đêm bồng bềnh trên biển, tôi bị nôn ói dữ dội, đến lúc nghe Vinh gọi “Dậy mà xem đảo” ngẩng đầu lên thì trời đã sáng bạch. Cũng chợt nhận ra mặt biển dưới nắng sớm rất đẹp, lấp lánh như dát bạc. Sóng lớp lớp dâng lên cuồn cuộn ngang đầu. Người tôi bỗng nhiên tỉnh táo. Sức mạnh có lẽ là ở hòn đảo xanh mờ đang hiện dần ra phía trước. Nó tựa như một chiến hạm lừng lững giữa sóng gió biển khơi. Cũng vừa lúc, tôi kịp nhận ra trên biển không chỉ có thuyền của tôi mà là đoàn thuyền 10 chiếc đang chở pháo và đạn chi viện cho đảo. Thuyền của tôi chỉ làm nhiệm vụ cảnh giới.

Đang cảm thấy chột dạ vì sự mong manh của đoàn thuyền đang phơi ra lồ lộ trên mặt biển thì mọi người sửng sốt kêu lên: Hướng Đông có tiếng máy bay địch. Một tốp 3 chiếc máy bay T-28 hướng thẳng tới đoàn thuyền. Không còn cách đối phó nào khác, chúng tôi với phản xạ chiến đấu của người lính, mỗi người tìm cho mình một tư thế bắn, dán mắt về phía máy bay địch. Hai khẩu súng máy được kê lên mạn thuyền. Hồi hộp chờ giây phút nổ súng thì như có một điều diệu kỳ, những luồng đạn đỏ lừ từ trong đảo phóng ra, tới tấp bay thẳng vào tốp máy bay Mỹ, lửa chấp chới trong nắng sớm. Chiếc máy bay Mỹ đi đầu lập tức bốc cháy, lửa lem lém ở thân. Cả tốp quay ngoắt lại. Chúng tôi sung sướng reo lên và thuyền cập bến đảo an toàn.

Vui như những đứa trẻ, chúng tôi nhảy bước nhanh nhanh trên những tảng đá với nhiều hình dạng xù xì, góc cạnh để lên đảo…

* * *
**

Lúc ở Hà Nội, nghe nói về những trận ném bom ác liệt của máy bay Mỹ xuống đảo, nhiều người tỏ ra lo lắng. Giữa một hòn đảo nhỏ chừng hơn 2 km², các chiến sĩ ta sống và chiến đấu ra sao để giữ đảo trước bom đạn quân thù. Nhưng khi đã đặt chân lên đảo, nghe tiếng nói cười râm ran của cán bộ, chiến sĩ vây quanh chào hỏi, chúng tôi thấy yên tâm lạ thường.

Chính trị viên phó Trần Đăng Khoa tìm gặp tôi, bắt chặt tay, nói ý nhị: Bây giờ mới gặp nhưng đã quen nhau từ ban sáng rồi!

Anh từ trận địa phòng không ban nãy cứu đoàn thuyền, rồi chạy xuống đây để được chào mừng mọi người. Lát sau, chính trị viên Sen cũng có mặt, vồn vã : - Chào nhà báo! Có người từ đất liền ra là chúng tôi vui rồi!

Ở giữa hòn đảo chơi vơi lộng gió, tôi có cảm giác như trong tiếng súng triền miên vỗ vào bờ đảo trong tiếng ru của gió luôn có tiếng ì ầm của máy bay địch lẩn quất đâu đó. Và ở đây, một trận đánh tưởng như một trận gió lướt qua.

Vẫn còn háo hức với câu chuyện của Chính ủy Trung đoàn Đặng Kình kể hôm trước, tôi muốn tìm gặp ngay người chiến sĩ quan sát dũng cảm trên căn chòi ở ngọn đồi cao nhất đảo. Và rồi cũng không khó nhận ra cái dáng dấp nhỏ nhắn của Thái Văn A trên chòi cao. Cái chòi đơn sơ được dựng trên những thân cây dầu, nhựa như máu còn xù xì các vết đẽo đánh bậc lên xuống. Dưới chân chòi không xa, nhiều thân cây bị mảnh đạn phạt đứt văng xuống vạt đất cháy sém. Chính trên cái chòi ấy, Thái Văn A đã nhiều lần kiên gan đứng quan sát máy bay trong tiếng rung chuyển dữ dội của bom đạn địch, đất chao đảo dưới chân mình. Nhiệm vụ của anh là kịp thời báo về sở chỉ huy những thông tin cần thiết. Có lần Thái Văn A bị một mảnh đạn nhỏ cắm vào đùi. Chẳng kịp gọi đồng đội, anh giật mạnh đến lúc máu ra, đồng đội mới đến kịp băng bó.

Tôi leo lên cái chòi quan sát ấy và ngợp trong gió biển. Sương giăng mờ trước mắt. Thái Văn A hiền lành chỉ cho tôi xem vết thương lần ấy đã thành sẹo. Cho đến lúc này, chẳng ngày nào, anh vắng mặt trên chòi cao ấy, chẳng sợ mưa bay rát mặt, gió buốt lạnh da thịt để đôi mắt không rời bầu trời, mặt biển; không chịu bị động với kẻ thù. Khỏi nói về ý chí kiên cường của anh, những lúc địch bắn phá đảo… Nhưng trong thẳm sâu tâm hồn Thái Văn A nói, điều anh thích nhất là lúc bình yên, dưới bầu trời trong vắt được nhìn về đất liền quê hương cho bớt nhớ mong.

Tôi cũng đã xuống trận địa “Hà Đông” cùng chính trị viên phó Trần Đăng Khoa, một phần để tỏ lòng biết ơn các chiến sĩ kịp cứu đoàn thuyền hôm ra đảo. Phân đội trưởng Tứ - người chỉ huy trận địa này quê ở Đồng Tháp. Cái giọng miền Nam ấm áp của anh thật gần gũi. Trưởng thành từ Trường Sĩ quan Phòng không, Tứ tình nguyện xin ra đảo chiến đấu. Các chiến sĩ của anh cũng đến từ nhiều miền quê. Có người ở tận Cao Bằng xa lắc, chưa hề biết vị mặn của biển nhưng đến đây, coi đảo như quê mình. Tình yêu đó là thứ cảm xúc mãnh liệt để chiến sĩ đảo cho ra đời bài thơ “Ta yêu đảo như yêu quê mẹ!”.

Tứ đứng trên bờ công sự, đeo cặp kính râm nhìn trời cho khỏi nắng. Tôi chưa kịp chuyện trò với anh thì đã có lệnh báo động. Tứ rướn người lên, chém mạnh tay xuống đất. Tiếng đạn nổ choang chác bên tai. Những tốp máy bay Mỹ, thay nhau quần lượn trên bầu trời, liên tiếp đánh phá trận địa của đảo. Sức chấn động như một luồng gió mạnh thổi hất tôi và Khoa ngã về phía sau. Choáng một lúc tỉnh dậy, tôi kịp nhận ra trận địa mình đang chiến đấu. Đạn rốc két địch xới đất lở lối. Nhìn ra phía khẩu đội 2, tôi thoáng thấy có chiến sĩ bị thương trên mâm pháo. Đó là Thiêm - pháo thủ số 1. Chúng tôi chạy đến đỡ anh xuống. Thiêm chần chừ chưa chịu để đồng đội đưa về phía sau, mắt còn quay lại nhìn trận địa. Máu chảy ra từ cái chân gãy của anh ướt đầm đìa, thấm sang cả vạt áo của tôi.

Đứng ở ngách chiến hào, tôi còn gặp một chiến sĩ khác bị thương nằm trên cáng. Mới biết tên anh là Khánh nhưng từ trên cáng, Khánh đã chìa tay bắt, nắm lấy bàn tay tôi rồi những giọt nước mắt lăn trên khuôn mặt nhợt nhạt:

- Chào nhà báo ở lại!

Tôi xúc động đến lúng túng, bất ngờ với người chiến sĩ bị thương chưa kịp làm quen.

Tôi đã nghe câu chuyện về Lê Ngọc Vân, khi chân bị dập vùi dưới đất. Máu ra nhiều, biết khó có thể sống được nhưng khi Bí thư Đảng ủy đảo đến gặp, Vân chỉ có một yêu cầu “Đồng chí cố gắng động viên gia đình tôi!”. Rồi anh thanh thản ra đi. Chuyện đó tôi nghe kể, còn giờ sự thật diễn ra trước mắt, ngay trên trận địa này…

Lần ấy khi trận đánh dữ dội vừa kết thúc chừng 5 phút, tôi đã thấy theo đường hào, nhiều chiến sĩ chạy đến trận địa. Anh nhân viên quân khí có mặt sớm nhất cùng pháo thủ Tảo sửa lại khẩu pháo vừa bị hỏng hóc. Ở vạt đất bị xới tung gần trận địa, Duyến, chiến sĩ thông tin lần dò kiểm tra đường dây, khẩu AK vẫn quàng trên vai. Đến lúc tìm thấy mối dây đứt anh mới đặt chiếc máy điện thoại và cuộn dây xuống, nối từng đoạn dây đứt.

Từ khu rừng bên chân đảo, anh nuôi Đinh Kinh cũng vội vã chạy sang, trên vai, bao tải rau chưa đầy. Công việc hằng ngày của Kinh, sau mỗi lần đỏ lửa, lo bữa ăn cho pháo thủ là tìm thêm món ăn “cải thiện”. Sáng trưa lang thang kiếm củi, chiều rong ruổi ven bờ đảo câu cá, bắt cua. Thịt heo, gà còn để dự trữ vì ở đảo thực phẩm rất khó khăn.

Lúc xôm thì bếp của Đinh Kinh có canh nấu cua, nộm rau hay cua xào với nõn chuối rừng. Lúc chiến đấu căng thẳng, khan hiếm thì cố trong bữa cơm pháo thủ có bát nước rau dầm sấu để anh em chan húp.

Hơn một năm ở đảo, Đinh Kinh luôn tận tụy từng ngày như thế. Vài ngày trước đó, vào đợt tái đăng ký nghĩa vụ quân sự, gặp Kinh, Chính trị viên đảo dò hỏi: - Lần này tái đăng, cậu định ở lại đảo thêm bao lâu nữa ?

Đinh Kinh cười thật thà: - Bao lâu cũng được, tùy thủ trưởng !

Cùng chuyến ra đảo với tôi có hai chiến sĩ công binh: Khang và Đắc. Ngay trong trận đầu ở đảo, khi tiếng bom đạn vừa dứt, 2 người đã lao đi, phát hiện những quả bom chưa nổ, đánh dấu rồi tìm cách tháo gỡ, khoanh lại những vùng địch rải nhiều bom bi, cắm nhiều biển hiệu.

Đã tình nguyện ra đảo, mỗi chiến sĩ đều tận tuỵ lo tròn phần việc của mình.

Đối với bọn địch, Cồn Cỏ như “cái gai cắm trước mắt”. Bởi thế, khi bay từ hướng nào tới, địch cũng “ghé mắt” nhìn Cồn Cỏ. Vài quả bom còn sót lại sau những trận đánh phá đất liền, ngang qua Cồn Cỏ cũng trút xuống cho nhẹ thân… Chẳng mấy chiến sĩ buồn nhớ mỗi ngày có bao lần máy bay Mỹ lướt qua, có bao nhiêu bom đạn ném xuống. Cồn Cỏ thực sự là một lò lửa chiến đấu, nơi hun đúc ý chí, tinh thần cách mạng của mọi chiến sĩ.

Được sống cùng đồng đội nhiều ngày trên đảo, tôi càng thấu hiểu sự chịu đựng hi sinh, phẩm chất anh hùng của các chiến sĩ trên đảo trước sự bao vây, uy hiếp của kẻ thù. Tôi đã cùng với các chiến sĩ, ban ngày trên trận địa đánh máy bay Mỹ, chiều tối ra ven đảo cùng các chiến sĩ pháo binh. Trong tiếng sóng vỗ ì ầm, những người lính đảo luôn quan sát và lắng nghe phát hiện tàu địch có ý định tiếp cận quanh đảo. Với khẩu AK bên người thường trực, tôi như một chiến sĩ ở đảo. Mà ai ở đất liền ra cũng vậy sẵn sàng cùng lính đảo đánh địch biệt kích, bảo vệ đảo. Cũng có những đêm cùng tâm trạng lo lắng, chia sẻ khó khăn với cán bộ đảo, bàn cách nuôi dưỡng, duy trì sức chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ trên đảo.

Ở đảo, tôi đã được sống những ngày thật có ý nghĩa của cuộc đời làm báo. Không chỉ tận dụng thời gian trò chuyện, ghi chép, có được những tài liệu quý và sống động về người chiến sĩ Cồn Cỏ mà chính ở đây, tôi đã được học và trưởng thành hơn nhờ những tấm gương chiến sĩ anh hùng, những tấm gương sống bình dị, lạc quan của các chiến sĩ.

Sau mỗi ngày, bằng những điều quan sát và cảm nhận, tôi đã có những bài viết ngắn, thường trên 1 hoặc 2 mặt giấy của tờ điện báo gửi về Hà Nội cho Ban biên tập để kịp thời đưa lên sóng những thông tin nóng, xác thực. Còn ở đảo, trong những giờ phút yên tĩnh lúc chiều tối, cán bộ chiến sĩ lại được nghe những tin tức về đất liền, mừng vui nhất là họ được nghe nói về cuộc sống và chiến đấu trên đảo của chính mình như một niềm khích lệ lớn.

Trở về Hà Nội, đồng chí Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị - Lê Quang Hòa vui mừng báo cho tôi hay: Lúc đài dịch xuyên tạc đưa tin thất thiệt “tiêu diệt Cồn Cỏ” thì bài tin của tôi từ Cồn Cỏ gửi về đã giúp bạn nghe đài yên tâm, tin hơn ở thắng lợi của cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm chiến đấu trên đảo. Tôi thật sự hạnh phúc, có thêm những bài viết về Cồn Cỏ đăng trên các báo và loạt bài “Kể chuyện Cồn Cỏ anh hùng” phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.

Từ Trung Quốc về, một đồng nghiệp báo cho tôi biết phóng sự “Cồn Cỏ anh hùng” của tôi đăng trên báo Nhân dân được dịch và trích đăng trên Nhân dân Nhật báo Bắc Kinh. Nhiều sinh viên, lưu học sinh Việt Nam ở Matxcơva cũng gửi thư về, tỏ lòng khâm phục ý chí chiến đấu ngoan cường và tất thắng của chiến sĩ đảo Cồn Cỏ.

Những ngày sống và chiến đấu với chiến sĩ trên đảo Cồn Cỏ anh hùng thực sự là một cơ hội hiếm có, một vinh dự lớn trong cuộc đời làm báo của tôi.

Và ngày trở lại…

Lòng nhẹ nhõm, dưới vòm trời sáng trong của một ngày nắng đẹp, con tàu nhỏ của cơ quan quân sự huyện đảo lướt sóng đưa tôi trở lại Cồn Cỏ. Tôi yên lòng, vơi đi nỗi khát khao, chờ đợi. Mấy chục năm, hình ảnh về hòn đảo nhỏ anh hùng Cồn Cỏ vẫn chưa phai mờ trong tâm trí tôi. Mấy hôm rồi, lúc ở Cửa Việt, lúc Cửa Tùng, tôi mãi tìm kiếm một chuyến tàu ra đảo.

Bây giờ, trong khoang tàu, mấy cán bộ huyện đảo đã tìm chỗ thư thái thả mình sau những ngày bận rộn ở đất liền. Ra vào đảo đã là chuyện thường ngày; họ có thể yên tâm đánh một giấc ngủ say, thức dậy là đến đảo. Còn tôi, tuổi đã cao, dẫu chính trị viên huyện đảo Nguyễn Thuận Cường khuyên nghỉ ngơi sau mấy ngày đi lại vất vả nhưng tôi đâu có thể bỏ phí cơ hội hiếm hoi này!

Bên khung cửa nhỏ, tôi đăm đăm nhìn ra biển cả. Biển lặng. Sóng êm. Những con sóng cuộn lên, vờn nhẹ lấp lóa đùa giỡn dưới nắng sớm. Không quên được, nơi vùng biển này đây, một đêm trong chiến tranh, tôi đã theo các chiến sĩ Cồn Cỏ chở hàng ra đảo. Một chiếc thuyền dân với 5 chiến sĩ mong manh vượt sóng gió trong đêm tối mịt mùng. Ngày ấy và hôm nay, hai chuyến đi, thời chiến và thời bình khác xa nhau như ngày và đêm.

Trong một buổi sáng thanh bình, tôi là du khách tha hồ ngắm trời mây, biển sóng. Nhìn những con sóng xé tách ra, thuần phục trước mũi con tàu hướng ra đảo mà lòng vui vui…

Phúc, anh chiến sĩ lái tàu, mắt không rời phía trước, hai tay đặt nhẹ trên vòng lái chốc chốc vui chuyện với bạn đồng hành. Đó là Duy, thợ máy gắn bó với anh trong mỗi chuyến ra vào đảo. Họ đều có thâm niên 20 năm trong nghề. Là đồng đội, đồng nghiệp của nhau, cả gia đình họ cũng là bạn láng giềng gần gũi đang lập nghiệp ở thị trấn Cửa Tùng, nơi bến tàu vào ra.

Tôi đang đau đáu trông chờ Cồn Cỏ hiện ra, chợt có tiếng reo lên từ trong khoang tàu nghe như ngày nào “Cồn Cỏ kia kìa!”.

Giải xanh mờ chờ đợi ở phía chân trời. Cái khoảng cách từ con tàu tới đảo tựa như chuyến đi ngày trước và tôi vẫn còn cảm giác hồi hộp, náo nức…

***
**

Cồn Cỏ bây giờ thế này ư? Tôi ngạc nhiên tự hỏi.

Đâu chỉ có một màu xanh cây lá mà lấp ló trên sườn đảo điểm xuyết những mảng màu đỏ của những ngôi nhà mới. Cả sắc màu của những con tàu nhỏ lô nhô nơi bến đảo. Tàu chở vật liệu xây dựng từ đất liền ra, tàu cá của ngư dân ghé lại tàu của bộ đội, tàu của huyện đảo in đậm 2 chữ Cồn Cỏ… Trên  đảo ngồn ngộn những đống đất đá, cát sỏi, xăng dầu, thực phẩm…

Chỉ một bước nhảy lên bờ, tôi hăm hở theo chân anh Tài - Bí thư huyện Đoàn thanh niên của đảo sải bước trên con đường mới mở, ngỡ ngàng trước một Cồn Cỏ hôm nay.

Một chiếc xe tải vội vã chạy ngược lên sườn đảo, bụi sục lên từng quầng đỏ quạch. Con đường từ bến cảng lên, nối với đường qua trung tâm huyện đảo.

Đứng ở nhà khách trên sườn đồi nhìn xuống, tầm mắt tôi bị chắn lại bởi những ngôi nhà mới. Nhà lầu, nhà trệt, vài ngôi nhà đang hoàn thiện. Trụ sở của Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện, các đoàn thể… rồi đài truyền thanh - truyền hình, trạm viễn thông, nhà bảo tàng, bên kia nữa là nhà mẫu giáo Phong Ba, khu gia đình thanh niên lập nghiệp… tất cả đều quần tụ bên con đường xuyên đảo, tạo dáng vẻ cho thị trấn mới.

Tôi đứng lặng một lúc, định hướng. Nhớ ra rồi, trung tâm huyện đảo bây giờ, ngày trước trong chiến tranh là “khu Hà Nội”. Chiến sĩ Cồn Cỏ yêu quý, trân trọng đặt tên cho giải đất bằng đẹp nhất đảo là “khu Hà Nội”, để luôn luôn hướng trái tim mình về trái tim thiêng liêng của Tổ quốc, giữ vững niềm tin chiến đấu và chiến thắng, quyết tâm bảo vệ đảo. Chính ở đây, cách đây mấy chục năm, trong ngày thứ hai tôi ở đảo, hình ảnh của Duyến, người chiến sĩ thông tin thoát ra khỏi quầng khói bom đen kịt nối đoạn dây thông tin bị đứt do bom địch vừa dội xuống, rồi bình tĩnh thử máy chắc chắn mới chạy nhanh về phía trận địa tôi đang đứng. Lửa cháy do chất bom lân tinh địch thả xuống cháy lan ra đám cây dại bám sau chân anh. Trên vai Duyến, vẫn chiếc hòm da đựng máy và cuộn dây điện thoại…

Từ “khu Hà Nội” len lỏi lẩn khuất giữa cây rừng theo các lối mòn đi về các trận địa “Hải phòng”, “Hà Đông”, “Hà Nam” qua bến Tranh, bến Nghè, đồi Si…

Trưa ở đảo yên tĩnh. Chợt nghe tiếng gà gáy cất lên đâu đó, tôi ngỡ như ở đất liền. Trông xuống khu nhà thanh niên lập nghiệp, ở đó đang có hơn 10 hộ gia đình trẻ sinh sống. Họ ra đảo từ vài năm nay, thích nghi dần với cuộc sống xa đất liền. Tin rằng khi cơ sở hạ tầng trên đảo hoàn thiện cùng với chính sách chăm lo hợp lý sẽ có thêm nhiều lao động trẻ đến với đảo.

Không yên tâm nghỉ ngơi, tôi tìm gặp Nguyễn Vinh Hưng, anh bạn trẻ mới quen hôm đợi tàu ra đảo. Hưng ở thôn Vịnh Mốc, cạnh nhà lão dân quân nổi tiếng Hồ Triêm, nơi ngày trước tôi gửi lại chiếc xe đạp đi từ Hà Nội vào trước khi ra Cồn Cỏ. Chỉ mới làm quen vậy thôi, Hưng đã sốt sắng chuẩn bị xe máy đâu vào đấy, chở tôi dạo quanh đảo.

Bên kia đường, chiếc cần cẩu đang liên tục ngoạm những mảng đất to đắp lên bờ. Hưng giới thiệu công nhân đang khẩn trương đào hồ chứa nước ngọt cho đảo. Nước ngọt, thật đáng mừng.

Tôi nhớ trong chiến đấu, chiến sĩ đảo Cồn Cỏ lo nhất 3 thứ: gạo, đạn và nước ngọt. Đêm về, ai từng nghe tiếng ca nhôm cạo múc từng giọt nước ở mạch đá của đảo tưởng như cào ruột tim gan mình mới thật sự thấy từng giọt nước ngọt quý biết nhường nào. Sau một ngày chiến đấu căng thẳng, mệt nhoài, tối đến, các chiến sĩ họ vẫn phải mò ra tắm nước lợ ở vũng nước, hố bom.

Dự án hồ chứa nước ngọt này sẽ xây lên ở đây những bể chứa thu gom, tích trữ vài chục ngàn mét khối nước, lạc quan hơn hướng tới việc lọc nước biển sang nước ngọt. Cuộc sống mới dẫu còn lắm khó khăn nhưng quân dân sống trên đảo luôn yên tâm và vui hơn với những đổi thay nơi đây.

Nắng chiều rát bỏng, chiếc xe máy của Hưng lăn bánh êm êm trên con đường láng nhựa ven đảo. Xe vượt lên một dốc cao, dừng lại dưới chân Đài liệt sĩ. Đã thành thông lệ đối với người đến thăm đảo, trước hết bao giờ cũng thắp nén hương tưởng niệm các liệt sĩ Cồn Cỏ.

Gió lồng lộng, hàng cây rì rào như tiếng ru, dưới chân đảo những lớp sóng triền miên vỗ vào bờ đá.

Tôi nhận ra cái tên Lê Ngọc Vân, người chiến sĩ quả cảm mà lần nào đến đảo, Chính trị viên Phan Sĩ Sen cũng nhắc đến anh, với niềm tự hào và tình cảm rất đặc biệt khiến ai cũng xúc động nghẹ ngào: Chiến sĩ ta tốt vô cùng. Vô cùng đồng chí ạ!

Nhớ lại trận chiến đấu năm xưa, khi bị thương rất nặng biết mình không qua khỏi, Lê Ngọc Vân có một yêu cầu với Bí thư Đảng ủy: “Đồng chí cố gắng động viên gia đình tôi! Tiếc là tôi không thể cùng anh em chiến đấu bảo vệ đảo!”. Rồi Vân bình thản ra đi.

Tôi lần đọc tên từng liệt sĩ trên tấm bia. Có tên hơn 100 liệt sĩ, một phần ba là chiến sĩ chiến đấu trên đảo còn lại là dân quân. Hầu hết đều là người dân vùng biển Vĩnh Linh hi sinh trên đường tiếp tế lương thực, vũ khí, đạn dược cho đảo.

Hưng từ tốn chỉ một cái tên, nhỏ nhẹ: - Tên ông ngoại cháu đấy! Anh xúc động kể, trong một lần chở hàng ra đảo, không may thuyền ông bị gẫy cột buồm, thuyền lạc vào phía Nam, rơi vào tay địch. Rồi lần tiếp xuống dưới, Hưng chỉ cho tôi một cái tên nữa. Đó là bác của anh, hai người thân đều là liệt sĩ và cùng ở thôn Vịnh Mốc.

Tôi mường tượng nhớ, nơi Đài liệt sĩ bây giờ chính là trận địa pháo biển ngày trước. Có bao nhiêu quả đạn được chở ra bằng thuyền của người dân vùng biển để từ đây, pháo Cồn Cỏ chống trả tàu địch.

Trong nắng chiều đã dịu, Hưng dẫn tôi men theo bờ đảo. Qua khúc quanh hình vòng cung bên ngoài là bãi cạn lởm chởm đá, tôi nhận ra ngay nơi thuyền chúng tôi từng cập đảo: bến Nghè. Bến đảo khó quên này đã giúp chúng tôi trở lại bình yên sau những giây phút căng thẳng trên biển. Còn đó những tảng đá xù xì, nhọn sắc cứa vào bàn chân lúc chúng tôi bước vội lên đảo. Nhớ buổi sáng cán bộ, chiến sĩ trên đảo ùa ra vây lấy chúng tôi, chuyển gấp vũ khí, lương thực lên bờ rồi dìm ngay thuyền xuống nước, phủ cây lá ngụy trang.

Giờ bến Nghè còn lại như một chứng tích để nhớ. Tàu thuyền đã có nơi neo đậu mới.

Trở lại nơi ngày trước là nơi đầu tiên tôi bước chân lên đảo: đồi “Hải Phòng”. Nay không còn lối mòn len lỏi trong rừng khuất và khu vực đài quan sát ấy giờ là trạm cây đèn biển Cổn Cỏ.

Đáng tiếc, khó tìm thấy dấu tích về cái đài quan sát nổi tiếng dựng lên bằng những thân cây dầu mà nhựa của nó như máu giữa những cây rừng bị bom đạn địch phạt đứt nham nhở và tôi đã leo lên qua những bậc đẽo trên thân cây xù xì.

Để tìm lại đôi chút cảm giác nơi đỉnh cao, tôi theo Hưng leo hết 100 bậc theo vòng xoáy trôn ốc lên đỉnh tháp cây đèn biển. Gió vun vút thổi như xô đẩy, bật rung những tấm cửa kính. Chỉ một lúc tôi đã thấy ớn lạnh. Nhưng phía dưới một khoảng không gian thật đẹp. Bên bờ biển xanh ngắt, trung tâm huyện đảo trải ra trước tầm mắt. Cột ăng ten của trạm viễn thông, đài truyền thanh - truyền hình định chuẩn giữa những mái ngói, vườn cây bên con đường trung tâm huyện đảo. Ở đó, trong Bảo tàng Thanh niên của đảo, tôi may mắn còn thấy tấm hình hiếm hoi còn lại về đài quan sát năm nào của đảo.

Lang thang từng chặng ngắm nhìn cảnh sắc trên đảo, chừng nào ký ức hồi tưởng những hình ảnh đã qua quá lâu còn lắng đọng.

Bên đường, hàng cây phong ba đều đặn từ tay lính trồng, vững chãi tỏa tán. Một cụm 4, 5 cây bàng vuông, bây giờ tôi mới biết; thân gốc như cổ thụ, sum suê lá trên đất san hô, cành sải ra đan vào nhau. Phía dưới, lủng lẳng những chùm quả góc cạnh thoạt nhìn như những chiếc bánh lá. Đã vào tháng Tư, mùa bàng vuông ra hoa, ra quả. Quả e ấp dưới lá, còn hoa, giống như hoa quỳnh ở đất liền, nở đúng vào lúc nửa đêm. Những người lính trẻ, tinh nghịch kiên nhẫn chờ đến nửa đêm, soi đèn xem hoa nở. Từ đài hoa trắng muốt xòe ra những cánh hoa màu tím thẫm, khoe sắc, thoang thoảng mùi thơm.

Là đảo có hệ sinh thái đa dạng của rừng nhiệt đới, Cồn Cỏ với 3 tầng cây lá như một tấm thảm dày tươi xanh phủ hơn 70% diện tích của đảo, được ví như “hòn ngọc xanh giữa biển khơi”. Đắm mình trong màu xanh của đảo, tôi hiểu thêm nhiều điều thú vị về thảm thực vật phong phú từng là nguồn thực phẩm tựa, nuôi dưỡng người chiến sĩ thời chiến. Những ngày ấy, chiến đấu liên miên, căng thẳng, tàu thuyền có lúc không ra kịp, ăn uống thiếu thốn, chiến sĩ đảo Cồn Cỏ chia sẻ, nhường nhịn nhau, tìm kiếm thêm thực phẩm, chất tươi trên đảo. Trên quãng đường này, mấy chục năm trước còn là lối mòn giữa những đám cây dại lúp xúp bên bờ đảo, tôi đã gặp Đinh Kinh, chiến sĩ nuôi quân mà đồng đội trên đảo rất quý. Rất giản dị, Kinh mặc chiếc áo cổ vuông đã cũ, lấm mồ hôi và khói bếp, đi đôi dày vải đã sờn rách, vác trên vai bao tải rau rừng, anh vừa lang thang kiếm được gặp tôi. Kinh dừng lại, xốc xốc cái bồ cót xách bên tay khoe với tôi mấy con cua đá vừa bắt được đang bò lạo xạo. “Thêm được một bữa ăn tươi rồi anh!” - Kinh cười hiền.

Lần này trở lại đảo, trong bữa cơm thân tình với lính đảo, tôi biết thêm món ốc thổ, ốc nón, anh em vừa lặn bắt ở biển đãi khách. Lại nhớ đến món ngon thịt cua xào với nõn chuối rừng ngày nào của Đinh Kinh!

Đi với Hưng hết một vòng quanh đảo, tôi băn khoăn chưa tìm lại được nơi đồi Si - trận địa “Hà Đông” năm nào - trận địa súng phòng không 14 ly 5 từng bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. Để Cồn Cỏ được Bác Hồ gửi thư khen :

“Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận

Đánh cho tan xác giặc Huê Kỳ”

May mà trong câu chuyện với mấy anh bạn trẻ trong cái quán nhỏ của đôi vợ chồng trẻ tình nguyện ra đảo, tôi gặp Ngô Quang - 10 năm trước là chiến sĩ ở đảo. Quang chỉ ra khoảnh đất bên bờ đảo đặt bảng thông tin của huyện quả quyết đó là trận địa tôi muốn tìm. Ở đây, anh và đồng đội đã thu gom được hơn 9.000 vỏ đạn hoen gỉ; còn có cả công sự các khẩu đội và chiến hào.

Ở đó, nơi tôi cũng đã từng đứng với Chính trị viên phó Trần Đăng Khoa, tận mắt chứng kiến hành động chiến đấu ngoan cường của các chiến sĩ trong những ngày chiến đấu ác liệt… 

Bây giờ trước mắt tôi là một chiều Cồn Cỏ thanh bình. Trên con đường ven đảo, những công nhân vừa lao động ở bến cảng trở về trong nắng chiều đã nhạt.

Đêm ở đảo xuống nhanh. Điện bật sáng trong những ngôi nhà mới. Trung tâm huyện đảo huyền ảo trong đêm. Nếu như không thấy ngọn đèn biển chiếu sáng trên đồi cao, khách ngỡ như mình đang ở trên đất liền. Ngoài khơi xa kia, biển như gần lại. Dãy đèn của tàu thuyền đánh cá chấp chới trong đêm nhập nhòa ánh điện trên đảo.

Còn một lẽ nữa, Cồn Cỏ trở nên gần gũi hơn khi giờ đây chỉ hơn một giờ chạy là tàu từ đất liền ra đến đảo, từ bến Cửa Tùng hay Cửa Việt. Thuận tiện hơn, hai năm nay mạch giao thông ven biển Quảng Trị xuyên suốt nối liền. Bởi đã có thêm chiếc cầu Cửa Việt bắc qua sông Hiếu. Mà Cửa Việt chỉ cách Cửa Tùng 14km, đường lồng lộng gió, ngồi xe chớp mắt đã tới. Cho nên khá lý tưởng khi một tuyến du lịch Cửa Việt - Cửa Tùng - Cồn Cỏ được thiết lập, tạo nên một hình thái du lịch thật đẹp của vùng biển đảo mà Cồn Cỏ được coi là đỉnh của tam giác du lịch phát triển ấy. Một vùng biển đảo có sắc thái riêng, mở ra cơ hội hiếm có đánh thức tiềm năng nền kinh tế biển của một tỉnh nghèo. Cồn Cỏ - một đảo anh hùng nổi tiếng trong chiến tranh sẽ là điểm đến hấp dẫn du khách cả về du lịch văn hóa lịch sử và sinh thái.

HẢI TÂN

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website