8 giờ:26 phút Thứ hai, ngày 8 tháng 4 , 2019

“Cây sáng kiến” của Lữ đoàn 28

Nhắc đến Đại úy Nguyễn Văn Tuân - Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 31, Lữ đoàn 28, cán bộ, nhân viên kỹ thuật trong đơn vị vẫn thường gọi anh là “cây sáng kiến”. Bởi lẽ, gắn bó nhiều năm với ngành Kỹ thuật, anh đã có nhiều sản phẩm, sáng kiến chất lượng, có tính ứng dụng cao trong công tác bảo đảm kỹ thuật, phục vụ nhiệm vụ xây dựng các công trình quân sự.

“Cây sáng kiến” của Lữ đoàn 28
Đại úy Nguyễn Văn Tuân (bên trái) kiểm tra Tủ sửa chữa cơ động.

Lữ đoàn 28 là đơn vị thường xuyên cơ động, xây dựng các công trình huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu nên công tác bảo quản, bảo dưỡng và sửa chữa các trang, thiết bị kỹ thuật có vai trò rất quan trọng; nếu trang bị kỹ thuật hỏng hóc sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Đại úy Nguyễn Văn Tuân cho biết: “Khi đơn vị cơ động thi công dã ngoại, do thiếu trang thiết bị để tháo lắp, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa các chi tiết, cụm xe - máy nên tôi đã nghiên cứu và thiết kế “Tủ sửa chữa cơ động”. Tủ được thiết kế nhỏ gọn, có kích thước 120cm x 50cm, tích hợp nhiều trang bị với nhiều công năng khác nhau, tiện dụng trong quá trình cơ động, vận hành, khắc phục kịp thời các hỏng hóc thông thường, dễ dàng thu hồi các trang thiết bị, dụng cụ sửa chữa ở bên trong”. Sản phẩm “Tủ sửa chữa cơ động” có tính ứng dụng cao, đạt giải nhì trong Hội thi “Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ XVIII”. Sản phẩm đã được áp dụng vào sản xuất, sử dụng đồng loạt trong Lữ đoàn và một số đơn vị trong Binh chủng Công binh.

Gắn bó nhiều năm với ngành Kỹ thuật, Đại úy Nguyễn Văn Tuân còn có nhiều nghiên cứu, sáng kiến chất lượng. Trong công tác bảo quản, bảo dưỡng, xúc rửa, nạp bình ắc quy, đơn vị phải thực hiện khối lượng lớn công việc pha chế axit. Đây là nhiệm vụ tương đối nguy hiểm và độc hại, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe cũng như an toàn của nhân viên. Xuất phát từ thực tế đó, Đại úy Nguyễn Văn Tuân cùng nhóm nghiên cứu đã chế tạo ra “Máy pha axit tự động”. Nhờ đó, công tác pha chế hoàn toàn tự động, nâng cao hiệu suất của bình điện, thao tác điều khiển đơn giản, dễ sử dụng và an toàn cho người dùng.

Bên cạnh đó, anh còn lập kế hoạch, nghiên cứu, thiết kế và phối hợp với Trạm Bảo dưỡng sửa chữa tổng hợp thực hiện các nội dung gia công cơ khí, chế tạo cấu kiện cho nhiệm vụ thi công công trình; tiến hành cắt bổ 30 mô hình học cụ phục vụ công tác huấn luyện kỹ thuật như: Mặt cắt hộp số, khởi động, bàu lọc dầu thủy lực, bộ chế hòa khí... Ngoài ra, anh trực tiếp xây dựng mô hình sa bàn tác nghiệp công trình xa, nghiên cứu thiết bị nâng vận chuyển đá chèn khe hở cho thi công hầm khẩu độ vừa và nhỏ; nghiên cứu, cải tiến chuyển đổi thành công động cơ Diesel sang động cơ điện cho máy trộn; tiếp tục nghiên cứu sản xuất các dụng cụ chuyên dùng để nâng cao khả năng, chất lượng sửa chữa, gia công cơ khí và phục vụ nhiệm vụ thi công công trình.

Qua từng sáng kiến, Đại úy Nguyễn Văn Tuân đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong công tác bảo đảm kỹ thuật. Bằng lòng yêu ngành, yêu nghề, trong những năm qua, anh đã có nhiều đóng góp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng lâu dài các trang bị, vật tư xe máy, là yếu tố then chốt đẩy nhanh tiến độ thi công công trình của Lữ đoàn đảm nhiệm. Với những thành tích trong quá trình công tác, Đại úy Nguyễn Văn Tuân đã nhận được nhiều giấy khen của Lữ đoàn, 3 năm liền (2016, 2017, 2018) anh đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, là cá nhân tiêu biểu trong thực hiện Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông”.

Bài, ảnh: VŨ DUY

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website