8 giờ:34 phút Thứ hai, ngày 26 tháng 8 , 2024

Trung đoàn Không quân 920 chú trọng bồi dưỡng đội ngũ giáo viên bay

Một ngày cuối tháng 8, chúng tôi có mặt tại Sân bay Phan Thiết, nơi Trung đoàn 920, Trường Sĩ quan Không quân vừa chuyển sân về tiếp quản, khai thác, sử dụng thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo. Mới đầu giờ sáng, tại khu vực phòng học tập của Phi đội 2, Thượng úy Võ Tá Khương - Giảng viên bay Biên đội 1, Phi đội 2 đang giám sát 3 học viên trong tổ do anh phụ trách là Thượng sĩ Lâm Chí Sách - Học viên bay K49 và 2 học viên K50 là Thượng sĩ Nghiêm Phú Sỹ, Thượng sĩ Nguyễn Đình Hóa trong quá trình huấn luyện mặt đất, củng cố kiến thức bài bay, phương pháp khai thác, sử dụng và động tác điều khiển máy bay.

Trung đoàn 920 chú trọng bồi dưỡng đội ngũ giáo viên bay
Thượng úy Võ Tá Khương hướng dẫn học viên cách mang dù và cách sử dụng thiết bị buồng lái máy bay. Ảnh:
CTV

Trong suốt quá trình các học viên huấn luyện, giảng viên theo sát hướng dẫn học viên cách quan sát, phân phối chú ý các động tác, đặc biệt là động tác điều khiển của tay và chân cho hợp lý, nhịp nhàng. Sau khi kết thúc phần thực hành, các học viên được xem clip để quan sát và hình dung đầy đủ các thao tác điều khiển khí tài trong một chuyến bay hoàn chỉnh. Được biết, sau khi đã được huấn luyện thành thục thao tác, các học viên được tập trên sa bàn và trên cabin buồng tập mô phỏng những bài bay cơ bản nhất. Bên cạnh đó, trong những giờ học tập trên buồng lái máy bay tại khu nhà ga, các giảng viên sẽ tạo ra ứng lực của cần lái, tay ga và bàn đạp tương đối giống với quá trình bay thực tế để học viên có thể làm quen, cảm nhận và hiểu cảm giác khi thu ga, vòng bằng, về sân bay hạ cánh…

Tuy là giảng viên bay trẻ, nhưng Thượng úy Võ Tá Khương đã có thời gian giữ vai trò là trợ giảng, giảng viên kèm học viên qua 3 khoá, anh đã khẳng định được năng lực của mình khi các học viên trong tổ do anh phụ trách đều là những học viên có bản lĩnh, trình độ kỹ thuật lái vững chắc và thường được lựa chọn thả đơn trong tốp đầu. Anh cho biết: Đây là lớp học viên đã qua thời gian học tập lý thuyết, huấn luyện mặt đất tại Nhà trường, đơn vị vừa tiếp nhận và đưa vào huấn luyện, sẵn sàng đưa vào huấn luyện thực hành bay nếu học viên đáp ứng đủ các điều kiện theo yêu cầu. Tại đây, học viên được giảng dạy lý thuyết các bài bay, khoa mục bay, phương pháp khai thác sử dụng kỹ thuật hàng không, hậu cần, quy chế sân bay, công tác tổ chức chỉ huy, hệ thống thông tin liên lạc, khí tượng, dẫn đường và hướng dẫn xử lý các tình huống bất trắc trong khi bay. Khi bước vào thực hành bay, là giai đoạn có tính chất quyết định sự thành, bại của mỗi học viên, người giảng viên phải theo sát kèm cặp học viên của mình từ khâu chuẩn bị bài bay dưới mặt đất, thực hành bay kèm tập điều khiển cơ bản cho đến khi học viên bay đơn khoa mục vòng kín, quá trình đó đòi hỏi mỗi giảng viên phải tập trung cao độ, huy động tổng lực về thời gian, công sức, trí tuệ, bám sát học viên, vừa ứng dụng giữa lý thuyết bay vào phân tích giảng giải chuyên sâu, gắn với từng động tác, bài bay cụ thể cho từng học viên khác nhau, giúp họ thành thục từ mặt đất đến số liệu động tác, bài bay, yếu lĩnh động tác, sức phân phối chú ý, cách sửa chữa khắc phục từng trạng thái bay, bài bay và xử lý bất trắc trong bay…

Trao đổi với Đại tá Nguyễn Ngọc Đô - Trung đoàn trưởng, chúng tôi được biết, để hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo phi công quân sự trên máy bay Iak-52, Trung đoàn xác định khâu then chốt là xây dựng đội ngũ giảng viên bay có trình độ, bản lĩnh và tâm huyết với nghề. Đơn vị thường xuyên lựa chọn, xây dựng lớp giảng viên kế cận từ những học viên có tư duy khoa học, độc lập và sáng tạo, phẩm chất tư cách đạo đức tốt; tâm huyết, yêu nghề, có kỹ thuật lái tốt, khả năng tổ chức, chỉ huy và kỹ năng sư phạm tốt. Sau đó, Trung đoàn sẽ phân chia các cá nhân về từng phi đội, bố trí sắp xếp các cán bộ, giảng viên bay giàu kinh nghiệm phụ trách và tổ chức huấn luyện, đào tạo theo đề cương và chương trình bay. Trước hết là bay củng cố, hoàn thiện kỹ thuật lái buồng trước; tổ chức bay nâng cao với các bài bay khó, khoa mục phức tạp, sau đó mới đào tạo ở buồng lái sau (ghế giáo viên) với các khoa mục bay theo đề cương, tiến trình đào tạo giảng viên bay. Ngoài việc củng cố, nâng cao kỹ thuật lái của một phi công chiến đấu thực thụ, họ còn phải học tập, hoàn thiện kỹ năng sư phạm, tiếp cận phương pháp giảng dạy của các giảng viên bay đi trước, tích luỹ kinh nghiệm để theo dõi mọi hành động của người học nhằm giảng bình, đánh giá, trực tiếp rút kinh nghiệm cho học viên. Khi đủ điều kiện, Trung đoàn sẽ phê chuẩn nhiệm vụ và được độc lập nhận học viên, trực tiếp phụ trách tổ bay dưới sự giám sát, phụ đạo chặt chẽ của cán bộ, giảng viên có trách nhiệm…

Với chủ trương đúng, quyết tâm cao cùng nhiều giải pháp tích cực và hiệu quả, đội ngũ giảng viên của Trung đoàn 920 không ngừng phát triển, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng công tác huấn luyện ngày càng đi vào chiều sâu, vững chắc, tỉ lệ thả đơn thành công và học viên tốt nghiệp trên loại khí tài Iak-52 cũng không ngừng được nâng lên về số lượng và chất lượng qua từng năm.

BÍCH PHƯỢNG
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website