10 giờ:20 phút Thứ sáu, ngày 17 tháng 6 , 2016

Kỷ niệm nghề báo:

Chúng tôi tác nghiệp ở Trường Sa

Tính đến nay, các thành viên trong Ban Biên tập Báo Phòng không - Không quân (PK-KQ) hầu hết đã được tới Trường Sa. Người nhiều thì vài ba lần, trên máy bay, còn hầu hết mới chỉ được một lần, bằng tàu biển. Và dù bằng phương tiện nào thì tác nghiệp ở Trường Sa cũng để lại những dấu ấn sâu đậm, thiêng liêng nhất trong đời làm báo…

 Có lẽ, không chuyến công tác nào chúng tôi phải chuẩn bị kỹ càng đến thế. Chuyến đi lịch sử mà. Vậy nên, người đi trước truyền kinh nghiệm cho người đi sau, ngoài quân tư trang và phương tiện tác nghiệp thì còn có những thứ rất riêng. Quà cho lính đảo chẳng hạn. Món quà đầu tiên mà chúng tôi nghĩ tới, đó là những tờ báo của Báo PK-KQ. Đi tìm lại báo lưu từ cách chuyến đi hàng năm đến số mới nhất, dù rằng ra đến Trường Sa thì mọi thông tin trong báo đều đã cũ cả. Rồi, lỉnh kỉnh trăm thứ, từ thuốc và gạo rang chống say sóng, túi ni lông chuyên dụng để bảo quản máy ảnh và điện thoại khỏi nước biển. Với phóng viên nữ thì có cả kem và áo chống nắng loại siêu dày nữa…

 Chúng tôi tác nghiệp ở Trường Sa

Thiếu tá Lương Kiên Cường - Biên tập viên Báo PK-KQ tác nghiệp tại Quân đảo Trường Sa. Ảnh: QUANG HUY.

Với phóng viên chúng tôi, chưa có hành trình công tác nào dài như hải trình ra biển. Thông thường, chuyến đi kéo dài trong 10 ngày và đúng theo lịch trình nếu  thuận buồm, xuôi gió. Nhưng có những chuyến thì cả tháng, thậm chí vắt từ năm cũ sang năm mới do biển động, sóng lớn. Như Ngô Tiến Mạnh, Nguyễn Anh Pháp kết thúc chuyến công tác, khi tàu  cập cảng thì đã giáp Tết âm lịch nên cả hai đều phải gọi về tòa soạn nhờ đặt vé cho kịp từ Thành phố Hồ Chí Minh hay Cam Ranh về Hà Nội đón Xuân.

Đó là chuyện thời gian. Còn những gian truân của hành trình vượt sóng thì chỉ có những người trực tiếp ra Trường Sa mới hiểu. Tôi đi mùa này, biển đẹp, trời xanh, ấy vậy mà từ cái xuồng nhỏ xíu dưới biển nhìn lên Nhà giàn DK1-14, có bác nam giới choáng quá đành theo xuồng về tàu. Tôi tiếc, cố trèo lên nhưng tim đập, chân run, mặt xanh như tàu lá. Còn ra Trường Sa vào mùa cuối năm, lại gặp đúng ngày biển động thì ôi thôi, khỏi phải nói. Cánh phóng viên đã từng dạn dày với những cung đường khắp dọc dài đất nước cũng phải thừa nhận : Không sợ gì như sợ say sóng mùa biển động. Ngất ngư, rồi cứ lả dần đi từ khi tàu vừa qua phao số 0, ai chịu giỏi lắm thì sang được đến ngày thứ hai. Con tàu có trọng tải hàng nghìn tấn, đồ sộ như cái nhà 5 tầng là thế mà giữa sóng to, gió lớn bỗng trở lên nhỏ bé, chao đảo, lắc lư khiến tất cả mọi đồ đạc trong phòng đều dịch chuyển liên tục từ góc này qua góc khác. Lúc ấy, mọi loại thuốc chống say đều bị vô hiệu hóa. Có phóng viên không chịu nổi những cơn lắc, nhờ người lấy dây buộc chặt vào giường. Nhỏ bé, yếu mềm như nữ nhà báo Quỳnh Vân đã đành; to lớn, vạm vỡ như Tiến Mạnh, Anh Pháp, Xuân Đức cũng mặt xanh, nanh vàng, ruột gan chỉ chực nhào ra khỏi ổ bụng suốt hành trình.

Biết vậy nhưng trước mỗi mùa định kỳ ra Trường Sa, ai cũng hồi hộp lắng nghe Tổ quốc gọi tên mình. Và gần chục năm trở lại đây, năm nào cũng có phóng viên của Báo PK-KQ được ra Trường Sa. Đảo và đất liền dường như gần nhau hơn, những chuyến tàu ra thăm Trường Sa ngày một dày hơn nhưng viết về Trường Sa thì cảm hứng của chúng tôi chưa bao giờ vơi cạn.

Cũng phải nói thêm, làm báo ở Trường Sa là tác nghiệp trong một điều kiện đặc biệt. Cái khó không chỉ là những cơn say sóng đến lả người. Cả khi thuận buồm, xuôi gió thì phóng viên cũng phải đối diện với sự quá eo hẹp về thời gian. Chỉ có hơn một giờ đồng hồ tàu dừng trên mỗi điểm đảo, nếu không biết tận dụng thì quay đi quay lại, vèo một cái đã đến lúc trở lại tàu. Vả lại, khi mà cán bộ bận đón đoàn, chiến sĩ thì mê mải với những tiết mục trong chương trình giao lưu văn nghệ, phóng viên phải vén khéo lắm mới lựa lấy được thông tin. Đặc biệt, ở những điểm đảo có lính canh trời, phóng viên Báo nhà, bên cạnh tham gia những hoạt động chung của đoàn công tác, phải lựa thời gian tách đoàn để… tranh thủ về đội của mình. Mọi kinh nghiệm làm báo, lúc ấy phải được phát huy một cách tối đa mới mong có được một lưng vốn kha khá để về đất liền “rút ruột“ dùng dần. Riêng về thời gian, nghĩ lại mới thấy, chuyến của Tiến Mạnh gặp bão, trong cái rủi cũng có cái may, được hẳn một tuần “ba cùng” với lính đảo, thỏa sức mà tác nghiệp.

Khó khăn là vậy nhưng nhìn lại sản phẩm của Báo PK-KQ về Trường Sa thì thật đáng tự hào. Có người xuôi về hướng Bắc, có người ngược về hướng Nam nên tất cả các trạm ra đa của lính canh trời và Đội Bảo đảm Kỹ thuật Hàng không ở Trường Sa, phóng viên Báo PK-KQ đều đã được đặt chân tới. Chưa kể Nguyễn Xuân Thủy đã có một thời là lính đảo với rất nhiều bài báo để đời, rồi cả tiểu thuyết “Biển xanh màu lá”, tập truyện cho thiếu nhi: “Anh kể em nghe chuyện Trường Sa”, những biên tập viên, phóng viên khác đều để lại những dấu ấn riêng trong mỗi trang viết, mỗi tấm ảnh hay khuôn hình. Đại tá Đoàn Hoài Trung, Thượng tá Trần Huy Bình đã có khá nhiều bài trên trang nhất sau những lần cùng tổ bay xuyên mây ra cứu bộ đội, nhân dân bị nạn. Hải Hạ thăng hoa với những thước phim về những người lính thợ ACC nơi đường băng ở Trường Sa. Quỳnh Vân thổn thức đầy nữ tính với tác phẩm dài kỳ: “Nơi ấy Trường Sa”. Xuân Đức say mê với cái tứ đầy tính phát hiện: “Gửi alo cho chồng”. Đức Lúy có lẽ là người may mắn nhất vì được thực hiện một chuyến đi kép khi được theo tổ bay ra cấp cứu người ở Trường Sa ngay khi tàu vừa cập cảng. Thành Trung trong chuyến đi còn thậm chí mượn được cả người mẫu để chụp ảnh chiến sĩ Trường Sa cho bìa báo Xuân. Tiến Mạnh hơn một lần rưng rức, đau đáu với nỗi đau lính đảo. Đại tá Vũ Quang Huy và Thiếu tá Lương Kiên Cường trăn trở, dụng công với phóng sự ảnh đầy ấn tượng: Cây xanh ở Trường Sa. Những cái mầm cây được chụp từ năm 2014 ấy, đến nay đã bắt đầu vươn cành, xanh lá. Rồi cả Anh Pháp, Bùi Đức nữa, tất cả đều rất mực say sưa, hào hứng dù nhiều khi không nói thành lời.

Vâng, với những người làm báo, Trường Sa không chỉ hiển hiện trong từng câu, chữ, từng thước phim, bức ảnh ; Trường Sa còn hiện diện vô hình và thật sâu lắng trong trái tim và tâm thức. Để rồi, Trường Sa đã và sẽ tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho chúng tôi trong mỗi trang viết về lính canh trời.

HỒNG LINH

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website