Cựu pháo thủ yêu thơ
Cựu chiến binh (CCB) Lưu Vĩnh Xiêm hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) “Những cựu chiến binh yêu thơ”, với hơn 3.000 thành viên trên mạng xã hội facebook. Ông là một CCB giàu nghị lực, hăng say lao động và nặng lòng với thơ. Niềm vui và hạnh phúc của ông là được lao động và sáng tác thơ ca.
Công việc hàng ngày của Cựu chiến binh Lưu Vĩnh Xiêm. Những vần thơ một thời bom đạn
Một ngày cuối tháng 7 oi bức, nghe ông Xiêm say sưa vịnh thơ xen những nụ cười sảng khoái, tôi bỗng thấy không khí trở nên dịu mát hơn.
Ông Lưu Vĩnh Xiêm, sinh năm 1947, tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội. Đầu năm 1965, ông nhập ngũ vào Trung đoàn Pháo Cao xạ 213, Quân khu 3. Sau đó chuyển sang Trung đoàn 148, Sư đoàn 316, Quân khu 2... tham gia nhiều trận đánh khốc liệt trên chiến trường miền Trung và nước bạn Lào. Những năm tháng chiến đấu đầy gian khổ hi sinh ấy đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của ông. Tháng 8-1974, ông xuất ngũ về địa phương, được hưởng chế độ bệnh binh 2/3.
Chia sẻ với tôi về những kỷ niệm thời bom đạn, CCB Lưu Vĩnh Xiêm vẫn nhớ như in trận đánh đầu tiên mà ông tham gia. Đó là trận Hàm Rồng lịch sử, ngày 3 và 4-4-1965, khi ông mới chỉ nhập ngũ được gần 2 tháng. Lúc đó, ông là pháo thủ số 6, có nhiệm vụ tiếp đạn cho pháo thủ số 5 để nạp đạn khẩu pháo cao xạ 37mm trên trận địa Lò Vịt. Xung quanh đâu đâu cũng là khói lửa, đất cát tung mù mịt, nhưng trên tất cả các bệ pháo những chàng lính trẻ như ông đã không quản nguy hiểm hi sinh, vẫn miệt mài nhằm vào lũ máy bay địch mà bắn. Và ngay sau trận đánh, những vần thơ mộc mạc, đầy kiêu hãnh của người lính trẻ đã góp sức động viên khẩu đội: ...Nam Ngạn dưới bóng dừa xinh/ Ngắm anh lính giữa bình minh canh trời/ Trận địa cao xạ khắp nơi/ Đã vây kín cả bầu trời xứ Thanh/ Thiên la địa võng giăng thành/ Giặc trời mà đến xác phanh nơi này...
Bên chén trà thơm, câu chuyện về những kỷ niệm trên đường hành quân, về từng trận đánh trên các chiến trường, về những người đồng đội hi sinh... với ông vẫn mới như ngày nào. Và cũng chính từ những tháng năm bom đạn, ông đã có cho riêng mình một tập thơ tự in “Một thời để nhớ” với hơn 200 bài.
Thời bình vui thú cùng thơ
Trở về với cuộc sống đời thường, chàng pháo thủ cao xạ 37mm năm xưa hăng hái tham gia nhiều công tác đoàn thể tại địa phương, được biết đến là một CCB gương mẫu. Nay tuổi đã ngoài 70, ông vẫn hăng say lao động. Cùng với tiền trợ cấp bệnh binh 2/3 do Nhà nước hỗ trợ, ông còn có nguồn thu nhập thêm từ quán photocopy nho nhỏ do ông tự làm tại nhà. Theo ông, đó là nguồn thu thêm để trang trải cuộc sống và trà nước tiếp đãi bạn bè, đồng đội.
Làm việc chăm chỉ, sáng tác thơ văn với ông cũng là việc không thể thiếu. Ông kể, từ khi học lớp 6, ông đã sáng tác những bài thơ đầu đời, trong những bài kiểm tra văn cuối bài của ông luôn có những vần thơ. Rồi khi trải qua quãng đời quân ngũ thì hồn thơ trong ông lại càng thêm sâu sắc. Về số lượng cũng có tới trên dưới nghìn bài. Thể loại đủ cả, từ lục bát đến thơ tự do, rồi cả thất ngôn bát cú, đường luật...
Khi được hỏi về bài thơ mà ông tâm đắc nhất, ông Xiêm cười và đọc luôn: Nước có giặc các anh là vậy/Tổ quốc cần trông cậy tuổi xanh/ Anh đi vào cuộc chiến tranh/Hậu phương em gắng để anh yên lòng... Rồi ông bảo, bài thơ “Nhớ anh” này, mình viết tặng bà xã đấy. Viết khi còn tại ngũ, được về phép thăm nhà, nghe bà kể những chuyện ở hậu phương với bao vất vả lo toan nhưng hơn cả vẫn là sự âu lo hướng ra tiền tuyến.
Đang say nghe ông kể chuyện làm thơ “nịnh bà” thì vợ ông - bà Nguyễn Thị Tít đi chợ về. Biết chuyện, bà liền cười tươi rồi khoe: “Nói thật với nhà báo, ngày xưa ông ấy đi bộ đội tôi đêm nhớ ngày mong, đến giờ tôi vẫn còn yêu ông ấy nhiều lắm”. Tôi thầm nghĩ, trong thơ của ông chắc có nhiều tình cảm của bà lắm.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ "Những cựu chiến binh yêu thơ"
Cùng những đồng đội, bạn thơ giao lưu chia sẻ đã lâu, ông Xiêm thấy thật vui nhưng vẫn thấy thiêu thiếu một cái gì đó. Rồi ông đã nảy ra ý tưởng thành lập câu lạc bộ (CLB) để thêm nhiều đồng đội yêu thơ có thể giao lưu. Nghĩ là làm, ngày 19-5-2016 ông cùng các đồng đội đã chính thức ra mắt Câu lạc bộ “Những cựu chiến binh yêu thơ”. Ông được tin tưởng giao giữ chức Chủ nhiệm CLB. Đến nay, CLB đã có hơn 3.000 thành viên trên khắp mọi miền Tổ quốc và tự xuất bản được 2 tập “Thơ Cựu chiến binh”. Với mục đích thêm vui, thêm khỏe tinh thần, các thành viên luôn tham gia không chỉ bằng cảm hứng, sự nhiệt tình mà bằng cả chất lính trong mỗi cựu binh. Cùng với hoạt động thường ngày, CLB còn định ra các chủ đề theo các sự kiện để tạo độ sâu sắc hơn trong nội dung sinh hoạt. Ví như trong tháng 7 này, Ban Chủ nhiệm CLB phát động tháng viết bài về “Đền ơn đáp nghĩa” nhân kỷ niệm 72 năm Ngày thương binh, liệt sĩ. Đây là chủ đề được các cựu binh đặc biệt quan tâm và dành nhiều tình cảm sâu đậm nên hưởng ứng nồng nhiệt.
Cùng Ban quản trị định hướng, định hình cho CLB, CCB Lưu Vĩnh Xiêm cũng tham gia trực quản trị CLB trên mạng xã hội: “Để chia sẻ cái hay, phát hiện điều dở mà nhắc nhở, gỡ bài... Tuần nào trực cũng bận lắm, nhưng cũng vui lắm nhà báo ạ” - Ông Xiêm vui vẻ nói.
Chia tay người cựu pháo thủ yêu thơ, tôi chợt nghĩ, hồn thơ và chất lính trong ông và những người trong CLB sẽ trẻ mãi không già.
Bài, ảnh: NGUYỄN CHIẾN