15 giờ:34 phút Thứ hai, ngày 20 tháng 4 , 2020

Khát vọng nơi đầu sóng

Kỳ cuối: Sức sống nơi đầu sóng

Lại vọng nghe ba tiếng còi tàu tiễn biệt. Không nỡ chào, chẳng nỡ xa, cũng không nỡ đưa một bàn tay vẫy. Chúng tôi Tạm biệt Trường Sa, nơi những con người ở lại đan ý chí thành lũy thép, lung linh tỏa bao khát vọng nơi đầu sóng bằng sự khâm phục.

Sức sống

Những ngày đầu năm 2020, đến thăm Đảo Tiên Nữ, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước vườn rau xanh tốt giữa đất cằn, biển mặn, đang vươn mình đón ánh nắng mặt trời. Vừa tưới nước cho rau, Binh nhì Lại Văn Toàn chia sẻ: “Ở đây quanh năm bốn bề sóng gió, thời tiết khắc nghiệt, nên để rau xanh phát triển, chúng tôi xây dựng giàn lưới che chắn và cải tạo đất bằng mùn đất vi sinh, xơ dừa, nhờ vậy rau luôn xanh tốt”. Bữa cơm thân mật với cán bộ, chiến sĩ Đảo Tiên Nữ, mọi người trong đoàn công tác ai cũng tấm tắc ngợi khen: Rau xanh của đảo có hương vị đậm đà, ấm áp nghĩa tình bởi có vị mặn của biển và cả những giọt mồ hôi của cán bộ, chiến sĩ. 

Nơi đảo xa, không chỉ có màu xanh của trời, màu xanh của lá, còn có những vườn hoa đủ màu khoe sắc. Dưới bàn tay khéo léo của người lính, những cây phong ba, bão táp, mù u, nhàu, bàng vuông, tra, phi lao, dừa... cứ vươn mình vượt qua bão tố. Trong số đó, cây bàng vuông được lính đảo ví là “nữ hoàng” của các loài cây trên đảo, thể hiện cho tinh thần quả cảm, bất khuất của quân dân đang ngày đêm bảo vệ Tổ quốc. Thiếu tá Vũ Văn Vinh - Trạm trưởng Trạm Ra đa 44 chia sẻ: “Với người lính canh giữ biển, đảo, hoa bàng vuông nở báo hiệu mùa xuân đang đến. Mỗi khi ngồi dưới tán cây ngắm nhìn hoa nở vào những đêm trăng, đầy sao lấp lánh, tôi cảm thấy ấm lòng nơi đầu sóng ngọn gió”.

Khi màn đêm buông xuống, quần đảo tiền tiêu lung linh ánh đèn. Thượng úy Nguyễn Trung Hải - Chính trị viên Đảo Núi Le B, quê ở Vĩnh Phúc, chia sẻ: “Có nguồn điện ổn định trên đảo, chúng tôi thuận tiện sử dụng tủ cấp đông bảo quản thực phẩm, bảo đảm điện thắp sáng và nâng cao khả năng phòng thủ, sẵn sàng chiến đấu”. Năm 2019, hệ thống năng lượng xanh toàn huyện Trường Sa cung cấp khoảng 155.000Kwh điện/tháng. Đây là nguồn năng lượng xanh giúp cán bộ, chiến sĩ vững niềm tin, chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo; cho người dân tăng gia sản xuất và cho trẻ thơ cắp sách tới trường”. 

Sau hai lần viết đơn tình nguyện, năm 2017, thầy giáo Nguyễn Công Qua sinh năm 1994 ở Cam Ranh, Khánh Hòa vinh dự được tuyển chọn ra Đảo Sinh Tồn công tác. Dù thời tiết khắc nghiệt, điều kiện giảng dạy thiếu thốn nhưng bằng niềm tin và tình yêu biển đảo, người thầy giáo trẻ luôn tràn đầy nhiệt huyết “gieo chữ” cho thế hệ tương lai. Thầy giáo Nguyễn Công Qua cho biết: “Tuy không trực tiếp cầm súng bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, nhưng với chúng tôi được dạy học ở nơi đảo xa thật ý nghĩa và tự hào. Đáp lại niềm tin của Đảng, tôi không ngừng học tập và mong muốn đem lại nhiều bổ ích cho các em học sinh nơi đây. Ngoài việc truyền đạt những kiến thức văn hóa, chúng tôi còn chú trọng bồi dưỡng truyền thống cách mạng và tình yêu biển đảo, giúp các em sống có lý tưởng, tích cực rèn luyện, trưởng thành”. 

Tình yêu vĩnh cửu

“Cả nước vì Trường Sa - Trường Sa vì Tổ quốc”, khẩu hiệu ấy bao năm qua đã thành lẽ sống của người yêu nước Việt Nam.

Được biết, những năm gần đây, Đảng, Nhà nước đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành phát động nhiều cuộc vận động, xây dựng nhiều chương trình hướng về Trường Sa như: Góp đá xây Trường Sa, Vì Trường Sa thân yêu - Vì tuyến đầu Tổ quốc, Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương… Trong đó, nổi bật là Cuộc vận động “Góp đá xây Trường Sa” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh phát động từ đầu năm 2011. Cuộc vận động này đã tạo hiệu ứng sâu rộng trong xã hội, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, từ các trường đại học, đến những miền quê… khơi gợi lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm đối với chủ quyền vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Gần 30 ngày đến với Trường Sa để được sống trong lòng đồng đội đã khiến tôi đặt cho mình nhiều câu hỏi lớn về giá trị thiêng liêng của tình yêu, đất nước, con người.  Và tất nhiên, nơi cột mốc thiêng liêng giữa biển được khắc lên bằng công sức của đồng chí mình, chúng tôi thấm thía được một điều thật giản dị là giá trị của tự do trọn vẹn ngày hôm nay là máu, là nước mắt của ngày hôm qua để tự răn mình phải khắc ghi và tri ân chính đáng.

Ra với Trường Sa và thả hồn mình trước lá cờ Tổ quốc tung bay trên những cột mốc chủ quyền của các đảo và đọc bản hùng văn bất hủ Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt trên bệ đá ở đảo Đá Tây, trên bia đá đặt trước Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Trường Sa Lớn; lặng nghe tiếng chuông chùa trong sóng, đứng đón bình minh đầu tiên của đất nước ở Đảo Tiên Nữ... chúng ta sẽ cảm nhận được rất nhiều điều.

Chia tay Trường Sa, trong tôi vẫn khắc khoải, đau đáu về sức sống mãnh liệt của mảnh đất, con người nơi một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc thân yêu.

 ... Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát/ Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời/ Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất/ Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi... Những câu thơ của Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến vang lên thay lời tạm biệt của chúng tôi với Trường Sa. Mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc đầy ắp khát vọng đẹp đẽ, trường tồn.

NGÔ TIẾN MẠNH

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website