Đại đội 11, Trung đoàn 224 đẩy mạnh tăng gia, chăn nuôi
Đóng quân trên địa bàn thời tiết, khí hậu không thuận lợi, đất đai cằn cỗi, nhưng với sự chủ động, khắc phục khó khăn, tự lực, tự cường, thời gian qua Đại đội 11, Trung đoàn 224, Sư đoàn 375 có nhiều cách làm sáng tạo trong tăng gia, sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thu hoạch su su tại Đại đội 11, Trung đoàn 224, Sư đoàn 375.Với tổng diện tích hơn 3.000m2, vườn tăng gia của Đại đội 11 được quy hoạch từng khu vực khá quy củ, hợp lý như: Vườn rau, vườn ươm, vườn gia vị… Trong đó, vườn rau có các loại rau cải, mùng tơi, rau đay, cà chua xanh tốt, các giàn bầu, bí, mướp, su su sai trĩu quả. Chúng tôi cùng cán bộ, chiến sĩ Trung đội 2 đi thu hoạch su su. Trung sĩ Lương Ly Ka - Khẩu đội trưởng chia sẻ: “Phải mất 3 tháng thì giàn su su mới cho thu hoạch lứa đầu tiên. Vừa rồi chúng tôi nhập cho nhà bếp được hơn 200kg, trên giàn còn khoảng 300 - 400kg nữa. Chúng tôi rất vui vì tự tay trồng được các loại rau, quả sạch, góp phần nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần, xây dựng cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp hơn”.
Để duy trì tốt hoạt động tăng gia sản xuất đạt hiệu quả, chỉ huy Đại đội 11 đã chủ động nghiên cứu, có kế hoạch cụ thể, giao nhiệm vụ cho từng bộ phận và phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức. Từ những khu đất trống xung quanh doanh trại, trận địa, cán bộ, chiến sĩ đã tích cực, chủ động khai hoang, cải tạo mặt bằng, tận dụng nguồn phân chuồng kết hợp với phân xanh từ cây lá để tạo nguồn phân bón hữu cơ, tăng độ mùn cho đất. Đồng thời, quy hoạch hệ thống vườn, giàn, đầu tư xây dựng chuồng trại, thực hiện hiệu quả mô hình vườn - ao - chuồng phù hợp với điều kiện đơn vị. Để khắc phục khó khăn về điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết, đơn vị đã lựa chọn đa dạng giống vật nuôi, cây trồng; bên cạnh đó chủ động về nguồn giống như: Làm vườn ươm, nuôi lợn nái, ấp trứng gia cầm... Thực hiện tốt việc xen canh, gối vụ, trồng các loại rau, củ, quả chất lượng cao, phù hợp với từng thời điểm, bảo đảm không để dư thừa, hoặc thiếu trong giai đoạn chuyển mùa. Trong chăn nuôi, đơn vị lựa chọn những giống gia súc, gia cầm ở địa phương có khả năng thích ứng với thời tiết nắng nóng và có sức đề kháng tốt.
Thiếu tá Trương Công Hạnh - Đại đội trưởng Đại đội 11 cho biết: “Lãnh đạo, chỉ huy đơn vị giáo dục cho bộ đội nhận thức công tác tăng gia là trách nhiệm của quân nhân. Đại đội giao chỉ tiêu chăn nuôi cho các trung đội, bộ phận và gắn trách nhiệm cho từng cá nhân phụ trách. Ngoài khu tăng gia tập trung, chúng tôi còn chủ động làm thêm vườn rau quanh trận địa. Thời gia gần đây, để phòng dịch tả lợn châu Phi, đơn vị đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình nuôi lợn nhà tập trung sang mô hình nuôi lợn rừng bán tự nhiên và nuôi cá trê phi, bước đầu đạt kết quả tốt. Hiện nay, đơn vị có đàn gia cầm hơn 300 con, gần 30 con lợn rừng và khoảng 4 tạ cá trê sắp cho thu hoạch”.
Nhờ tích cực, chủ động trong tăng gia, những năm qua, đơn vị luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra; tự túc 100% rau xanh và 75% nguồn thịt, cá; bảo đảm nguồn thực phẩm sạch, chất lượng cao, phục vụ cho công tác chăm sóc, nuôi dưỡng bộ đội. Cũng từ nguồn quỹ vốn tăng gia, đơn vị đã đầu tư mua sắm, làm mới các mô hình, học cụ phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Bên cạnh đó, đơn vị còn đầu tư mua sắm dụng cụ thể thao, phương tiện phục vụ văn hóa văn nghệ; xây dựng khu vui chơi, giải trí, tạo cảnh quan môi trường, trận địa “Sáng, xanh, sạch, đẹp”.
Thiếu tá Thân Thanh Hải - Chủ nhiệm Hậu cần, Trung đoàn 224 cho biết thêm: “Đại đội 11 là một điển hình trong công tác tăng gia, chăn nuôi. Thời gian tới, những mô hình có giá trị thiết thực như vườn ươm tạo cây, con giống, mô hình chăn nuôi lợn bán tự nhiên, mô hình nuôi cá của đơn vị sẽ được Trung đoàn nhân rộng”.
Bằng công sức, đôi bàn tay chăm chỉ, tinh thần hăng say lao động sản xuất, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 11 đã tạo nên những sản phẩm chất lượng, hoàn thành tốt chỉ tiêu tăng gia, xây dựng bếp nuôi quân giỏi, quản lý tốt; góp phần cải thiện sức khỏe, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội.
Bài, ảnh: LÊ HỮU LỆ