Hướng tới chào mừng kỷ niệm 50 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" (12-1972/12-2022)
“Cuốn sách đỏ” và “Gánh hát rong”
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cuối tháng 12-1972 là một trong những minh chứng mẫu mực về tài trí thông minh, sáng tạo, tinh thần, ý chí quyết đánh, biết đánh và đánh thắng của quân và dân ta, trong đó Bộ đội PK-KQ là lực lượng nòng cốt. Thắng lợi đó có sự đóng góp hết sức quan trọng từ “Cuốn sách đỏ” và “Gánh hát rong” của Bộ đội Tên lửa, Quân chủng PK-KQ.
Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257 cơ động lực lượng bảo vệ Hà Nội. Ảnh tư liệuTừ “Cuốn sách đỏ”
“Cuốn sách đỏ” hay còn gọi là tài liệu “Cách đánh B-52”, “Cẩm nang bìa đỏ” được in rô-nê-ô trên những tờ giấy giang, với một tờ bìa màu đỏ bọc ngoài. Vì vậy, thường được cán bộ, chiến sĩ gọi là “Cuốn sách đỏ”. Tuy hình thức bề ngoài đơn giản, nhưng nội dung cuốn sách lại có giá trị vô cùng lớn. Chỉ dày 30 trang đánh máy, cuốn sách là kết quả của cả một quá trình xây dựng hết sức gian khổ, công phu, mà những nét đầu tiên đã được phác thảo ngay từ giữa chiến trường máu lửa Vĩnh Linh và Hà Nội năm 1967. Đây là một công trình khoa học của cả tập thể, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn chiến đấu của nhiều đơn vị, trong nhiều năm, nhất là từ đầu năm 1972. Lúc đó, Tư lệnh Quân chủng Lê Văn Tri đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí Vũ Xuân Vinh - Phó Tham mưu trưởng Quân chủng chỉ đạo, biên soạn, hoàn chỉnh gấp tài liệu về cách đánh B-52 cho bộ đội tên lửa.
Tài liệu “Cách đánh B-52” đã đi sâu giải quyết những nội dung cơ bản về xạ kích: Cách chọn dải nhiễu B-52, phân biệt B-52 thật, B-52 giả, chọn phương pháp điều khiển, cự ly phóng, thời cơ phát sóng, xử lý tình huống khi thấy hoặc không thấy tín hiệu mục tiêu trong nhiễu, chuyển hoặc không chuyển phương pháp điều khiển, chế độ bám sát sao cho thích hợp để nâng cao hiệu quả xạ kích; thực hiện đánh bồi, đánh nhồi để diệt mục tiêu rơi tại chỗ…
Ngày 31-10-1972, tài liệu này đã được đưa ra bàn bạc kỹ lưỡng tại hội nghị hết sức quan trọng (sau này thường gọi là Hội nghị tháng 10). Trong lần họp này, ngoài sự có mặt của các cán bộ cấp Quân chủng, sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn và các cơ quan, còn có nhiều trắc thủ, sĩ quan điều khiển thuộc các kíp chiến đấu của các tiểu đoàn hỏa lực. Với kinh nghiệm chiến đấu thực tiễn, các cán bộ, trắc thủ đã dân chủ bàn bạc, thống nhất nhận thức, đánh giá đúng những mặt mạnh, mặt yếu của B-52, tháo gỡ những vướng mắc băn khoăn về nhiễu điện tử và cách đánh sao cho đạt hiệu quả cao nhất; có nhiều ý kiến bổ sung hết sức quý báu. Hội nghị tháng 10 đã mang đến cho mọi người một niềm tin: “Chúng ta có thể bắn rơi tại chỗ máy bay B-52 của đế quốc Mỹ”.
Đến “Gánh hát rong”
Đây là câu chuyện có thật. Nhưng đây không phải là đoàn văn công hay những đội văn nghệ quần chúng chia nhau đi lưu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị, mà sau khi cuốn “Cuốn sách đỏ” ra đời, Bộ Tham mưu Quân chủng PK-KQ và Bộ Tư lệnh Phòng không Hà Nội đã thành lập các đội huấn luyện lưu động, thành viên phần lớn là các sĩ quan đã từng tham gia biên soạn cuốn sách. Họ như những người thầy đến với các tiểu đoàn tên lửa ở Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Phòng… để trực tiếp truyền đạt, hướng dẫn cách đánh B-52 cho các kíp chiến đấu. Các đội huấn luyện lưu động đã đi hết đơn vị này đến đơn vị khác, nên được anh em gọi vui một cách trìu mến là “Gánh hát rong”.
Chính nhờ cuốn “Cuốn sách đỏ” và “Gánh hát rong” nói trên, mà đêm 22-11-1972, Trung đoàn tên lửa 263 ở Nghệ An đã khắc phục được nhiễu, bắn hạ một chiếc B-52, rơi ở Na-khon Pha-nom trên đất Thái Lan. Với sự chứng kiến của phóng viên báo chí, được hãng thông tấn UPI nhanh chóng loan tin, sự kiện này buộc Mỹ phải công nhận B-52 bị bắn rơi.
Như vậy, đây là lần đầu tiên Mỹ chịu thừa nhận B-52 của họ bị SAM-2 Bắc Việt bắn rơi. Đối với chúng ta, chiến công này đã khẳng định giá trị thực tiễn của “Cuốn sách đỏ”, đồng thời khẳng định khả năng: “Tên lửa SAM-2 của ta có đủ điều kiện bắn rơi tại chỗ B-52 của đế quốc Mỹ”.
Thực tế cho thấy trong Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội cuối tháng 12-1972 có những đơn vị tuy chưa một lần “chạm trán” với B-52 như Trung đoàn 257, Trung đoàn 261, nhưng bước vào chiến dịch, nhờ vận dụng tốt cách đánh của “Cuốn sách đỏ”, sự hướng dẫn, truyền đạt của “Gánh hát rong”, cộng thêm kinh nghiệm đánh máy bay chiến thuật của đơn vị trước đây, đã đánh rất giỏi, bắn rất trúng, hạ rất nhiều pháo đài bay, đặc biệt có nhiều chiếc rơi tại chỗ.
Có thể nói “Cuốn sách đỏ” và “Gánh hát rong” có ý nghĩa rất quan trọng đối với thắng lợi của quân và dân miền Bắc trong Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, đồng thời thể hiện tài trí thông minh của Bộ đội Tên lửa, vượt qua mọi mưa bom, bão đạn, tìm ra cách đánh B-52, giúp cho chúng ta vững tin bước vào trận đánh.
LẠI THẾ THỦY (Tổng hợp)