8 giờ:27 phút Thứ năm, ngày 25 tháng 8 , 2022

Kỷ niệm 111 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25-8-1911/25-8-2022):

Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Chiến dịch phòng không bảo vệ Hà Nội cuối tháng 12-1972

Đế quốc Mỹ âm mưu gây chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc nước ta, ngay từ cuối năm 1967, khi đến thăm Bộ Tư lệnh Quân chủng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Sớm muộn đế quốc Mỹ sẽ đưa B-52 ra đánh phá Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ chuẩn bị... Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Thực hiện lời Bác Hồ căn dặn, từ tháng 2-1968, Quân ủy Trung ương dự kiến Mỹ có thể dùng B-52 leo thang đánh phá Hà Nội, Hải Phòng nên đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ xây dựng kế hoạch tác chiến. Trên cương vị là Bí thư Quân ủy Trung ương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra chỉ thị: “B-52 không chỉ đánh ở miền Nam. Đến mức độ nào đó, cũng có thể đánh vào Thủ đô Hà Nội. Quân chủng PK-KQ phải nghiên cứu kỹ đối tượng này”. Tháng 11-1972, sau khi Mỹ lật lọng trên bàn đàm phán, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã tổ chức một cuộc họp quan trọng nhận định âm mưu, thủ đoạn của địch và xác định kế hoạch đánh B-52 trên miền Bắc và tại bầu trời Hà Nội. Kết luận hội nghị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh: “Âm mưu của Mỹ cho B-52 đánh Thủ đô Hà Nội, linh hồn của cuộc kháng chiến, sẽ là hành động gây sức ép cuối cùng để buộc chúng ta phải nhân nhượng. Vì vậy, chúng ta phải kiên quyết đánh thắng chúng trên bầu trời Thủ đô”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Chiến dịch phòng không bảo vệ Hà Nội cuối tháng 12-1972
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ
báo cáo phương án đánh trả máy bay B-52 (năm 1972).
Ảnh tư liệu.

Từ nhận định chính xác của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương mà khi đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp với các trọng trách: Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam đã ra chỉ thị cho quân và dân miền Bắc triển khai các phương án sẵn sàng đánh trả nếu B-52 vào bầu trời Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh miền Bắc.

Ngày 17-12-1972, Tổng thống Mỹ ra lệnh chính thức mở chiến dịch Lainơbechcơ II. 19 giờ 40 phút ngày 18-12-1972, Mỹ huy động 90 lần chiếc B-52, 135 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh liên tiếp 3 đợt vào các mục tiêu ở Hà Nội và phụ cận: Sân bay Kép, Nội Bài, Gia Lâm, Hòa Lạc, Yên Bái… Các lực lượng phòng không ba thứ quân của ta liên tiếp bắn trả. 20 giờ 13 phút đêm 18-12; Tiểu đoàn 59 thuộc Trung đoàn Tên lửa 261 đã bắn hạ 1 chiếc B-52 của Mỹ rơi tại cánh đồng Chuôm thuộc xã Phù Lỗ, huyện Đông Anh. Đây là chiếc B-52 bị bắn rơi tại chỗ đầu tiên ở Hà Nội. Khi nghe đồng chí Nguyễn Quang Bích - Phó Tư lệnh Quân chủng báo cáo chiến thắng, Đại tướng còn phải hỏi lại: “Có đúng B-52 không?” Đồng chí Bích khẳng định lại đúng là B-52. Đại tướng và Tổng hành dinh vỡ òa trong niềm vui khi được thấy “con ngoáo ộp” B-52 không còn là “bất khả xâm phạm” trước những con “Rồng lửa Thăng Long”.

Không lâu sau, vào lúc 20 giờ 16 phút, Tiểu đoàn Tên lửa 52, Trung đoàn 267 thuộc Sư đoàn 365 từ trận địa tại Nghệ An đã bắn bị thương 1 máy bay B-52 khác của Mỹ khi nó đang bay trở về căn cứ, phải hạ cánh bắt buộc xuống Sân bay Đà Nẵng. Trong đêm 18-12, quân và dân ta đã bắn rơi 3 máy bay B-52. Cả đêm đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Quân ủy Trung ương không ngủ để liên tục nghe báo cáo diễn biến tình hình từ các trận địa và kịp thời chỉ đạo.

Những ngày sau đó, mức độ quyết liệt của chiến dịch tăng cao. Đại tướng luôn theo dõi sát sao, kịp thời động viên bộ đội và nhận định đúng tình hình để có những chỉ thị sáng suốt. Đêm 20 rạng sáng 21-12, ta bắn hạ 5 máy bay B-52 của Mỹ. Sáng 21-12, sau khi biểu dương chiến công xuất sắc của Quân chủng, Đại tướng đã chỉ thị cho Quân chủng: “Phải tìm mọi cách bảo vệ trận địa tên lửa vì đó là lực lượng chủ yếu đánh máy bay B-52, chỉ đạo Bộ đội Không quân đánh rơi máy bay B-52”. Trong những ngày tiếp theo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lần lượt đến các trận địa tên lửa, thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 77 và Tiểu đoàn 76, Trung đoàn 257… giao nhiệm vụ tiếp tục chiến đấu đạt hiệu suất thật cao, góp phần tạo nên những trận then chốt quyết định.

Sáng 27-12, khi đến thăm Sở chỉ huy Quân chủng; thay mặt Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Đại tướng nhiệt liệt biểu dương Bộ đội PK-KQ đã lập công xuất sắc, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong các lực lượng phòng không 3 thứ quân, tích cực góp phần đánh bại âm mưu của địch dùng máy bay ném bom chiến lược B-52 để ép ta tại Hội nghị Paris. Đại tướng còn căn dặn: “Các đồng chí hãy đánh mạnh, bắn rơi nhiều B-52 hơn nữa để trả thù cho đồng bào ở Khâm Thiên và các nơi khác bị giặc Mỹ giết hại”. Thực hiện chỉ thị của Đại tướng, chiều 27-12, Bộ Tư lệnh Binh chủng Không quân bí mật tổ chức cho phi công Phạm Tuân cơ động từ Nội Bài lên Yên Bái. 22 giờ 15 phút, Phạm Tuân được lệnh cất cánh tại Sân bay Yên Bái, bình tĩnh cho máy bay tiếp cận mục tiêu, tiến hành công kích, bắn rơi 1 máy bay B-52 của Mỹ. Trong 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972, Bộ đội PK-KQ đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 chiếc B-52 (16 chiếc rơi tại chỗ), góp phần cùng quân và dân miền Bắc làm nên Chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là chiến thắng của đường lối chiến tranh nhân dân, kháng chiến toàn dân, toàn diện; chiến thắng của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Điểm nổi bật trong chiến dịch này là Quân chủng PK-KQ đã nắm chắc tình hình, âm mưu địch, quán triệt và sâu sắc chỉ đạo của BCH Trung ương Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên cả 3 cương vị: Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam.

MINH KHÔI

(Theo Lịch sử Quân chủng PK-KQ)

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website