Nhà máy A32 chăm lo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao
Những năm qua, Nhà máy A32 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ sửa chữa nhiều chủng loại máy bay phản lực chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) của Quân chủng. Một trong những giải pháp để có được kết quả trên là nhờ Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà máy thường xuyên quan tâm chăm lo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ này phát huy tài năng, trí tuệ cho sự phát triển của Nhà máy.
Bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ kỹ sư trẻ tại Phân xưởng 5, Nhà máy A32.Đại úy Tống Văn Vương - Trợ lý Kỹ thuật chuyên ngành Vô tuyến điện tử, Phòng Kỹ thuật là một trong những kỹ sư trẻ tài năng của Nhà máy A32. Tháng 3-2018, sau khi tốt nghiệp Thạc sỹ chuyên ngành Vô tuyến điện tử tại Đại học Quân sự Phòng không Yaroslavl, Liên bang Nga, anh được chỉ huy Nhà máy bố trí, phân công nhiệm vụ phù hợp với sở trường và chuyên ngành đào tạo. Cùng với đó, nhờ thường xuyên tham gia các đợt huấn luyện, bồi dưỡng tại chỗ do Nhà máy tổ chức; tham gia các buổi huấn luyện chuyên sâu về quy trình công nghệ, hoạt động nghiên cứu khoa học tại Nhà máy… đã giúp anh từng bước tích lũy kinh nghiệm, không ngừng trưởng thành, phát huy tốt tay nghề và sự năng động, sáng tạo, trở thành một trong những kỹ sư đầu ngành của Nhà máy A32. Bên cạnh hoàn thành tốt nhiệm vụ hướng dẫn, chỉ đạo và xử lý công tác kỹ thuật thuộc chuyên ngành Vô tuyến điện tử trong toàn Nhà máy, năm 2022, Đại úy Tống Văn Vương tham gia nghiên cứu Sáng kiến “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo bàn kiểm tra công nghệ phục vụ sửa chữa Đài liên lạc cấp cứu P-855YM” đạt giải Ba trong tham gia Giải thưởng “Sáng tạo trẻ” cấp Quân chủng và giải Ba Giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo” trong Quân đội lần thứ 22; được Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và Chính ủy Quân chủng tặng bằng khen.
Cũng giống như Đại úy Tống Văn Vương, sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ chuyên ngành Phân tích hệ thống và điều khiển tại Liên bang Nga, tháng 2-2014, Trung tá Trịnh Văn Minh - Trợ lý Kỹ thuật, Phòng Kỹ thuật luôn được chỉ huy Nhà máy tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ, dự án quan trọng; tham gia các lớp tập huấn, đào tạo ngắn ngày trong và ngoài nước, làm việc với chuyên gia nước ngoài... “Chính việc quan tâm, bố trí nhiệm vụ đúng người, đúng việc, tin tưởng giao việc khó của chỉ huy đơn vị đã giúp chúng tôi từng bước trưởng thành, không ngừng hoàn thiện bản thân, nỗ lực cống hiến tài năng, trí tuệ cho sự phát triển của Nhà máy” - Trung tá Trịnh Văn Minh khẳng định.
Là cơ sở đầu ngành sửa chữa máy bay phản lực chiến đấu cho Quân chủng và Quân đội, việc quan tâm, chăm lo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao được Đảng ủy, Ban Giám đốc xác định là nhiệm vụ then chốt quyết định đến sự phát triển của Nhà máy. Theo Đại tá Phạm Ngọc Bôn - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Nhà máy, những năm qua, cùng với việc tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản ở nước ngoài, các trường trong và ngoài Quân đội vào làm việc, Nhà máy luôn quan tâm, tạo điều kiện để đội ngũ này được đi đào tạo nâng cao tùy theo vị trí công việc để họ thực sự tinh thông, nắm vững yêu cầu nhiệm vụ ở vị trí công tác.
Cùng với đó, Nhà máy thường xuyên quan tâm đến công tác huấn luyện, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ, kỹ sư, thợ kỹ thuật; coi đây là nền tảng vững chắc để Nhà máy hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thực hiện chủ trương này, Nhà máy đã tập trung huấn luyện chuyển loại theo chương trình của Bộ Quốc phòng, Quân chủng và yêu cầu, nhiệm vụ của từng vị trí công việc, nhất là huấn luyện chuyển đổi, chuyển loại sửa chữa máy bay Su-27, Su-30, sửa chữa các vi mạch điện tử... Nội dung, chương trình huấn luyện bảo đảm cân đối, hài hòa giữa lý thuyết và thực hành trên máy, học đến đâu thực hành đến đó. Nhà máy cũng thường xuyên tổ chức các đợt huấn luyện trong và ngoài nước dưới nhiều hình thức khác nhau như huấn luyện theo chuyên gia nước ngoài, huấn luyện kết hợp sửa chữa trong thực tế. Năm 2022, Nhà máy tổ chức huấn luyện ở nước ngoài 3 đợt với 62 lượt người được cấp chứng chỉ (huấn luyện công nghệ sửa chữa lớn, tăng tổng niên hạn Su-22 là 3 đợt 90 lượt người và Su-27 là 32 lượt người).
Một trong những giải pháp hiệu quả để bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao là Nhà máy đã phát huy hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học; có nhiều chủ trương, giải pháp động viên, khơi dậy niềm đam mê sáng tạo cho cán bộ, đoàn viên thanh niên, đoàn viên công đoàn. Đại tá Đỗ Văn Tài - Giám đốc Nhà máy cho biết: “Trong 5 năm qua (2017-2022), Nhà máy đã có hàng trăm đề tài, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hàng nghìn bản vẽ cơ khí… được áp dụng, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất, sửa chữa, giảm đáng kể kinh phí nhập khẩu thiết bị công nghệ và vật tư kỹ thuật, tiết kiệm cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Năm 2022, Nhà máy đã có 39 sáng tiến cải tiến kỹ thuật của cán bộ, nhân viên được Hội đồng khoa học công nghệ Nhà máy công nhận; nghiên cứu 1 đề tài cấp Bộ Quốc phòng, 1 đề tài cấp Quân chủng; 2 sáng kiến cải tiến kỹ thuật tham gia Giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo” trong Quân đội lần thứ 22 đạt 1 giải nhì và 1 giải ba”.
Nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực, đến nay, đội ngũ cán bộ, kỹ sư của Nhà máy không ngừng trưởng thành, phát huy tốt tài năng, trí tuệ và sự sáng tạo; góp phần xây dựng Nhà máy A32 ngày càng phát triển, xứng đáng là cơ sở đầu ngành về sửa chữa máy bay chiến đấu trong Quân chủng và Quân đội.
Bài, ảnh: ĐỨC LƯU