10 giờ:15 phút Thứ năm, ngày 18 tháng 5 , 2023

Kỷ niệm 57 năm Ngày truyền thống Lữ đoàn Công binh 28 (19-5-1966 / 19-5-2023)

57 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành

Cách đây 57 năm, khi cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đối với Miền Bắc bước vào giai đoạn vô cùng ác liệt; nhằm đáp ứng yêu cầu bảo đảm công binh cho các lực lượng Phòng Không - Không quân (PK-KQ) chiến đấu; ngày 19 tháng 5 năm 1966, Trung đoàn Công binh 28 PK-KQ chính thức ra đời. Lễ thành lập được tổ chức tại Nhà máy Gạch Từ Liêm, Hà Nội. Trung đoàn vinh dự được mang tên Đoàn Công binh 19 tháng 5 - Ngày sinh của Bác Hồ.

Trong giai đoạn này, Trung đoàn chủ yếu tập trung cơ động bảo đảm sửa chữa, khôi phục và làm mới các sân bay, trận địa tên lửa, ra đa, cao xạ, thông tin và xây dựng các sở chỉ huy từ quân chủng, binh chủng đến các trung đoàn, làm các sân bay, trận địa phòng không giả để nghi binh, nguỵ trang; đồng thời còn xây dựng các sân bay dã chiến, hệ thống hầm hào bảo đảm giữ gìn bảo vệ lực lượng của ta.
57 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 27 nâng cao chất lượng, tiến độ thi công,
thiết thực chào mừng kỷ niệm 57 năm Ngày truyền thống Lữ đoàn Công binh 28.

Trong giai đoạn chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ ra Miền Bắc lần thứ nhất, nhiệm vụ trọng tâm của Trung đoàn là thi công công trình K-12B (Đây là Sở chỉ huy Quân chủng ở địa bàn sơ tán) tại xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây (cũ), công trình trận địa nổi Hồ Tây... Đây là những công trình có quy mô lớn, thi công phức tạp, nguy hiểm, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao. Công trình K-12B được đưa vào sử dụng năm 1967 cho đến kết thúc cuộc chiến tranh và đã đi vào lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Trung đoàn Công binh 28 PK-KQ. Trong Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, khi các sân bay được giải phóng, lực lượng công binh của Trung đoàn 28 luôn kịp thời có mặt để tiếp quản, rà phá bom, mìn, sửa chữa đường băng, đường lăn, sân đỗ để bảo đảm cho lục lượng không quân ta hoạt động, thực hiện các nhiệm vụ. Ngày 28-4-1975, Phi đội Quyết thắng với những máy bay vừa thu được của địch đã cất cánh từ Sân bay Thành Sơn, Phan Rang (nơi mà những người lính công binh Trung đoàn 28 vừa sửa chữa), đánh vào Sân bay Tân Sơn Nhất, góp phần đập tan chế độ Ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau khi đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, đứng trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, ngày 16-5-1977 theo Sắc lệnh số 34 của Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Tôn Đức Thắng, Quân chủng PK-KQ được tách ra thành hai quân chủng: Quân chủng PK và Quân chủng KQ. Chấp hành quyết định của trên, Trung đoàn Công binh 28 PK-KQ được điều về trực thuộc Quân chủng KQ, lấy tên là Trung đoàn Công binh 28. Do yêu cầu nhiệm vụ, ngày 30-4-1978 Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Trung đoàn Công binh 220 trực thuộc Quân chủng PK (lực lượng gồm Tiểu đoàn 29 của Bộ Tham mưu Quân chủng PK và Trung đoàn PPK 220).

Trước yêu cầu mới về xây dựng lực lượng quốc phòng toàn dân; xây dựng Quân đội “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; Đảng và Nhà nước chủ trương chấn chỉnh, sắp xếp lại tổ chức lực lượng các quân, binh chủng. Để đáp ứng yêu cầu đó, tháng 7-1999 Quân chủng PK và Quân chủng KQ được hợp nhất thành Quân chủng PK-KQ. Ngày 21-7-1999, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra quyết định về việc hợp nhất Trung đoàn Công binh 28 KQ và Trung đoàn Công binh 220 PK thành Lữ đoàn Công binh 28.

Tiếp nối những chiến công trong suốt chiều dài xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, trong thời kỳ đổi mới, dấu chân cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 28 lại in đậm trên những công trình, những địa danh như: Trường Sa, Chiến khu D, Kiến An, Phan Rang, Cát Bi, Quảng Bình, Đà Nẵng, Điện Biên, Gia Lâm, Nội Bài, Yên Bái, Biên Hòa, Hòa Bình, Bắc Giang, Tây Nguyên... Các công trình quân sự trọng điểm tại nhiều địa phương, đường tuần tra biên giới... đã được Lữ đoàn thi công, xây dựng bảo đảm bí mật, an toàn, chất lượng về kỹ thuật, mỹ thuật và tiến độ, được Hội đồng nghiệm thu và Ban Quản lý công trình đánh giá cao. Những kết quả đó đã khẳng định vị trí, trình độ, uy tín của đơn vị ngày càng được củng cố và và phát triển đi lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong giai đoạn cách mạng mới.

Với những kết quả, thành tích mà các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn phấn đấu đạt được trong suốt 57 năm qua, Lữ đoàn đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ, Binh chủng Công binh tặng nhiều phần thưởng cao quý: Danh hiệu “Đơn vị anh hùng LLVTND thời kỳ đổi mới” vào ngày 12-12-2000; 1 Huân chư­ơng Quân công hạng Nhất, 2 Huân ch­ương Chiến công hạng Nhì, 1 Huân ch­ương Chiến công hạng Nhất, 1 Huân ch­ương Quân công hạng Ba, 2 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba và 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì. Năm 2021, Lữ đoàn được tặng Cờ Thi đua của Bộ Quốc phòng; năm 2022 được tặng Cờ Thi đua của Thủ tướng Chính phủ...

Trải qua 57 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, bằng mồ hôi công sức và cả xương máu của mình, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn đã xây đắp nên truyền thống hào hùng “Đoàn kết hiệp đồng, dũng cảm vượt khó, ra quân thắng lợi”. Đây vừa là kim chỉ nam cho mọi hoạt động, vừa là một yêu cầu tất yếu đặt ra cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị tiếp tục đoàn kết, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, viết tiếp những trang sử hào hùng trong quá trình xây dựng và phát triển của Lữ đoàn, góp phần xây dựng Quân chủng PK-KQ “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, bảo vệ vững chắc vùng trời, chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Thượng tá ĐỖ VĂN HUY

Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn Công binh 28

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website