Đối mặt với bất trắc trên không:
Kỳ 5: Gian nan hành trình tìm kiếm cứu nạn
Bạn đã bao giờ hình dung ra cảnh một chiếc trực thăng tham gia tìm kiếm cứu nạn ở khu vực rừng núi phải chọn một sườn núi, sườn đồi để đậu một bánh sau làm điểm tựa; hoặc phải bay treo hàng chục phút để thả người và phương tiện xuống khu vực máy bay gặp nạn. Chính chiếc trực thăng ấy, trong một dịp khác lại hàng giờ bay ở độ cao thấp trên mặt biển, không địa vật, địa tiêu để tham gia tìm kiếm cứu nạn. Tất cả đều diễn ra với tinh thần khẩn trương và quyết tâm cao nhất khi trước đó, phi công và máy bay huấn luyện gặp tai nạn.
Huấn luyện bay tìm kiếm cứu nạn trên biển. Ảnh: HUY BÌNHĐại tá Nguyễn Ngọc Vy - Chỉ huy trưởng Trung tâm Quốc gia huấn luyện và TKCN đường không, Bộ Tham mưu Quân chủng cho biết, một trong các nhiệm vụ của các trung đoàn không quân trực thăng là thực hiện công tác TKCN. Nhiệm vụ trực TKCN không chỉ được triển khai theo quy định của Ủy ban Quốc gia về phòng chống thiên tai và TKCN mà còn được triển khai song hành với mỗi ban bay huấn luyện của các đơn vị tiêm kích phản lực. Với những ban bay huấn luyện trên đất liền, các đơn vị trực thăng trực TKCN cấp 3; còn với những ban bay huấn luyện trên biển thì trực TKCN cấp 2. Khi có tai nạn xảy ra trong hoạt động bay, hoạt động TKCN thường được triển khai ngay, nhanh nhất có thể và với quyết tâm cao nhất. Những máy bay tốt nhất cùng những tay lái vững vàng, bản lĩnh và dạn dày kinh nghiệm nhất đảm nhận nhiệm vụ này.
Là người đã từng tham gia nhiều đợt bay TKCN, Đại tá Lương Văn Lâm - Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 916, Sư đoàn 371 kể: Khi có tai nạn bay xảy ra, những chiếc trực thăng sẽ cất cánh ngay. Công việc cấp thiết đầu tiên phải làm là xác định vị trí máy bay rơi để nhanh chóng làm công tác cứu hộ. Nếu bất trắc hoặc tai nạn bay xảy ra ở vùng đồng bằng thì công việc tìm kiếm thuận lợi hơn; song nếu tai nạn xảy ra ở vùng rừng núi hoặc trên biển thì khó khăn chất chồng khó khăn. Ví như ở trên núi, bên cạnh cái khó là địa hình không bằng phẳng thì thời tiết, khí tượng cũng vô cùng phức tạp. Khí tượng, ngoài đặc tính chung của toàn vùng, còn có những đặc điểm riêng của địa phương, đặc biệt nguy hiểm bởi những dòng đối lưu. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng giữ trạng thái ổn định của máy bay. Phi công bay TKCN ở vùng núi, ngoài việc khoanh vùng bay, nghiên cứu kỹ địa hình, chọn độ cao an toàn, còn phải có phương thức bay, phương thức tiếp cận mục tiêu phù hợp. Thường thì phải chọn được một bãi đủ tiêu chuẩn để hạ cánh. Tuy nhiên, ở khu vực rừng núi, thật khó tìm được một bãi đỗ như thế. Lúc đó, dựa vào sườn núi hoặc một bãi đất có độ nghiêng lớn, phi công sẽ đậu một hoặc hai bánh của trực thăng làm điểm tựa và tìm cách giữ thăng bằng cho máy bay. Hoặc máy bay phải bay treo để thả người và phương tiện cứu hộ xuống khu vực gặp nạn. Trong trường hợp không thể hạ cánh ở khu vực vừa xảy ra tai nạn, phi công trực thăng sẽ thông báo tọa độ để người chỉ huy sử dụng lực lượng mặt đất tiếp cận hiện trường.
Còn TKCN ở biển, càng bay xa bờ, càng xa sự bảo đảm của các phương tiện dẫn dắt, thông tin liên lạc. Thêm vào đó, giữa mênh mông sóng nước, không có địa vật, địa tiêu, phi công rất dễ bị cảm giác sai. Những khó khăn đó đòi hỏi tổ bay phải tính toán chính xác, xác định vùng tìm kiếm, độ cao hoạt động cho phù hợp. Nếu xác định không đúng, máy bay rất dễ bay chệch khỏi khu vực. Thêm vào đó, bay ở độ cao thấp trên biển, phi công rất dễ có cảm giác ảo do sóng gây nên. Ngay cả khi đã nhìn thấy mục tiêu, mục tiêu lại di chuyển do sóng biển và sóng của cánh quạt máy bay nên trôi dạt liên tục khiến tình cảnh TKCN giống như trò đuổi bắt vậy. Đại tá Nguyễn Xuân Thanh - Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 916 chia sẻ, khi máy bay huấn luyện rơi ở biển, trực thăng là phương tiện nhanh nhất có mặt ở khu vực xảy ra tai nạn. Sau khi xác định khu vực tương đối theo tọa độ, việc tìm kiếm hoặc sẽ từ khu vực rộng thu hẹp dần vào, hoặc từ tâm khu vực xảy ra tai nạn mở rộng ra; lại có khi khu vực tìm kiếm được phân chia theo từng ô, trực thăng sẽ lần lượt tìm kiếm hết ô này sang ô khác. Dù bằng phương pháp nào thì phi công tham gia TKCN lúc ấy cũng thật sự khó khăn khi đứng trước những áp lực tạo ra từ tính chất gấp gáp, khẩn trương của công việc. Một mặt, đó là sự thôi thúc của tình cảm và trách nhiệm với đồng đội bị nạn, mặt khác, làm sao tìm được đồng đội nhanh nhất có thể nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn cho chuyến bay.
Để hiểu hơn về nhiệm vụ của những phi công quân sự tham gia TKCN, hãy trở lại với câu chuyện tìm kiếm máy bay MH370 của hãng hàng không Ma-lai-xia mất tích ngày 8-3-2014 với 239 hành khách. Chưa có cuộc kiếm tìm nào kéo dài, tốn nhiều công sức và tiền của như vậy. Theo Vnexpress đưa tin, với thiết bị thủy âm dài 6m, rộng 1,5m, nặng 3,5 tấn, những chiếc tàu hiện đại nhất đã được huy động cho công cuộc tìm kiếm. Thiết bị này đã dùng sóng âm rà quét đáy biển và gửi dữ liệu về máy tính trên tàu để xử lí thông tin thành hình ảnh. Trong hơn hai năm qua, các nhà điều tra đã quét 120.000 km2 đáy biển bằng thiết bị trinh sát dưới nước. Larsen, người thiết kế thiết bị tìm kiếm MH370 bằng sóng âm, tham gia chiến dịch truy tìm máy bay từ những ngày đầu, sau một thời gian dài tìm kiếm đã thốt lên: “Công việc này tàn phá đầu óc, tâm trí, trái tim và kể cả cuộc hôn nhân của tôi. Nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục”… Và dù 26 nước đã được huy động vào cuộc tìm kiếm với rất nhiều máy bay và tàu, với rất nhiều thiết bị hiện đại, trong đó có cả lực lượng Không quân Việt Nam tham gia với trên một trăm giờ bay song đến giờ vẫn chưa tìm ra tung tích chiếc máy bay xấu số.
Đại tá Trần Văn Thuấn - Trưởng Ban An toàn bay, Bộ Tham mưu Quân chủng cho chúng tôi biết, việc các trực thăng tham gia TKCN, đó là công tác cứu hộ ban đầu nhằm tìm kiếm và cứu người bị nạn. Khi có tai nạn bay và uy hiếp an toàn bay, tùy vào mức độ tai nạn, hội đồng điều tra tai nạn sẽ được thành lập với đầy đủ các thành phần: Chủ tịch, các phó chủ tịch, thư kí và các tiểu ban điều tra chuyên ngành: Tiểu ban điều tra về tổ chức chỉ huy, về kỹ thuật lái – dẫn đường, về kỹ thuật hàng không, về hậu cần kỹ thuật sân bay và về công tác đảng, công tác chính trị. Hội đồng nhận nhiệm vụ và lên đường đến nơi xảy ra tai nạn bằng các phương tiện nhanh nhất. Bên cạnh các lực lượng của Quân chủng còn cần sự phối hợp nhịp nhàng của các lực lượng TKCN khác của Quân đội, của Hàng không dân dụng hoặc nhân dân. Tất cả những nỗ lực tổng thể ấy đều nhằm thực hiện mục tiêu cấp bách và quan trọng nhất là cứu người bị nạn. Cùng với đó là tìm kiếm được các phương tiện kiểm tra khách quan phục vụ cho quá trình phân tích và kết luận nguyên nhân tai nạn bay, rút kinh nghiệm và triển khai thực hiện các nội dung, biện pháp đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn tai nạn bay, uy hiếp an toàn bay thông qua giảng bình bay.
Bay TKCN, cũng như hoạt động bay quân sự nói chung luôn có những khó khăn và luôn phải đối mặt với tính chất phức tạp, khốc liệt thời bình cũng như thời chiến. Dù vậy, vượt lên mọi hiểm nguy, những chuyến bay vẫn nối tiếp những chuyến bay trên rộng dài đất nước. Vấn đề cấp thiết đặt ra từ thực tế những vụ uy hiếp an toàn bay và tai nạn bay, để hoạt động bay huấn luyện và SSCĐ hiệu quả, an toàn; để xử lí thành công khi đối mặt với bất trắc trên không, bài toán đó cần lời giải của không chỉ lực lượng phi công mà cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống, mỗi cá nhân, tập thể có liên quan trong hành trình từ khám tuyển, đào tạo, huấn luyện học viên và phi công và những lực lượng bảo đảm, những con người luôn quyết tâm bảo vệ bầu trời trên những đôi cánh.
HỒNG LINH