9 giờ:52 phút Thứ bảy, ngày 16 tháng 9 , 2023

Vượt qua “cửa tử” nhờ biết cách phòng cháy, chữa cháy

“Vợ và 2 con tôi thoát được thảm họa “giặc lửa”, còn tôi đã bình tĩnh, biết cách cứu người trong vụ cháy bằng hết khả năng của mình… Đó là nhờ chúng tôi được trang bị kiến thức cơ bản, bình tĩnh và biết cách phòng cháy, chữa cháy”. Đây là kinh nghiệm rút ra của Trung tá Kim Thanh Phi - Trợ lý Kế hoạch tổng hợp, Phòng Tham mưu - Hành chính, Học viện Phòng Không - Không quân qua vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng vào đêm ngày 12-9 tại Chung cư mi ni, số nhà 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân. TP Hà Nội.

Vượt qua “cửa tử” nhờ biết cách phòng cháy, chữa cháy
Gia đình Trung tá Kim Thanh Phi đang ở tạm trong căn phòng của Văn phòng đại diện Học viện Phòng không - Không quân.

Sứ mệnh của người lính khi đối mặt với “giặc lửa”

Gặp gia đình Trung tá Kim Thanh Phi đang ở tạm trong căn phòng của Văn phòng đại diện Học viện Phòng không - Không quân (PK-KQ), số 127 phố Hoàng Văn Thái, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội. Tiếp chúng tôi, anh vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại câu chuyện về hành động dũng cảm cứu người của mình trong hỏa hoạn và cách anh trang bị cho vợ, con kiến thức để vượt qua lưỡi hái tử thần khi “giặc lửa bủa vây”…

Vào lúc hơn 23 giờ 30 phút ngày 12-9, anh đang trực ở đơn vị thì có số lạ gọi nhiều lần, lúc đầu anh không nghe. Một lát sau anh nhấc máy, ở đầu giây bên kia có tiếng đàn ông hỏi “Tôi là công an ở phường, hiện nay, chung cư nhà anh đang cháy, tình hình thế nào?”. Anh Phi trả lời “Tôi đang đi trực nên không ở nhà”. Người đàn ông nói “Vậy anh về đi, chung cư nhà anh đang cháy rất to”. Nhận được thông tin đó, Anh Phi lập tức gọi điện cho vợ, nhưng không thấy nghe máy; sau đó, anh điện báo cáo với thủ trưởng đơn vị, xin phép nghỉ và nhờ một đồng chí trong cơ quan vào trực thay. Về đến chung cư lúc đó gần 1 giờ đêm ngày 13-9, anh chạy ra phía nhà mình, nằm ở tầng 2, ở mặt phía sau của chung cư để tìm kiếm thông tin về vợ, con; được người dân cho biết “Vừa nãy có 3 mẹ con từ tầng 2 đã đu thang dây qua ban công, rồi nhảy xuống, được người dân và lực lượng cứu hộ đỡ ở dưới, mẹ cháu bé bị chảy máu chân, được đưa ra ngoài, hiện đang tá túc ở các nhà dân gần đó”.

Lúc này, lửa đang cháy rất mạnh, lan đến tầng 4 của chung cư. Không gặp được vợ con, nhưng trước mắt anh là rất nhiều tiếng người la hét, kêu cứu ở trên các tầng của toà nhà; lực lượng phòng cháy, chữa cháy lúc đó đang triển khai các thiết bị và tập trung chữa cháy phía trước tòa chung cư. Với sự bản lĩnh của người lính, sự hiểu biết về phòng cháy, chữa cháy, lại quen đặc điểm địa hình tòa nhà, Trung tá Kim Thanh Phi đã trao đổi nhanh với lực lượng phòng cháy, chữa cháy: “Khói lan theo cầu thang ở giữa của chung cư đi lên các tầng nên không thể tiếp cận lối đó được; muốn cứu người chỉ có tiếp cận ở phía trước từ trên tầng cao của nhà dân, hoặc phía đằng sau chung cư”. Ngay lập tức, anh đã cùng lực lượng phòng cháy, chữa cháy mở một lối ở phía đằng sau chung cư (phía khu phòng của gia đình anh ở)”, triển khai đường ống nước và thiết bị chữa cháy tiếp cận hiện trường. Đồng thời, nhờ nhà một người dân mở đường lên sân thượng, đối diện với cửa sổ 1 phòng ở tầng 7 của chung cư đang hỏa hoạn. Thấy một cháu gái đang vẫy tay kêu cứu từ cửa sổ của gia đình ở tầng 7 (cửa sổ này đã được một gia đình đập và thoát ra trước đó). Không do dự, anh đã trèo lên thang từ sân thượng nhà hàng xóm, nhanh chóng tiếp cận cháu gái và đưa ra ngoài.

Sau đó, anh và mọi người lại nghe thấy rất nhiều tiếng la hét thất thanh “cứu tôi với, cứu tôi với…” phát ra ở tầng 8 và 9; tiếng kêu to, nhưng càng về sau thì nhỏ dần, lịm đi dần, rồi không nghe thấy nữa… Lúc này, vòi rồng phun nước đã tiếp cận hiện trường; do tường rất nóng, lực lượng cứu hộ phải vừa trèo vừa xịt nước, nên không thể trèo nhanh được. Khi lực lượng chữa cháy đi vào trong tòa nhà, mở được cửa 1 phòng ra, trong đó có 4 đến 5 người; lực lượng nhanh chóng thả dây từ tầng 9 xuống sân thượng nhà dân. Lúc này, anh cùng người dân và lực lượng cứu hộ đứng ở sân thượng của nhà dân đỡ 1 cháu bé khoảng 5, 6 tuổi. Trong lúc anh bế cháu bé từ tầng 6 xuống, tuy cháu kiệt sức nhưng vẫn nói thều thào “chú ơi cứu mẹ cháu với”. Cứ như vậy, anh tiếp tục lên cõng mẹ cháu bé và lần lượt đến các nạn nhân khác xuống, với một suy nghĩ càng nhanh chóng thì cứu được càng nhiều người; và mỗi lần đó, máu từ các nạn nhân ngấm vào quần áo anh từ lúc nào không hay.

Sáng hôm sau và cả ngày hôm ấy, tuy người đã thấm mệt, nhưng Trung tá Kim Thanh Phi vẫn cố gắng cùng lực lượng chức năng tìm dập các đám cháy còn âm ỉ, thu dọn ống cứu hỏa, hỗ trợ lực lượng y tế và túc trực phục vụ, vận chuyển, tiếp tế cho các lực lượng...

Khi được hỏi làm thế nào để bảo vệ bản thân mình trong lúc cứu người, Trung tá Kim Thanh Phi cho biết: “Ở đơn vị, hằng năm, tôi được trang bị những kiến thức về phòng cháy, chữa cháy qua các lần hội thao, hội thi và thực hành huấn luyện về phòng chống, cháy nổ; đặc biệt là phải bình tĩnh để thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe của bản thân. Vì vậy, tôi đã tranh thủ mượn khăn của nhà dân, rồi nhúng ướt và quấn vào mặt để che mũi, bảo đảm không bị ngạt trong quá trình lao vào cứu người”.

Trang bị kiến thức cho các con vượt qua hiểm nguy

Vào đầu năm 2023, hai con trai sinh đôi (năm 2015) của anh đến trường học, được các cô dạy về phòng cháy, chữa cháy; khi đi học về, các con khoe, rồi hỏi bố: “Nếu chung cư nhà mình cháy thì phải làm sao? Anh trả lời “Ô, sao con lại nói gở vậy. Làm sao mà cháy được!”, con lớn của anh hỏi tiếp “Bố hay đi vắng; nếu cháy, chúng con ở nhà với mẹ thì phải làm sao? Thấy vậy, anh nhẹ nhàng hướng dẫn các con: “Nếu xảy ra cháy ở tầng 1 và ở các tầng khác, mọi người hô lên, các con tuyệt đối không được mở cửa chính ra, nhanh chóng dập cầu dao điện xuống. Nếu có khói, các con vào nhà vệ sinh lấy dẻ, khăn lau, nhúng ướt, chèn vào cửa chính; đồng thời, lấy khăn mặt ở nhà tắm nhúng nước rồi bịt vào mũi và chỉ các con đường thoát hiểm ra ban công”. Hôm sau, anh Phi mua khóa, làm thêm cánh cửa thoát hiểm ở ban công, mua dây thừng để cạnh, tiếp tục hướng dẫn các con cách thoát nạn, dặn vợ con vị trí để chìa khóa và phải thực sự bình tĩnh khi gặp hỏa hoạn.

Vì vậy, đêm 12-9, khi chung cư bị cháy, nghe thấy tiếng hô cháy, vợ anh tỉnh dậy, đánh thức hai con rồi hô chạy đi. Lúc đó, hai con còn nhắc “Mẹ ơi, bố hướng dẫn dập cầu dao xuống, không được hoảng”; rồi vợ và con anh Phi đã bình tĩnh, nhanh chóng thực hiện đúng quy trình đã được hướng dẫn nên may mắn thoát nạn.

“Qua vụ cháy, hầu hết các gia đình thoát nạn trong khu chung cư mini này đều có kiến thức nhất định về phòng cháy, chữa cháy nên họ không hoảng loạn mà bình tĩnh để xử lý thoát hiểm, trừ những trường hợp bất khả kháng. Vậy nên, ngoài hệ thống phòng cháy, chữa cháy, thoát hiểm phải có ở nhà chung cư thì bản thân mỗi gia đình phải tự trang bị các kiến thức cơ bản về phòng chống, cháy nổ; kết hợp với việc tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn thường xuyên để mọi người không được chủ quan về phòng cháy, chữa cháy” - Trung tá Kim Thanh Phi cho biết.

Bài, ảnh: LẠI THẾ THỦY
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website