Chuyện về những người lính Dù
Chúng tôi có mặt tại Trung đoàn 929, Sư đoàn 372 khi đơn vị đang chuẩn bị cho ban bay huấn luyện ngày. Cùng với lực lượng bảo đảm kỹ thuật hàng không và bảo đảm kỹ thuật hậu cần sân bay, Tổ bảo đảm Dù đã có mặt tại sân bay lúc 3 giờ sáng. Các nhân viên Dù đến từng chiếc Su-22, lên buồng lái tỉ mỉ kiểm tra lại các phương tiện cứu nạn cho phi công; thực hiện lắp Dù cho máy bay. Thiếu tá Hoàng Anh Tuấn - Chủ nhiệm Dù Trung đoàn chia sẻ: “Đối với phương tiện cho phi công, chúng tôi đã làm công tác chuẩn bị bay từ hôm trước nhưng trước ban bay bao giờ chúng tôi cũng phải kiểm tra lại tình trạng kỹ thuật Dù cứu nạn của phi công và các phương tiện mang theo trong túi cứu nạn. Còn Dù giảm tốc cho máy bay thì được chuẩn bị sẵn, trước mỗi chuyến bay mới đem ra lắp. Một ban bay chúng tôi phải chuẩn bị khoảng 30 chiếc Dù đuôi, mỗi chiếc nặng gần 30kg”.
Nhân viên Dù của Trung đoàn 930, Sư đoàn 372 tham gia huấn luyện nhảy dù cứu hộ, cứu nạn.Theo kế hoạch, 6 giờ 15 phút là chuyến bay khí tượng, nhưng ở cuối đường băng, tổ thu Dù đã có mặt trước 30 phút để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Khi chiếc Su-22 nhẹ nhàng hạ cánh lướt trên đường băng, bung Dù, giảm tốc và cắt Dù khỏi máy bay, Trung úy Nguyễn Phan Chí Đạt - Trợ lý Dù Trung đoàn và 2 chiến sĩ nhanh chóng cơ động ra thu Dù để xếp vào túi đã chuẩn bị sẵn. Công việc tưởng chừng như giản đơn, nhưng mỗi lần thu Dù đưa về khu tập kết, chúng tôi lại thấy cán bộ, chiến sĩ mồ hôi nhễ nhại, lưng áo ướt đẫm. Tâm sự với cán bộ, chiến sĩ giữa hai chuyến bay, chúng tôi mới hiểu thêm về công việc của “lính Dù”. Trung úy Nguyễn Phan Chí Đạt trải lòng: “Ở mỗi ban bay, chúng tôi thường có mặt tại đường băng trước khi máy bay cất cánh 30 phút đến lúc chuyến bay sau cùng hạ cánh an toàn. Mùa nắng thì phải tiếp xúc với cái nóng 40-42 độ của đường băng 5 - 6 giờ liền, còn khi gặp mưa thì Dù ngấm nước nặng, dây dù dễ bị rối gây khó khăn trong việc thu gấp lại. Sau các ban bay, tổ Dù lại phải làm công tác chuẩn bị tiếp theo như: phơi Dù, gấp Dù, ép Dù. Mỗi chiếc dù giảm tốc phải mất 2 đến 3 người có kỹ thuật gấp và phải gần 30 phút mới xong”.
Được biết, Tổ Dù của Trung đoàn 929 gồm có 7 cán bộ, chiến sĩ. Sau mỗi ban bay, Tổ phải hoàn thành nhiệm vụ kiểm tra lại các phương tiện cứu hộ, cứu nạn của phi công và tiếp tục chuẩn bị khoảng 30 Dù giảm tốc. Ngoài ra, Tổ còn làm nhiệm vụ huấn luyện nhảy dù và huấn luyện cứu hộ, cứu nạn.
Tôi đã từng được cùng lực lượng của Trung đoàn 930, Sư đoàn 372 trực tiếp đi tiếp tế, cứu nạn cho nhân dân các tỉnh Miền Trung. Trên những chuyến bay, ngoài tổ bay thì lực lượng cứu hộ, cứu nạn chủ yếu thuộc Tổ Dù của các đơn vị không quân. Họ thực hiện hầu hết các hoạt động: Tiếp tế lương thực, thực phẩm, tiếp cận người bị nạn bằng thang dây, cáp treo, cần cẩu; đưa người bị nạn lên máy bay; thậm chí làm hoa tiêu tìm bãi đáp cho trực thăng hạ cánh. Dịp trực thăng của Trung đoàn 930 làm nhiệm vụ tiếp tế, cứu hộ, cứu nạn tại xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, khi máy bay đến sân vận động xã, không tìm ra bãi đáp vì sạt lở, lũ quét đã phủ một lớp bùn loãng; trước tình thế đó, Thiếu tá Phạm Đức Huy - Chủ nhiệm Dù Trung đoàn 930 đã từ trên trực thăng với độ cao 4 - 5m nhảy xuống đất an toàn để tìm chỗ cho máy bay hạ cánh. Sau hơn 15 phút lội bì bõm giữa lớp bùn sâu quá đầu gối, anh đã tìm được bãi đất cứng, ít bùn để tổ bay cho trực thăng treo ở độ cao cực thấp. Các lực lượng đã nhanh chóng đưa hàng hóa tiếp tế xuống và đưa người bị nạn lên trực thăng đưa đi cấp cứu kịp thời. Sau này, Thiếu tá Phạm Đức Huy chia sẻ: “Nhảy ở độ cao xuống bùn rất nguy hiểm, dễ gây thương tích vì có thể có vật nhọn, đá ở dưới mình không quan sát được nhưng khi đó chỉ nghĩ làm thế nào để cấp cứu người bị nạn được nhanh nhất”.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đường không phải có thể lực tốt, được huấn luyện, luyện tập các nội dung: Kỹ năng lên xuống trực thăng; đưa người bị nạn lên máy bay bằng thang dây hoặc nôi cẩu; cấp cứu nạn nhân đuối nước, cứu người trên nhà cao tầng; bơi, lặn… Trung tá Hà Văn Nhân - Chủ nhiệm Dù Sư đoàn 372 cho biết thêm: “Lực lượng Dù chủ yếu tham gia các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên mặt đất mặt nước, rừng núi… Do đó, những người thuộc bộ phận Dù phải được đào tạo cơ bản ở Trung tâm Quốc gia huấn luyện tìm kiếm cứu nạn đường không, đồng thời hằng năm, các đơn vị đều duy trì huấn luyện các bài nhảy dù để có thể xử trí các tình huống đặc biệt. Bên cạnh đó, lực lượng Dù phải rèn luyện bản lĩnh, tinh thần gan dạ, dũng cảm trước những tình huống khó khăn, phức tạp…
Thường xuyên rèn luyện bản lĩnh, luyện tập nâng cao trình độ chuyên môn đã giúp lực lượng Dù của Sư đoàn 372 hoàn thành tốt các nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn ở các tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên. Họ luôn chuẩn bị tốt tinh thần và lực lượng để đến bất cứ đâu khi được lệnh của trên và có tín hiệu cấp cứu từ nhân dân.
Bài, ảnh: LÊ HỮU LỆ