Chế tạo giá treo cờ trên máy bay trực thăng
Những ngày này, tại Xưởng cơ khí của Phòng Nghiên cứu Máy bay động cơ, Viện Kỹ thuật Phòng không - Không quân (PK-KQ) đang nhộn nhịp bước vào giai đoạn hoàn tất quá trình sản xuất 13 bộ giá treo cờ chuẩn bị lắp đặt phục vụ các đơn vị không quân huấn luyện bay diễu binh treo cờ tại Lễ Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày Hội quốc phòng toàn dân.
Gấp cờ trước khi treo lên giá treo máy bay.Ảnh: HOÀNG CÔNG
Chúng tôi gặp Thượng tá Nguyễn Đắc Quang - Phó trưởng Phòng Nghiên cứu Máy bay động cơ, khi anh cùng cán bộ, nhân viên đang kiểm tra các chi tiết của 13 bộ thiết bị. Cách đây 14 năm, anh Quang là người trực tiếp tham gia tổ nghiên cứu, thiết kế chế tạo giá treo cờ trên trực thăng họ Mi. Năm 2010, Phòng Nghiên cứu máy bay động cơ được giao nhiệm vụ thiết kế giá treo cờ, phục vụ các đơn vị bay diễu binh trong Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhớ lại thời điểm đó, Thượng tá Nguyễn Đắc Quang cho biết, đơn vị không có một tài liệu chính thức nào mô tả về thiết bị, chỉ được xem những hình ảnh bay treo cờ biểu diễn qua những clip của nước bạn Nga. Để lên được ý tưởng, các anh đã nghiên cứu kỹ tải trọng trong, ngoài của máy bay trực thăng họ Mi. Tải trọng treo ngoài của máy bay trực thăng họ Mi cho phép lên tới 3 tấn. Trong quá trình nghiên cứu, nhóm đã quyết định phần dây cáp phải có hệ thống cáp tải, nối với khung bảo vệ bằng móc khoá gắn dưới bụng máy bay, tải trọng của thiết bị là 145kg. Ban đầu, các anh đã lên thiết kế hoàn chỉnh và sản xuất thử 1 thiết bị nhỏ để đưa vào ống thổi, thổi thử nghiệm, quan sát trạng thái cờ và xác định khi thổi, cờ có 2 điểm yếu nhất là mép đuôi cờ phía trên và phía dưới vì gặp dòng khí nhiễu động, cờ bị phất mạnh và dễ gây rách.
Sau quá trình nghiên cứu, thiết kế, thiết bị treo cờ được kết nối với máy bay trực thăng qua khoá DG-64M, có cấu tạo, gồm: Dây treo cờ, khoá cáp, lót cáp, giảm chấn, bu lông, khối trọng, cờ, dây dù thu thả cờ. Dây cáp treo cờ được sử dụng dây cáp lõi thép có đường kính 12mm, lực kéo đứt 101kN. Một đầu dây cáp treo cờ được nối với móc treo của khoá DG-64M, đầu còn lại nối với giảm chấn. Giảm chấn kiểu lò xo, có tác dụng hấp thụ tải cho dây cáp treo cờ và các thiết bị khác khi trực thăng bay có quá tải. Lựa chọn lò xo nén có đường tiết diện F10, bước 14 và đường kính ngoài 60. Khối trọng được nối với giảm chấn bằng bu lông F-16mm, có tác dụng ổn định cờ trong không gian ở vị trí treo thẳng đứng khi trực thăng bay, bảo đảm cờ không bị quấn vào bụng và cánh quạt đuôi. Nguyên lý làm việc, thiết bị được đặt ở vị trí gần điểm treo ngoài dưới bụng của trực thăng. Cờ ở trạng thái thu. Dây cáp treo cùng với cờ được xếp lớp kiểu lò xo, bắt đầu từ đầu kết nối với khối trọng, dây cáp treo cờ khi xếp ở trạng thái tự do. Đầu còn lại của dây cáp treo cờ được kết nối với móc của khoá DG-64M của hệ thống treo ngoài máy bay trực thăng. Khi trực thăng chuyển từ chế độ bay treo sang chế độ bay bằng, cơ giới trên không thả dây dù để cờ bung hết cỡ. Khi chuẩn bị hạ cánh, cơ giới trên không sẽ thu cờ để tránh va chạm với cánh quạt đuôi và cánh quạt chính.
Cờ có hai loại chính là cờ Đảng và cờ Tổ quốc. Cờ có kích thước 5,4m x 3,6m, được may bằng 1 lớp vải đỏ chất liệu sợi PE, dệt đặc biệt, có độ bền cao. Cờ được gắn vào dây cáp treo cờ thông qua một dây dù dẹt, dây này được may liền với gốc cờ và được buộc chặt với dây treo cờ. Phần gần nơi cố định cờ với dây treo, vải cờ được gấp 2 lần để tăng độ bền, bảo đảm cho cờ không có hiện tượng sờn, rách trong quá trình bay. Mép trên và dưới của cờ có lồng dây dù thu thả cờ khi máy bay cất, hạ cánh do cơ giới trên không điều khiển từ buồng hàng. Quá trình thử nghiệm, các anh cũng tính toán, kiểm bền các tham số cơ bản, như: Lực cản tác dụng lên cờ và trạng thái của cờ trong khi bay, tính toán chất liệu vải may cờ và diện tích cờ; tính toán trong điều kiện trực thăng bay với tốc độ diễu hành, tính toán lực cản tác dụng lên cờ, sự ảnh hưởng của mật độ không khí, vận tốc bay, diện tích cờ và lực cản của cờ… cũng được tính toán và cân nhắc rất kỹ lưỡng.
Sau các bước thử nghiệm thành công, đơn vị đã tiến hành thiết kế thiết bị đáp ứng đủ yêu cầu, khi trực thăng bay với vận tốc 120km/giờ dưới tác dụng của gió, cờ được bung hết cỡ, khoảng cách từ điểm cao nhất của cờ đến bụng máy bay trực thăng không nhỏ hơn 2m, cạnh cờ cố định với dây cáp treo cờ không bị chùng, các cơ cấu kết nối khối trọng, giảm chấn và dây cáp treo cờ nằm đúng vị trí. Sau khi sản xuất, các bộ sản phẩm giá treo cờ trên trực thăng đều được thử nghiệm trong phòng thí nghiệm nhằm kiểm tra các tham số kỹ thuật và đánh giá khả năng làm việc của thiết bị. Bảo đảm sau khi thử nghiệm chịu tải, các chi tiết chính của thiết bị không hư hại, rạn nứt, đạt các chỉ tiêu kỹ thuật theo yêu cầu và tổ chức nghiệm thu cấp Viện Kỹ thuật PK-KQ và Cục Kỹ thuật Quân chủng PK-KQ.
14 năm qua, Phòng Nghiên cứu Máy bay động cơ đã tiến hành sản xuất hàng chục bộ thiết bị giá treo cờ trên máy bay trực thăng họ Mi và đã lắp đặt, sử dụng thành công tại những sự kiện lớn, như: Bay chào mừng tại Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2022 và gần đây nhất tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Tin tưởng rằng, với trình độ, kinh nghiệm sau nhiều năm thực hiện nhiệm vụ, những bộ thiết bị giá treo cờ trên máy bay trực thăng họ Mi được nghiên cứu và sản xuất bởi Phòng Nghiên cứu Máy bay Động cơ - Viện kỹ thuật PK-KQ sẽ góp phần quan trọng vào thành công Lễ diễu binh, diễu hành Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày Hội Quốc phòng toàn dân.
BÍCH PHƯỢNG