14 giờ:33 phút Thứ sáu, ngày 19 tháng 5 , 2017

"Trăng mật… muộn"

Tôi gặp vợ chồng Thiếu tá CN Nguyễn Thị Minh Hạnh - Trưởng Ban sưu tầm hiện vật (Bảo tàng PK-KQ) khi họ vừa kết thúc chuyến du lịch các tỉnh miền Tây Nam bộ nhân dịp nghỉ Lễ 30-4 và 1-5. Nhìn gương mặt Hạnh dẫu có sạm màu nắng gió vẫn ngời lên niềm hạnh phúc, tôi nói vui: “Nghỉ Lễ kiểu này mới bõ công chứ. Vừa ngao du ngắm cảnh non nước hữu tình, vừa có dịp hâm nóng tình yêu của tuổi trung niên, nhất các bạn đấy!”. Hạnh chỉ tủm tỉm cười, còn anh Nguyễn Duy Phong - Chồng Hạnh thì thật thà bộc bạch: “Thật ra, đây là chuyến “Trăng mật… muộn” em “đền” nhà em sau 30 năm quen biết, yêu thương rồi nên vợ, nên chồng, tạo dựng hạnh phúc đấy chị ạ!”.


Vợ chồng Phong - Hạnh trong chuyến “trăng mật… muộn”.
Ảnh do nhân vật cung cấp

Thấy tôi tròn mắt ngạc nhiên, Hạnh xác nhận: “Anh ấy nói đúng đấy. Chúng em quen nhau ngay từ năm đầu tiên của đời sinh viên, mãi 10 năm sau mới cưới. Bây giờ con gái lớn của chúng em đã là sinh viên năm nhất Học viện Báo chí tuyên truyền, cậu con trai út cũng đang học lớp 7. Thế mà đến giờ chúng em mới thu xếp được một chuyến đi theo đúng nghĩa “Trăng mật”.

Chắp nối câu chuyện tình của họ, tôi thật sự ngưỡng mộ cặp vợ chồng Hạnh - Phong bởi sự thấu hiểu, cảm thông, biết chia sẻ và hỗ trợ nhau trong cả sự nghiệp lẫn cuộc sống thường nhật.

Ngày ấy, Phong học Khoa Luật (Trường Đại học Tổng hợp), còn Hạnh học Khoa Bảo tồn bảo tàng (Đại học Văn hóa Hà Nội). Ngay từ lần gặp đầu tiên Hạnh đã bị Phong thu phục bởi sự dí dỏm, thông minh. Còn Phong, anh bị hút hồn bởi dáng vẻ nền nã, duyên ngầm của Hạnh. Dẫu không cùng quê (Phong quê Nam Định, còn Hạnh quê ở Đan Phượng), nhưng họ lại có khá nhiều điểm tương đồng. Đời sống sinh viên những năm đầu thập kỷ 90 còn nhiều thiếu thốn lắm. Ngoài giờ lên giảng đường, cả Phong và Hạnh đều phải bươn trải với đủ loại công việc. Nhưng có lẽ vì thế mà họ ngày càng gắn bó, yêu thương nhau hơn. Vốn có cảm tình với bộ đội nên bước sang năm thứ 3, Hạnh đã xin về Bảo tàng Phòng không thực tập. Năm 1996, tốt nghiệp ra trường, Hạnh mạnh dạn xin dự thi xét tuyển và đã trúng tuyển vào công tác tại Bảo tàng Không quân. Bằng niềm đam mê nghề nghiệp và sự nỗ lực cố gặng, chỉ sau 3 tháng ký hợp đồng, cô chính thức được tuyển dụng với chức danh Nhân viên tuyên truyền của Bảo tàng Không quân (nay là Bảo tàng PK-KQ), sau đó được chuyển sang QNCN với cấp hàm Thiếu úy CN.

Còn Phong, sau khi tốt nghiệp đại học, anh trở về Nam Định đầu quân cho một doanh nghiệp tỉnh. Dẫu không cùng môi trường làm việc, mặc kệ khoảng cách địa lý, tình yêu của họ vẫn ngày càng khăng khít. Rồi một ngày, Phong quyết định trở lên Hà Nội, xin vào Công ty cổ phần Cơ khí Hà Tây để được gần người yêu. Đầu năm 1998, khi cả hai đã ổn định công việc, họ đã xin phép cha mẹ để lên duyên chồng vợ. Cuối năm đó, trong căn phòng thuê chật hẹp nhưng đầy ắp tình yêu, Hạnh sinh cô con gái đầu lòng đặt tên là Nguyễn Khánh Linh. Mặc dù đồng lương khiêm tốn, nhưng họ đã tạo dựng hạnh phúc bằng cả sự chắt chiu, tảo tần lẫn niềm yêu thương chia sẻ. 6 năm sau, họ có thêm cậu con trai kháu khỉnh đặt tên Nguyễn Duy Thái. Trong khoảng thời gian ấy, cả Phong và Hạnh đều có những bước thăng tiến đáng nể trong nghề nghiệp. Từ một nhân viên hợp đồng, nay Phong đã là Phó Giám đốc Công ty. Họ đã có ngôi nhà riêng trên phố La Thành, Hà Nội. Còn Hạnh, từ một nhân viên Bảo tàng, cô đã lấy xong bằng Thạc sĩ và bây giờ đang giữ chức Trưởng Ban sưu tầm hiện vật được cấp trên tin yêu, đồng nghiệp quý mến.

Hạnh bảo, sở dĩ em có được vị trí như ngày hôm nay là nhờ anh ấy đã đồng cam cộng khổ, chia sẻ với em bao nỗi khó khăn trong cuộc sống. Công việc của em rất bận rộn, thỉnh thoảng lại phải đi công tác xa nhà, nhiều hôm tối muộn mới về. Bao nhiêu công việc thường nhật như chợ búa, cơm nước, đưa đón con đi học, chăm sóc bố mẹ lúc ốm đau…đều có anh cùng ghé vai gánh vác. Có lần anh ấy giao hẹn: “Chiều nay “bà” Thiếu tá về mà đón con nhé, anh không về sớm được đâu”... Nhưng hôm ấy Bảo tàng có cuộc triển lãm, Hạnh không thể nào về sớm được. Cuối cùng vẫn là Phong phải thu xếp công việc để kịp đón cháu lúc tan trường.

Ngắm nhìn những tấm hình họ vui vẻ sóng bước bên nhau trong chuyến “Trăng mật… muộn”, lòng tôi chợt trào lên một cảm xúc rất lạ. Bây giờ thì tôi đã hiểu, vì sao mà bạn tôi, dẫu đã bước qua tuổi tứ tuần mà vẫn ngời ngời xuân sắc.

                                                QUỲNH VÂN

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website