8 giờ:13 phút Thứ sáu, ngày 14 tháng 7 , 2017

“Yêu nhau cốt ở tấm lòng”

Lần lữa mãi rồi tôi cũng vượt gần 600 km đến thăm anh bạn từ thuở hàn vi. Ngôi nhà cấp 4 của vợ chồng Trần Đình Hải khang trang nằm giữa không gian yên tĩnh của xóm đạo xã Cam Phước Đông, Cam Ranh, Khánh Hòa. Vừa gặp, vợ Hải đã đon đả: “Sao lâu thế anh, nghe tin anh lên chơi, vợ chồng em chờ từ chiều tới giờ, cơm canh nguội hết rồi”.

“Yêu nhau cốt ở tấm lòng”
Gia đình Đại úy CN Trần Đình Hải.

Ngược dòng thời gian, năm 1997, tốt nghiệp Trung học Quân y 1, ra trường với quân hàm Chuẩn úy, Trần Đình Hải, chàng trai quê hương Thanh Chương, Nghệ An khoác ba lô nhằm phương Nam thẳng tiến. Tuổi 20 tràn trề nhựa sống, anh nghĩ rằng ở đâu mà chẳng được khi mình có chuyên môn và sức khỏe. Được biên chế về Tiểu đoàn 115, Trung đoàn 274 (Sư đoàn 377), ngoài công việc chuyên môn, Hải còn tích cực tham gia các hoạt động của đơn vị. Do điều kiện công việc cũng như hoàn cảnh gia đình nên 27 tuổi, Hải vẫn còn chăn đơn, gối chiếc...

Dịp đó, trong một lần nghỉ phép, Hải tình cờ ngồi cạnh cô giáo Bùi Thị Huệ khi đi dự đám cưới người bạn. Qua chuyện trò, biết cô giáo vừa ra trường và lại còn độc thân, trông cũng nhẹ nhàng, xinh xắn, nói chuyện có duyên nên chàng trai trẻ thấy bồi hồi, xao xuyến. Còn Huệ, nhìn chàng trai vạm vỡ, nhiệt tình, vui tính, lại là “Chiến sĩ Quân y” nên rất có cảm tình. Sau lần đó được bạn bè vun vén, tranh thủ những ngày phép ít ỏi, anh đạp xe hơn 20 km đường đồi để đến nhà Huệ chơi. Nhiều hôm về trời vừa tối lại vừa mưa, đường trơn trượt khiến anh ngã sóng soài, xây xát cả mặt mày nhưng Hải vẫn không hề nản. Những ngày phép trôi qua nhanh, ngày chia tay anh mới dám nắm tay Huệ ngập ngừng: “Em có dám yêu bộ đội không?”. Trong cái rét ngọt của ngày đầu năm Hải cảm thấy từ bàn tay nhỏ bé run run có luồng hơi ấm truyền qua. Thế nhưng, Huệ rút nhẹ bàn tay và choàng lên cổ anh chiếc khăn bông mỏng: “Trời lạnh quá, tặng anh chiếc khăn này, giữ gìn sức khỏe anh nhé, khi nào vào đơn vị nhớ biên thư về thăm em”.

Hải nghĩ chắc Huệ không đủ can đảm để đến với mình khi mỗi người một ngả, cả năm mới gặp một vài lần, rồi tiền bạc cũng chỉ đủ đi đường, trang trải ngày phép. Bạn bè thường nói bộ đội ở xa thì chỉ “nuôi vợ bằng thư, nuôi con bằng kẹo” chắc là đúng. Thế nhưng khi về nhà anh thực sự xúc động, chiếc khăn bông màu hồng mà Huệ vừa tặng có thêu dòng chữ “Yêu nhau cốt ở tấm lòng, đường xa đâu quản… đường vòng cũng đi”.

Hải lên đường về đơn vị với niềm vui lâng lâng khó tả. Về đến đơn vị, thu xếp công việc xong anh viết thư ngỏ lời ngay với Huệ. Trong thư anh cũng không quên tâm sự những khó khăn khi phải làm người yêu của lính, làm vợ người lính. Rồi thư đi, tin lại Huệ thấy anh cũng tâm đầu, ý hợp; thời chiến tranh các bậc ông bà xa nhau cả chục năm trời có sao đâu…. Vì vậy, chỉ năm sau họ làm lễ cưới. Trong đám cưới ở quê nhà, bạn bè đến chúc phúc rất đông họ còn trêu đùa: “Ba năm du kích nằm kề, không bằng chủ lực nó về một đêm”. Hải quay sang vợ hãnh diện: “Chuyện, chiến thuật đánh nhanh, thắng nhanh của bộ đội mà”. Song trong lòng anh thầm cảm ơn người vợ yêu của mình đã vượt qua mọi khó khăn để đến với anh.

Cưới nhau được một năm thì Huệ khăn gói quả mướp theo chồng vào Nam lập nghiệp. Lường trước những khó khăn gian khổ như phải ở nhà thuê, đồng lương thấp nên vợ chồng anh đều chịu thương chịu khó. Hải đề xuất với đơn vị nuôi thêm lợn khoán, còn Huệ thì dạy thêm ở nhà để tăng nguồn thu nhập. Rồi cuộc sống cũng mỉm cười với gia đình Hải. Năm 2002, vợ sinh con gái đầu lòng. Nhờ tiết kiệm chi tiêu, anh chị đã mua được đất. Năm 2008 vợ chồng Hải xây dựng được ngôi nhà nhỏ.

Cô giáo Huệ tâm sự: “Khi mới vào, vợ chồng em chỉ có 2 bàn tay trắng. Nơi đất khách quê người, lạ nước, lạ cái, có lúc tưởng chừng như không qua nổi, nhất là thời điểm em mang bầu, song được sống trong tình thương của bà con lối xóm, sự giúp đỡ nhiệt tình của đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp, bọn em đã vượt qua được khó khăn”.

Bây giờ ngôi nhà nhỏ của vợ chồng Hải luôn đầy ắp tiếng cười. Đại úy CN Trần Đình Hải là quyền Chủ nhiệm Quân y Trung đoàn 274 (Sư đoàn 377). Chị Huệ là giáo viên dạy Sinh - Hóa. Con gái Trần An Chi năm nay lên lớp 10 luôn là học sinh giỏi, còn cậu con trai Trần Đình Long lên 5 tuổi đã biết giúp mẹ lau nhà, bàn, ghế, mời khách vào nhà. Cuộc sống phía trước tuy còn vất vả song nhìn gia đình anh bạn tràn đầy yêu thương và hạnh phúc, tôi lại nhớ câu hát rằng: “Yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua”.

LÊ HỮU

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website