15 giờ:24 phút Thứ sáu, ngày 8 tháng 4 , 2016

Những ngày đầu tiên trong trường học lớn:

Kỳ 2: Người "chèo đò trên khúc tân binh"

Qua gần ba tháng huấn luyện, đã bắt đầu quen với môi trường quân ngũ, cả nhận thức, ý thức và sức khỏe của hầu hết chiến sĩ mới đều được nâng cao. Nhìn nét mặt phấn khởi của các binh nhì, nghe họ bộc bạch tâm tư, chúng tôi không khỏi vui lây. Với Trung tá Kiều Hương Sơn - Tiểu đoàn trưởng và các cán bộ của Tiểu đoàn Huấn luyện, Sư đoàn 371 thì lại một “chuyến đò tân binh” nữa sắp sửa cập bến. Chiến sĩ sẽ về các đơn vị huấn luyện binh chủng, con đò thì vẫn neo lại nơi đây, và xúc cảm, kinh nghiệm của những người chèo đò thì cứ dầy lên cùng năm tháng.

Kỳ 1: Học ăn, học nói…
Kỳ cuối: Những người lính già và ký ức thưở binh nhì
Nhớ lại những ngày đầu huấn luyện chiến sĩ mới đợt này, Thượng úy Phạm Ngọc Tú - Trung đội trưởng cho biết, để chiến sĩ trưởng thành như ngày hôm nay, trong công tác huấn luyện, cán bộ luôn phải tỉ mỉ, ân cần, nhiều lúc phải “cầm tay chỉ việc”. Ví như, khi làm nội vụ vệ sinh như gấp chăn, màn hay sắp đặt quân trang, cán bộ phải làm mẫu, nói đến đâu, làm đến đó để các chiến sĩ mắt thấy, tai nghe. Khi tân binh thực hiện, cán bộ cũng phải uốn nắn từng động tác sao cho thật chuẩn. Hay khi trồng rau cũng vậy. Cuốc đất theo luống, rồi đào hốc thế nào, khoảng cách giữa các hốc ra sao, đến khi chăm rau, phải hướng dẫn chiến sĩ thật cụ thể từ cách lật lá rau, cách nhặt cỏ sao cho không dẫm lên rau… Để huấn luyện được những động tác mà với nhiều chiến sĩ, đó là lần thực hiện đầu tiên, thì cán bộ phải giảng giải thật cụ thể; cùng với đó, là thuần thục trong mọi động tác. Không chỉ là những động tác quân sự đặc trưng của nhà binh như các động tác, yếu lĩnh trong bắn súng, ném lựu đạn hay đánh thuốc nổ. Ngay cả việc tăng gia, mỗi cán bộ dường như cũng phải là một nhà nông thực thụ, mùa nào, rau ấy; và còn nghiên cứu, học hỏi xem chất đất của khu vực đơn vị đóng quân phù hợp với loại rau nào để tăng gia cho hiệu quả. 
Kỳ 2: Người

Huấn luyện khoa mục 5 kỹ thuật cấp cứu cho chiến sĩ mới.

Thiếu tá Phạm Thành Chung - Chính trị viên Tiểu đoàn chia sẻ: Cái khó nữa của những người làm công tác huấn luyện là nhận thức của chiến sĩ không đồng đều. Hầu hết các thanh niên nhập ngũ đã tốt nghiệp chương trình phổ thông trung học; song còn một số mới chỉ tốt nghiệp phổ thông cơ sở, trong khi có cả đối tượng đã học xong đại học, cao đẳng. Để cả ba đối tượng trên cùng hiểu và nắm được kiến thức cơ bản về các khoa mục trong chương trình huấn luyện tân binh, người giảng phải có phương pháp và kinh nghiệm. Thường thì, cũng phải đi từ dễ đến khó, từ thấp lên cao, từ đơn giản đến phức tạp. Song, với những chiến sĩ có nhận thức cao hơn, cán bộ cũng cần cập nhật những kiến thức mới, những kiến thức nâng cao để bài giảng thêm phần sinh động.

Cũng là một cán bộ có kinh nghiệm trong nghề “lái đò”, Thiếu tá Nguyễn Văn Cường - Chính trị viên phó Tiểu đoàn bộc bạch với chúng tôi, ở cái “khúc tân binh” tưởng như khá bình yên, không phải không có “sóng ngầm” cuộn lên. Ví như, thực trạng lính cũ “bắt nạt” lính mới, hay phân biệt vùng, miền. Trên thực tế, mỗi lần tiếp nhận chiến sĩ mới, chẳng riêng gì ở Sư đoàn 371, mà tất cả các đơn vị khác trong toàn Quân chủng đều tuyển quân từ ba, bốn địa phương trên cả nước. Nhiều năm trước đây, ở một số đơn vị đã không tránh khỏi tình trạng cục bộ. Để chấm dứt tình trạng này, các đơn vị huấn luyện tân binh đã phân chia xen kẽ quân số giữa các địa phương trong mỗi tiểu đội, trung đội và có sự giáo dục kịp thời về tình đồng chí, về tinh thần đoàn kết. Qua một thời gian “3 cùng”, hầu hết đã hòa hợp, dường như không còn phân biệt quê quán. Thiếu tá Nguyễn Văn Cường chia sẻ thêm, bên cạnh quê quán thì yếu tố gia đình cũng tác động không nhỏ. Bây giờ, mỗi nhà chỉ có từ một đến hai con nên hầu hết các cháu đều được chiều chuộng. Có chiến sĩ thời gian đầu chưa thích hợp với cuộc sống quân ngũ, đã không khỏi chán nản. Với đối tượng này, bao giờ cách giáo dục bằng thuyết phục cũng phải được đặt lên hàng đầu. Trong cẩm nang của những người chèo đò, “mưa dầm, thấm lâu” là phương pháp luôn được coi trọng.

Với những tân binh, những người mới chập chững những ngày đầu tiên bước vào trường học lớn, thì những “người thầy” có vai trò vô cùng quan trọng. Những người chèo đò ấy không chỉ cần tay lái vững, kinh nghiệm vượt thác, ghềnh, mà trước hết, cần có tấm lòng của những người chị, người anh. Bởi, với cả với những chiến sĩ chỉ thực hiện xong nghĩa vụ quân sự rồi xuất ngũ hay với những người gắn bó một đời với binh nghiệp thì cho đến lúc về già, dường như kí ức về thuở binh nhì vẫn luôn mang những dấu ấn thật sâu sắc…

HỒNG LINH

>>> Kỳ cuối: Những người lính già và kí ức thuở binh nhì

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website