9 giờ:7 phút Thứ năm, ngày 11 tháng 1 , 2018

10 vấn đề - sự kiện quân sự thế giới nổi bật năm 2017

Năm 2017, tình hình quân sự thế giới có nhiều biến động ngoài dự đoán. Sự thất bại hoàn toàn về mặt quân sự của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng; Triều Tiên thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hay việc NATO tăng cường hoạt động tập trận áp sát lãnh thổ Nga..., là một phần trong bức tranh quân sự toàn cầu năm 2017.

 Nhân dịp đầu năm mới 2018, Báo Quân đội nhân dân Điện tử xin điểm 10 vấn đề - sự kiện quân sự quốc tế nổi bật trong năm 2017.

1. Sự thất bại về mặt quân sự của IS

Năm 2015, IS nổi lên và được biết tới là tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất thế giới, kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn tại Iraq và Syria. Nhưng tình thế đã đảo chiều trong năm 2017, trước sự tấn công của lực lượng chính phủ Iraq và Syria, IS từng bước mất quyền kiểm soát phần lớn các vùng lãnh thổ kiểm soát. Các kênh bán dầu tại Iraq và Syria vốn là nguồn cung tài chính quan trọng cho IS bị phá hủy. Thất bại quan trọng trên chiến trường trước sự tấn công liên tục của lực lượng chính phủ Iraq và Syria đã đẩy IS đến bên bờ sụp đổ.

10 vấn đề - sự kiện quân sự thế giới nổi bật năm 2017
Lực lượng chính phủ Syria đánh bại IS ở thành trì cuối cùng tại Dier ez Zor. Ảnh: SANA

Tháng 11-2017, IS đã mất quyền kiểm soát trung tâm dân cư cuối cùng tại Syria tại Al-Buknal.

Sự kiện cùng với sự thất bại của IS tại Lybia, Afghanistan và nhiều khu vực khác trên thế giới đã đánh dấu sự lụi tàn của tổ chức khủng bố cấp nhà nước này. Dù chưa bị tiêu diệt hoàn toàn, nhưng IS đã không có đủ nguồn lực để trỗi dậy như trong quá khứ.

2. Nga rút quân khỏi Syria

Nga bắt đầu chiến dịch quân sự chống khủng bố tại Syria từ ngày 30-9-2015 theo đề nghị chính thức của Damascus. Sau 2 năm tham chiến tại Syria, lực lượng quân sự Nga đã giúp Damascus thay đổi cục diện chiến trường. Nếu năm 2015, chính phủ Syria chỉ còn kiểm soát 5% vùng lãnh thổ, thì tới năm 2017, con số này đã nâng lên 70% và Damascus đã đủ khả năng làm chủ tình hình trong nước.

10 vấn đề - sự kiện quân sự thế giới nổi bật năm 2017
Lực lượng quân sự Nga rút quân về nước sau 2 năm tham chiến tại Syria. Ảnh: TASS.

Cùng với đó, chiến dịch quân sự của Nga đã hỗ trợ lực lượng chính phủ Syria tiêu diệt phần lớn lực lượng khủng bố IS và thánh chiến nước ngoài tại Syria.

Tới ngày 2-11-2017, trong bài phát biểu tại căn cứ không quân Hmeymin tại Syria, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố quyết định rút toàn bộ lực lượng quân sự Nga tại Syria về nước. Quyết định trên của Moscow là bước đi chính trị hợp lý để mở đường cho việc giải quyết dứt điểm cuộc nội chiến tại Syria bằng con đường đàm phán hòa bình.

3. Mỹ-Hàn tập trận không quân quy mô lớn nhất trong lịch sử

Với lý do CHDCND Triều Tiên thực hiện các vụ phóng thử tên lửa, đầu tháng 12-2017, lực lượng quân đội Mỹ và Hàn Quốc đã tiến hành vụ tập trận không quân quy mô nhất từ trước tới nay giữa hai nước với tên gọi “Át chủ bài cảnh giác” (Vigilant Ace).

10 vấn đề - sự kiện quân sự thế giới nổi bật năm 2017
Lực lượng Mỹ-Hàn tham gia cuộc tập trận Vigilant Ace. Ảnh: AP

Tham gia cuộc tập trận có hơn 12.000 binh sĩ, 230 máy bay quân sự và nhiều phương tiện chiến đấu hiện đại khác của hai bên. Tại cuộc tập trận diễn ra từ ngày 4 tới ngày 8-12, Mỹ cũng tung vào trận các dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-22 Raptor, F-35 Lightning II. Cuộc tập trận mô phỏng kịch bản thực hiện các cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào các vị trí chiến lược, hạt nhân của đối phương.

Liên quan tới cuộc tập trận trên, CHDCND Triều Tiên ra tuyên bố rằng cuộc tập trận là “sự khiêu khích toàn lực và công khai nhằm vào Triều Tiên, có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân bất cứ lúc nào”.

4. Một năm nhiều sự kiện với Quân đội Mỹ

Năm 2017 đánh dấu một năm nhiều sự kiện đối với quân đội quy mô nhất thế giới. Trong năm nay, Hải quân Mỹ tiếp nhận hàng loạt chiến hạm tối tân và đắt đỏ mới như: Tàu sân bay lớp Gerald Ford đầu tiên, khu trục hạm khổng lồ lớp Zumwalt DDG-1001. Cùng với đó, năm 2017 cũng là một năm, Hải quân Mỹ gặp nhiều “vận hạn” khi liên tiếp các khu trục hạm hiện đại với hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis va chạm với tàu dân sự tại Philippines và Nhật Bản. Những sự kiện này đã tạo ra sự hoài nghi về khả năng sẵn sàng chiến đấu của Hải quân Mỹ.

10 vấn đề - sự kiện quân sự thế giới nổi bật năm 2017
Tàu sân bay USS Gerald R. Ford. Ảnh: Defense News.
10 vấn đề - sự kiện quân sự thế giới nổi bật năm 2017
USS Fitzgerald bị hư hại nặng sau khi va chạm với tàu hàng. Ảnh: Reuters.

Năm 2017 cũng là lần đầu tiên đánh dấu việc Mỹ triển khai tổ hợp tên lửa đánh chặn Tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35 Lightning II ra nước ngoài. Tuy nhiên, 2017 cũng là năm giới chuyên gia quân sự đặt nghi vấn về hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ khi tổ hợp tên lửa Patriot vốn được giới chức quân sự Mỹ khẳng định có tỷ lệ đánh chặn thành công rất cao, nhưng tại Saudi Arabia lại nhiều lần thất bại do không ngăn được tên lửa đạn đạo phóng tới từ Yemen.

10 vấn đề - sự kiện quân sự thế giới nổi bật năm 2017
Tổ hợp tên lửa phòng không PAC-3 Patriot. Ảnh: NI

Năm 2017, cũng đánh dấu việc Quân đội Mỹ khởi động hàng loạt chương trình vũ khí tương lai, trong đó đáng kể nhất là gói nâng cấp xe tăng chiến đấu Abrams, tàu ngầm chiến lược thế hệ mới lớp Colombia và các dòng vũ khí năng lượng cao…

5. CHDCND Triều Tiên thử thành công ICBM

Vụ thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-14 hôm 29-11 đã đánh dấu việc CHDCND Triều Tiên đã sở hữu công nghệ tên lửa có khả năng vươn tới vùng lãnh thổ lục địa của Mỹ bên kia bờ đại dương.

10 vấn đề - sự kiện quân sự thế giới nổi bật năm 2017
Tên lửa ICBM Hwasong-15. Ảnh: Defense News.

Giới chuyên gia nhận định tên lửa Hwasong-15 mang nhiều đặc điểm được cải tiến vượt trội so với các mẫu tiền nhiệm, thể hiện sự phát triển nhanh chóng trong chương trình tên lửa, hạt nhân của Bình Nhưỡng. Với tầm bắn ước tính tới 13.000km và con số này có thể bị rút ngắn khoảng 20-30% khi mang đầu đạn, Hwasong-15 vẫn đủ khả năng vươn tới New York và thủ đô Washington DC của Mỹ.

Vụ phóng tên lửa Hwasong-14 cũng đánh dấu việc Triều Tiên lọt vào danh sách số ít quốc gia trên thế giới có đủ khả năng chế tạo ICBM.

6. Căng thẳng leo thang giữa Qatar và các quốc gia GCC

Cuộc khủng hoảng giữa Qatar và các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) bùng phát từ đầu tháng 6-2017 vừa qua, với việc các nước này quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao và các tuyến vận tải với Qatar do cáo buộc Doha hỗ trợ khủng bố. Tuy nhiên, Qatar đã bác bỏ mọi cáo buộc.

10 vấn đề - sự kiện quân sự thế giới nổi bật năm 2017

Tình hình khu vực vùng Vịnh đang trở nên căng thẳng, khi Qatar có những động thái được cho là ủng hộ Iran / Reuters.

GCC chỉ trích Qatar và cho rằng nước này có các hoạt động hỗ trợ về chính trị, truyền thông và tài chính cho các phe nhóm chính trị chống đối, cực đoan ở Libya, Ai Cập, Syria, Yemen và Tunisia, mở rộng đến khu Trung Á, Bắc Phi, vùng Sừng châu Phi và thậm chí ngay tại các quốc gia vùng Vịnh.

Đây là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua giữa các quốc gia tại vùng Vịnh. Kuwait hiện đang nỗ lực làm trung gian hòa giải, song căng thẳng vẫn chưa có lối thoát sau 3 tháng bùng phát, trong bối cảnh các bên không thỏa hiệp hay nhượng bộ.

Giới phân tích đánh giá, căng thẳng giữa Qatar và GCC leo thang có nguyên nhân chính từ mối quan hệ phức tạp về kinh tế với Iran, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Đây là “giọt nước làm tràn ly” khi vào năm 2014, quan hệ giữa Qatar và GCC đã nguội lạnh do Doha hỗ trợ nhóm “Anh em hồi giáo” và Hamas…

7. Nhật Bản quyết định triển khai tổ hợp tên lửa đánh chặn Aegis Ashore

Việc Nhật Bản lựa chọn Aegis Ashore (phiên bản trên bộ của tổ hợp tên lửa đánh chặn Aegis trang bị trên các chiến hạm Hải quân Nhật và Mỹ) được coi là bước đi hợp lý của Tokyo, khi có thể tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa quốc gia với chi phí hợp lý và đồng bộ được khả năng phòng thủ chống lại các dòng tên lửa tầm trung, xa giữa Aegis Ashore và các tổ hợp Aegis trang bị trên hạm của hải quân nước này. Ngoài ra, việc triển khai Aegis Ashore cũng giúp Nhật Bản tận dụng được công nghệ ra-đa và đạn tên lửa sẵn có để tăng khả năng tích hợp sâu vào hệ thống phòng thủ tên lửa hợp nhất của đảo quốc mặt trời mọc.

10 vấn đề - sự kiện quân sự thế giới nổi bật năm 2017
Tổ hợp tên lửa đánh chặn Aegis Ashore. Ảnh: Defense News.

Cụ thể, ở giai đoạn đầu, sẽ có ít nhất 2 tổ hợp Aegis Ashore sẽ được triển khai ở những cơ sở của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và chủ yếu sẽ do Lực lượng phòng vệ trên bộ của Nhật vận hành.

Theo tuyên bố của Tokyo, hệ thống phòng thủ tên lửa trên mặt đất được thiết kế bảo vệ đất nước và các công dân Nhật Bản sẽ do Nhật Bản quản lý và không đe dọa các nước láng giềng.

8. Trung Quốc tiếp nhận máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 J-20

Theo các thông tin công khai, trong tháng 3-2017, Trung Quốc đã chính thức tiếp nhận và đưa vào biên chế dòng máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 J-20. Máy bay tiêm kích thế hệ mới của Trung Quốc được cho là áp dụng sâu công nghệ tàng hình và giúp Bắc Kinh rút ngắn khoảng cách công nghệ với các siêu cường trên thế giới.

10 vấn đề - sự kiện quân sự thế giới nổi bật năm 2017
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 J-20. Ảnh: Defense News.

J-20 được giới thiệu trước công chúng và truyền thông vào mùa Thu năm 2016 trong khuôn khổ triển lãm hàng không Airshow China 2016, tại thành phố Chu Hải, tỉnh Quảng Đông. Trong chuyến bay thử kéo dài vài phút, nguyên mẫu J-20 chưa thể hiện được các tính năng kỹ-chiến thuật đặc biệt của dòng máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5.

Sau sự xuất hiện của J-20, giới phân tích quốc tế đặt nhiều hoài nghi năng lực công nghệ hàng không của Trung Quốc áp dụng trên J-20 đã đủ để nó đứng chung với các dòng máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 khác như F-22, F-35, Su-57 trên thế giới…

9. NATO tăng cường các hoạt động quân sự áp sát biên giới Nga

Báo cáo của Bộ Quốc phòng Nga năm 2017 nêu rõ, NATO đã tiến hành hơn 30 cuộc tập trận thường niên áp sát biên giới phía Tây của Nga; lực lượng quân sự thường trú của NATO gần biên giới Nga đã tăng lên gấp 3, khoảng 40.000 lính… Điều này đã buộc Moscow phải có biện pháp đối phó. Thậm chí, Moscow khẳng định có thể tăng cường lực lượng quân sự tại vùng Kaliningrad để đối phó với tình huống này.

10 vấn đề - sự kiện quân sự thế giới nổi bật năm 2017
Một cuộc tập trận của NATO tại vùng Baltic áp sát biên giới Nga. Ảnh: Reuters.

Theo đánh giá của giới chuyên gia quân sự quốc tế, Mỹ và phương Tây đang cố gắng thổi phồng cái gọi là “mối đe dọa xâm lược từ Nga” để tăng cường lực lượng và hoạt động quân sự áp sát biên giới Nga. Động thái này như một hành động gây sức ép với mong muốn buộc Moscow phải có những nhượng bộ về vấn đề Ukraine và tại nhiều khu vực điểm nóng khác.

10. Xu hướng mới của thị trường của thị trường vũ khí toàn cầu

Năm 2017 đánh dấu một xu hướng mới trong thị trường vũ khí toàn cầu, đó là việc nhiều quốc gia vốn là khách hàng truyền thống của các tổ hợp công nghiệp quốc phòng Mỹ tại nhiều khu vực trên thế giới đã chuyển sang chọn các dòng vũ khí, trang bị quân sự do Nga sản xuất.

10 vấn đề - sự kiện quân sự thế giới nổi bật năm 2017
Xe tăng T-90MS đang nhận được sự quan tâm từ nhiều quốc gia Cận Đông, nơi vốn có truyền thống mua sắm vũ khí, trang bị từ Mỹ. Ảnh: TASS.

Đánh giá về xu hướng này, giới chuyên gia quân sự quốc tế nhận định, ngoài vũ khí, trang bị quân sự Nga được chọn chính nhờ kết quả của cuộc chiến chống khủng bố Moscow tiến hành tại Syria. Hàng loạt khí tài quân sự mới của Nga đã được “thử lửa” tại Syria và khẳng định được tính năng chiến đấu của mình. Mặt khác, trên thị trường thế giới, vũ khí, trang bị quân sự Nga luôn có giá thành phải chăng hơn so với sản phẩm cùng loại của Mỹ và phương Tây.

Một điểm khác biệt lớn nữa làm nên sức hút của vũ khí, trang bị quân sự Nga trên thị trường quốc tế là việc các hợp đồng cung cấp vũ khí thường không gắn liền với các điều kiện chính trị như các hợp đồng quân sự với Mỹ và phương Tây. Ngoài ra, nhiều quốc gia lựa chọn vũ khí Nga để cân bằng chiến lược an ninh quốc gia với các siêu cường trên thế giới.

Năm 2017 cũng đánh dấu sự phát triển nở rộ của xu hướng phát triển phương tiện chiến đấu không người lái dành cho cả hải-lục-không quân trên thế giới. Đây có thể coi như “cuộc cách mạng 4.0” trong lĩnh vực vũ khí trang bị. Việc áp dụng sâu các công nghệ hiện đại giúp tăng hiệu quả chiến đấu, cũng như thương vong cho người lính trên chiến trường đang tạo ra cuộc cách mạng trong tác chiến hiện đại.

10 vấn đề - sự kiện quân sự thế giới nổi bật năm 2017
Thiết bị lặn Status-6. Ảnh: warfare.ru.

Định hướng phát triển phương tiện tác chiến không người lái đã được thấy rõ qua chương trình Status-6 của Nga, Echo Voyager của Mỹ; Nga thử nghiệm các phương tiện chiến đấu không người lái tại Syria; Mỹ tập trung phát triển công nghệ máy bay không người lái…

Theo qdndvn
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website