10 giờ:49 phút Thứ hai, ngày 17 tháng 9 , 2018

Khắc phục khó khăn, chủ động ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn

Những năm qua, cấp độ rủi ro thiên tai ở Việt Nam ngày càng gia tăng cả về quy mô cũng như chu kỳ lặp lại, kèm theo những đột biến khó lường xảy ra trên khắp cả nước, làm thiệt hại nặng nề về người, tài sản, các cơ sở hạ tầng về kinh tế, văn hóa xã hội của Nhà nước, Quân đội và nhân dân. Với lực lượng và phương tiện trang bị hiện đại, Quân chủng PK-KQ có nhiều thuận lợi khi tham gia ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (SCTT, TKCN). Tuy nhiên, lực lượng TKCN của Quân chủng chủ yếu là lực lượng kiêm nhiệm, số lượng máy bay chuyên dụng cứu hộ, cứu nạn và các phương tiện TKCN còn thiếu, chưa đồng bộ; việc chỉ huy, dẫn dắt máy bay hoạt động trong điều kiện khí tượng phức tạp còn hạn chế... do vậy, đã ảnh hưởng lớn đến quá trình thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, nhất là trong điều kiện khí tượng phức tạp và biển xa.

Khắc phục khó khăn, chủ động ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
Trung đoàn 917, Sư đoàn 370 bay cấp cứu vận chuyển bệnh nhân
từ đảo xa về đất liền.
Ảnh: CÔNG GIANG

Tại Hội nghị tổng kết 5 năm (2013-2018) công tác ứng phó SCTT, TKCN của Quân chủng diễn ra tại Hà Nội vừa qua, đại biểu đến từ các cơ quan, đơn vị trong Quân chủng đã thảo luận và nêu lên một số khó khăn, bất cập trong thực tế khi thực hiện nhiệm vụ ứng phó SCTT, TKCN.

Là đơn vị đóng quân trên địa bàn thường xuyên xảy ra mưa lũ, sạt lở đất hay cháy rừng; cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 363 thường xuyên phải cơ động lực lượng giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai. Theo Đại tá Phan Văn Khang - Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 363, công tác tham gia ứng phó SCTT, TKCN của Sư đoàn gặp nhiều khó khăn. Đó là bởi lực lượng tham gia không được đào tạo chuyên môn nên nhiều lúc xử lý còn lúng túng. Bên cạnh đó, phương tiện, trang bị chuyên dụng tham gia ứng phó SCTT, TKCN còn thiếu và yếu, chủ yếu là dụng cụ thô sơ, không đồng bộ, dễ xảy ra mất an toàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Còn Đại tá Đỗ Thanh Hồng - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 917, Sư đoàn 370 cho biết: “Tôi đã trực tiếp tham gia nhiệm vụ bay TKCN trên biển, bay cấp cứu vận chuyển bệnh nhân ở đảo xa nhiều lần. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, tôi nhận thấy trang bị y tế, cấp cứu trên máy bay còn thiếu, chủ yếu là trang bị y tế do cán bộ y tế của Bệnh viện Quân y 175 bảo đảm, nên trong những tình huống cấp bách rất khó để cơ động thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, các phi công khi bay cấp cứu vận chuyển bệnh nhân, cũng không có các trang bị y tế để phòng ngừa những bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp. Điều này dễ làm ảnh hưởng đến tâm lý của phi công khi thực hiện nhiệm vụ”.

Đồng tình với ý kiến trên, Đại tá Nguyễn Hoài Thủy - Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 918, cho biết thêm về những bất cập trong công tác hiệp đồng giữa các lực lượng trong công tác TKCN trên biển. Đại tá Nguyễn Hoài Thủy đã lấy dẫn chứng: “Trong cuộc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích MH-370, công tác tổ chức, điều hành giữa các lực lượng còn chồng chéo, có nhiều loại máy bay tham gia TKCN với trần bay, phạm vi hoạt động khác nhau, nhiều kênh thông tin liên lạc... dẫn đến những khó khăn khi chỉ huy, dẫn dắt máy bay thực hiện nhiệm vụ, nghiêm trọng hơn là có thể xảy ra uy hiếp an toàn bay”.

Trước những khó khăn đó, trong những năm qua, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, TKCN Quân chủng đã có nhiều biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác ứng phó SCTT, TKCN. Đại tá Lê Đức Minh - Trưởng Phòng Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tham mưu Quân chủng, cho biết: “Trước hết, chúng tôi chú trọng công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong công tác phòng chống, khắc phục SCTT, cứu hộ cứu nạn, PCCN, cháy rừng… coi đó là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình của Quân đội. Với cơ cấu tổ chức, lực lượng đóng quân trên khắp cả nước, Quân chủng thường xuyên duy trì lực lượng, phương tiện trực 24/24 giờ phòng chống thiên tai và TKCN, PCCN, cháy rừng ở các cấp, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh; xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó với các tình huống, triển khai hướng dẫn cho các đầu mối trong Quân chủng. Bên cạnh đó, đã chú trọng đến công tác huấn luyện đào tạo, diễn tập, bảo đảm đúng, đủ chương trình, nội dung, thời gian theo quy định đến khâu tổ chức thực hành; luôn bám sát phương châm “4 tại chỗ” và tư tưởng chỉ đạo “Chủ động phòng, tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục nhanh, có hiệu quả, trong đó lấy phòng tránh là chính”.

Từ năm 2013 đến nay đã có 34 cơn bão và 8 đợt áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến thời tiết nước ta, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với cuộc sống của người dân. Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ chủ động, tích cực trong công tác ứng phó SCTT, TKCN, Quân chủng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện hơn 82.000 ngày công tham gia giúp nhân dân vùng lũ, khắc phục hậu quả thiên tai; huy động gần 9.000 cán bộ, chiến sĩ tham gia chữa cháy rừng giúp địa phương và vành đai khu vực đóng quân; chỉ đạo các đơn vị không quân sử dụng lực lượng hơn 6.200 lượt người; máy bay các loại 50 lần chiếc, bay cấp cứu 16 đợt từ các đảo xa về đất liền an toàn; bay tìm kiếm cứu nạn tàu thuyền, bay thông báo bão…

Đó là những kết quả đáng khích lệ, được các cơ quan cấp trên ghi nhận và biểu dương. Sự chủ động, tích cực của các cơ quan, đơn vị trong Quân chủng trong công tác SCTT, TKCN trên địa bàn đóng quân đã để lại những hình ảnh tốt đẹp về “Người chiến sĩ PK-KQ ưu tú” trong lòng nhân dân.

THÁI SƠN

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website