10 giờ:19 phút Chủ nhật, ngày 8 tháng 3 , 2020

Lương tâm, trách nhiệm trong các chuyến bay cấp cứu biển xa:

Bài 2: Lương tâm, trách nhiệm trong từng chuyến bay

Sáng 17-11-2017, ở khu vực TP Hồ Chí Minh trời mưa lớn, tại Sân bay Tân Sơn Nhất, lực lượng thường trực ở đất liền nóng lòng chờ đợi chiếc máy bay Mi-171 của Trung đoàn 917 bay cấp cứu ngư dân Lê Văn Hải từ đảo Sinh Tồn (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) về đất liền để điều trị.

 Bài 2: Lương tâm, trách nhiệm trong từng chuyến bay
Cán bộ, nhân viên Sư đoàn 370 tham gia chuyển bệnh nhân từ trực thăng
về Bệnh viện Quân y 175 cấp cứu.

Trong cơn giông mịt mù, khi mọi người nhìn rõ hình chiếc máy bay, thì nó đã ở rất gần bãi đáp. Thấy trực thăng hạ cánh, người và phương tiện thường trực tại sân bay ùa ra sân đỗ mặc cho trời vẫn mưa xối xả. Cánh cửa máy bay bật mở, tổ bay và nhân viên y tế nhanh chóng chuyển bệnh nhân xuống. Mỗi người một việc nhanh chóng đưa bệnh nhân lên xe cứu thương của Bệnh viện Quân y 175 đang chờ sẵn. Đó là hình ảnh thường thấy tại Sân bay Tân Sơn Nhất khi các tổ bay của Trung đoàn 917 thực hiện các chuyến bay cấp cứu biển xa.

Đại tá Đỗ Thanh Hồng - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 917, cho biết: “Trong những năm qua, Trung đoàn đã thực hiện rất nhiều chuyến bay tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu trên các vùng biển, đảo phía Nam của Tổ quốc. Trong những chuyến bay đó, có những chuyến bay đến những đảo xa như đảo Song Tử Tây (thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), với chặng bay hơn 1.600km. Những chuyến bay nhanh chóng, kịp thời đã góp phần không nhỏ đến việc cứu sống các bệnh nhân nặng, tiếp thêm niềm tin, động lực cho cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên các đảo xa và ngư dân đang ngày đêm bám biển ngoài khơi”.

Theo thống kê của Trung đoàn 917, từ năm 2013 đến nay, đơn vị đã thực hiện thành công hơn 20 chuyến bay cấp cứu bệnh nhân trên biển xa. Tham gia thực hiện các chuyến bay cấp cứu ở biển đảo xa xôi thường là các tổ bay, phi công lái chính dày dạn kinh nghiệm bay biển. Trong đó có thể kể đến các phi công lão luyện như: Đại tá Đỗ Thanh Hồng - Trung đoàn trưởng; Thượng tá Nguyễn Đăng Nam - Chính ủy Trung đoàn; Thượng tá Phạm Huy Bình - Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng; Trung tá Ngô Hồng Sơn - Phó Trung đoàn trưởng Quân huấn; Thiếu tá Trương Thanh Bình - Phi đội trưởng Phi đội 1; Thiếu tá Trần Minh Phú - Phi đội trưởng Phi đội 2... Không chỉ có bản lĩnh, kinh nghiệm, trình độ bay biển dày dạn, mà để thực hiện tốt các chuyến bay cấp cứu biển xa, mỗi cán bộ, phi công, nhân viên tổ bay còn cần có một trái tim dũng cảm, một bản lĩnh vững vàng và có tình thương, trách nhiệm lớn lao đối với đồng chí, đồng đội và nhân dân. Bởi, các chuyến bay cấp cứu biển xa thường diễn ra trong nhiều giờ liên tục, điều kiện khí tượng thay đổi bất thường và nhanh chóng, nhất là những chuyến bay trong điều kiện áp thấp nhiệt đới, mưa gió lớn, biển động gây ra rất nhiều khó khăn, nguy hiểm cho tổ bay và kíp y tế cấp cứu.

Chuyến bay cấp cứu Đại úy QNCN Trần Văn Đinh từ đảo Song Tử Tây về đất liền vào ngày 21-8- 2016 là một trong những hành trình cấp cứu đầy khó khăn đối với tổ bay Trung đoàn 917. Do tình trạng hiểm nghèo của bệnh nhân nên ngay sau khi nhận được chỉ thị của cấp trên, dù mới quá nửa đêm, nhưng các thành viên tổ bay đã phải thức dậy làm công tác chuẩn bị để sáng sớm hôm sau có thể cất cánh ngay được. Hôm đó thời tiết không thuận lợi do vùng biển phía Nam đang chịu tác động của cơn bão số 3. Hơn nữa, trong quá trình bay, bệnh nhân có biểu hiện ngưng tim, ngưng thở, các y bác sĩ đã phải tiến hành các biện pháp cấp cứu khẩn cấp. Để hỗ trợ cấp cứu bệnh nhân, tổ bay được đề nghị bay thấp, bay chậm để giảm áp suất khí quyển và hạn chế rung xóc. Trong điều kiện biển động sóng cao, tầm nhìn hạn chế, việc bay thấp thật sự nguy hiểm nên tổ bay phải rất thận trọng. Thường thì mỗi lần bay, tổ bay chỉ bay khoảng từ 5 đến 7 giờ, nhưng lần đó tổ bay của Trung đoàn 917 phải bay liên tục trong 8 giờ liền. Hay như chuyến bay cấp cứu bệnh nhân Lê Văn Hải từ đảo Sinh Tồn về đất liền cũng là chuyến bay khó khăn, phức tạp do thời tiết ngoài khơi và cả trên đất liền đều diễn biến phức tạp, khoảng cách bay xa, cả chặng đi và về máy bay bay đều phải hạ cánh trên đảo Trường Sa lớn để tiếp dầu... Mặc dù gặp muôn vàn những khó khăn khác nhau trong các chuyến bay cấp cứu biển xa, nhưng những người lính không quân 917 luôn biết cách vượt lên hoàn cảnh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đưa bệnh nhân về đất liền đảm bảo an toàn tuyệt đối.

 Thượng tá Nguyễn Đăng Nam - Chính ủy Trung đoàn 917, khẳng định: “Cùng với nhiệm vụ huấn luyện, trực SSCĐ, bay cấp cứu biển xa đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng của đơn vị. Đây không chỉ là nhiệm vụ chính trị đơn thuần, mà còn là hành động theo tiếng gọi của lương tâm, tình thương và trách nhiệm. Mỗi một chuyến bay thành công, mỗi bệnh nhân được cứu sống đã mang đến cho cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 917 niềm hạnh phúc và sự động viên khích lệ lớn lao, đó là động lực tinh thần giúp chúng tôi vượt lên những gian khổ, hi sinh, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.

CÔNG GIANG, THÀNH TRUNG

 >>> Bài cuối: Nhiệm vụ thiêng liêng của các chiến sĩ quân y

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website