Tình yêu với báo chí
Năm 2017, tốt nghiệp trường Sĩ quan Chính trị, tôi được phân công về Trung đoàn 274, Sư đoàn 377 nhận công tác. Là sĩ quan mới ra trường nên trong thực hiện nhiệm vụ tôi còn nhiều bỡ ngỡ và gặp không ít khó khăn; mặt khác thực tiễn ở đơn vị cơ sở đặt ra yêu cầu cao, nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu khẩn trương dẫn tới căng thẳng, vất vả là điều không thể tránh khỏi. Do vậy, công tác tư tưởng luôn đặt ra câu hỏi đối với người chính trị viên là cần phải làm gì và làm như thế nào để bộ đội yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị? Từ những trăn trở trong thực hiện nhiệm vụ, tình yêu báo chí đến với tôi lúc nào không hay.
Các học viên Lớp tập huấn cộng tác viên Báo PK-KQ thực hành tác nghiệp
tại Tiểu đoàn 88, Trung đoàn 274, Sư đoàn 377. Ảnh: THÀNH TRUNG
Đọc báo và định hướng tư tưởng, hướng dẫn hành động là một trong những nội dung mà đơn vị thường xuyên thực hiện, nhằm cung cấp và định hướng thông tin kịp thời, chính xác cho bộ đội, đặc biệt trước những vấn đề nhạy cảm, phức tạp. Nhưng hiệu quả của công tác định hướng tư tưởng lại phụ thuộc vào kiến thức và phương pháp truyền đạt của người cán bộ chính trị. Do vậy, trước khi đọc báo, tôi thường xuyên sàng lọc trước những nội dung cần đọc phù hợp với trình độ, tâm lý của bộ đội, từ đó nghiên cứu và tiếp tận nhiều thông tin qua nhiều khía cạnh ở nhiều tờ báo khác nhau. Ngoài các tờ báo theo quy định đơn vị được cấp như: Quân đội nhân dân, PK-KQ, Nhân dân, Tiền phong… tôi còn tìm hiểu thêm thông tin trên Internet và các tờ báo địa phương như: Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên… là quê hương của bộ đội. Với phương châm “Đọc cho bộ đội nghe, nghe bộ đội nói, nói để bộ đội hiểu”, 15 phút đọc báo trong đơn vị đã không còn nhàm chán như trước, bộ đội hứng khởi tiếp nhận thông tin, từ đó xây dựng nhận thức đúng đắn trong tập thể quân nhân, giúp bộ đội yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị.
Qua thực hiện chức trách, nhiệm vụ của người chính trị viên, những trang báo với tôi dần trở nên quen thuộc như người bạn đồng hành không thể thiếu, giúp cán bộ và chiến sĩ có thể gần gũi trao đổi mỗi ngày, cùng với niềm đam mê với chiếc máy ảnh và những kỹ năng chụp ảnh được học tại trường, tôi tự tin cho ra đời những tấm hình ưng ý, đó là động lực để niềm đam mê báo chí cứ lớn dần.
Làm bất cứ công việc gì đầu tiên cũng gặp không ít khó khăn, khi trực tiếp suy nghĩ và đặt ngòi bút trên trang giấy cũng như vậy, tôi phát hiện ra nhiều vấn đề cần được giải quyết: Viết gì? Viết cho ai? Viết như thế nào?… Trong khi đó, yêu cầu văn phong báo chí phải trong sáng, chính xác, ngắn gọn mà truyền tải đầy đủ nội dung. Khi đã xác định được chủ đề viết, suy nghĩ trong tôi phải khai thác nội dung ra sao, ở khía cạnh nào để phản ánh thực chất nhất, vừa hấp dẫn, thu hút người đọc vừa không xa rời thực tế. Quá trình viết có những lúc tưởng chừng đi vào ngõ cụt vì “cạn kiệt” vốn từ hoặc cũng có trường hợp rơi vào tình trạng lan man, dàn trải về nội dung nhưng lại không thể lột tả hết những vấn đề cần phản ánh tới người đọc. Mặt khác, không phải chủ đề nào quyết tâm viết cũng cho ra đời “trái ngọt”, có khi phải mất 2 đến 3 ngày mới hoàn thành được nội dung của bài, thậm chí có những chủ đề buộc phải bỏ ngỏ vì “quá sức” hoặc thiếu thốn tư liệu.
Với suy nghĩ “Trên con đường thành công không có dấu chân của những người lười biếng”, tôi đầu tư thời gian nhiều hơn để học cách viết báo, cộng với những kinh nghiệm trong quá trình tiếp xúc với báo hằng ngày, những lời ủng hộ, động viên của đồng đội là nguồn động lực để tôi thực hiện đam mê, tiếp tục dùng ngòi bút của mình để phản ánh đời sống và hoạt động của đơn vị. Niềm vui đã đến khi một số bài viết của tôi được đăng trên Báo Quân đội nhân dân, Báo PK-KQ; đó là kỷ niệm khó quên khi tình yêu báo chí chớm nở trong tôi đạt được một số kết quả tạo nên sự phấn khởi ban đầu.
Dẫu biết rằng viết báo có nhiều thử thách, khó khăn và phải luôn đề cao trách nhiệm khi cầm bút, nhưng tôi thấy rằng đó là niềm tự hào khi đọc những tác phẩm của chính mình cho bộ đội và mang đến cho bạn đọc hình ảnh chân thực, chính xác về đời sống và hoạt động của “Bộ đội Cụ Hồ” nói chung và “Người chiến sĩ PK-KQ ưu tú” nói riêng.
ĐÀO CÔNG LUẬN