Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Bộ đội Phòng không-Không quân
Trên cương vị Tổng tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn giành sự quan tâm đặc biệt cho Bộ đội Phòng không-Không quân (PK-KQ). Đó là nguồn cổ vũ, động viên giúp lực lượng bảo vệ bầu trời vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ; mưu trí, dũng cảm, sáng tạo và lập nhiều chiến công xuất sắc trong chiến đấu.
Trong các dịp gặp mặt bạn chiến đấu, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Khắc Điền và Nguyễn Văn Thuần, nguyên chiến sĩ Đại đội 7, Trung đoàn Pháo phòng không 220 (Đoàn sông Đuống), cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm đáng nhớ những lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuống thăm, kiểm tra đơn vị. CCB Nguyễn Khắc Điền kể: Đầu năm 1964, không quân Mỹ tăng cường tuần thám ngoài Vịnh Bắc Bộ và tiến hành ném bom gần biên giới Việt-Lào, gây sức ép với miền Bắc Việt Nam từ phía Tây.Trước tình hình đó, cuối tháng 3-1964, Bộ Tổng Tham mưu ra lệnh báo động sẵn sàng chiến đấu lực lượng phòng không toàn miền Bắc. Chiều 7-5-1964, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến kiểm tra công tác chuẩn bị chiến đấu của Đại đội 7, đang làm nhiệm vụ bảo vệ Hà Nội. Cán bộ, chiến sĩ đã tập trung đầy đủ tại hội trường đơn vị, Tổng tư lệnh bước vào từng loạt pháo tay vang lên, Đại tướng ra hiệu dừng lại, giơ tay xem đồng hồ rồi nói: “Bây giờ là đúng 17 giờ 30 phút. Tôi chọn giờ này đến thăm các đồng chí là có lý do. Đúng giờ này cách đây 10 năm, quân đội viễn chinh Pháp cùng tên tướng De Castries tại Điện Biên Phủ đã đầu hàng. Pháo cao xạ lúc đó còn non trẻ nhưng chiến đấu rất dũng cảm, mưu trí, đã bắn rơi nhiều máy bay địch, góp phần quan trọng vào chiến thắng Điện Biên Phủ. Rồi đây, lực lượng PK-KQ của ta sẽ phải chiến đấu với một kẻ thù mạnh hơn, tàn bạo và xảo quyệt hơn bọn Pháp trước kia. Nhưng lực lượng chiến đấu bảo vệ bầu trời của chúng ta đã phát triển hơn trước nhiều. Ngoài bộ đội cao xạ đã lớn mạnh và bộ đội ra-đa, ta còn có bộ đội không quân và hàng vạn súng trường, súng máy của dân quân tự vệ nữa. Nếu đế quốc Mỹ liều lĩnh cho máy bay xâm phạm vùng trời Tổ quốc, các đồng chí phải thực hiện được lời Bác Hồ dạy: “Phải kiên quyết bắn rơi nhiều máy bay địch”. Các đồng chí có làm được không?”.
Đại tướng vừa dứt lời, cán bộ, chiến sĩ cùng đứng dậy và đồng thanh hô vang: “Có! Chúng tôi nhất định làm được!”.
Chuyến thăm, kiểm tra của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến Đại đội 7 vào chiều 7-5 được tuyên truyền đến toàn quân chủng, tạo khí thế thi đua sôi nổi, các đơn vị pháo, ra-đa bước vào đợt huấn luyện với cường độ cao và luôn nêu cao tinh thần chiến đấu, sẵn sàng nhả đạn vào lũ “cướp trời”.
|
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân xác định phương án tác chiến đánh B52 bảo vệ Hà Nội, tháng 11-1972. Ảnh tư liệu. |
CCB Nguyễn Văn Thuần vẫn nhớ như in chuyến kiểm tra Đại đội 7 vào đầu năm 1967. Sau khi cầu Đuống bị máy bay Mỹ ném bom, Đại tướng Võ Nguyên Giáp bất ngờ vào đơn vị và giao nhiệm vụ cho đại đội: “... Tới đây cầu Đuống sẽ sửa lại, nhiệm vụ của các đồng chí là phải bảo vệ cầu không để bom Mỹ cắt đứt mạch máu giao thông quan trọng này. Nên từ bây giờ, các đồng chí phải quan tâm huấn luyện, bảo đảm sức khỏe cho anh em để tới đây chiến đấu cả ngày lẫn đêm”. Đồng chí Nghĩa, Chính trị viên Đại đội 7, thay mặt đơn vị, hứa với Đại Tướng: “Toàn thể cán bộ, chiến sĩ sẽ nêu cao quyết tâm bảo vệ cầu Đuống an toàn, tiêu diệt máy bay Mỹ trước khi chúng xâm phạm”.
|
|
Chủ tịch Tôn Đức Thắng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm, kiểm tra Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257, Sư đoàn 361 cuối tháng 12-1972. Ảnh tư liệu. |
Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên Phó cục trưởng Cục Tác chiến (Bộ Tổng Tham mưu), là một trong những tiểu đoàn trưởng tên lửa đầu tiên của Quân chủng PK-KQ và có nhiều năm được làm việc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chia sẻ rằng: “Trước mỗi trận đánh lớn hay sau những chiến công vang dội của Bộ đội PK-KQ là Đại tướng giao nhiệm vụ, động viên kịp thời, tạo niềm tin, sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ lập công”.
Trưa chủ nhật ngày 12-6-1966, nhận lệnh từ sở chỉ huy Sư đoàn 361, Trung đoàn 220 và Trung đoàn 260 bắt được mục tiêu và bắn hạ chiếc máy bay 147.J tại Chùa Thông ở thôn Hòa Mục, quận Cầu Giấy (Hà Nội), cách sở chỉ huy Sư đoàn 361 chưa đầy 100m. Đại tướng trực tiếp xuống sư đoàn nghe báo cáo trận đánh thắng. Đại tướng động viên: “Các đồng chí lần này đánh khá. Rất mong bộ đội phòng không Hà Nội phát huy được kết quả, cảnh giác cao, kiên quyết đập tan mọi thủ đoạn mới của địch”.
Trung đoàn 220 và Trung đoàn 260 được Đại tướng tặng bức trướng mang dòng chữ “Đơn vị bắn rơi máy bay không người lái đầu tiên ở Hà Nội”.
|
|
Ngày 19-4-2004, trực thăng của Quân chủng Phòng không-Không quân đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên thăm Điên Biên Phủ. Ảnh: ĐOÀN HOÀI TRUNG. |
Đêm 20, rạng sáng ngày 21-12-1972, sau khi bắn rơi máy bay B-52 trên bầu trời Hà Nội, Đại tướng đã gọi điện biểu dương cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 361. Đồng chí Tổng tư lệnh nhấn mạnh: “Cả nước đang hướng về Hà Nội, toàn thế giới đang hướng về Hà Nội. Từng giờ, từng phút Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương theo dõi và chỉ đạo chặt chẽ cuộc chiến đấu của quân và dân Thủ đô. Vận mệnh Tổ quốc đang nằm trong tay các chiến sĩ phòng không bảo vệ Hà Nội...”.
“Tất cả cán bộ, chiến sĩ sư đoàn vô cùng xúc động trước lời nhắc nhở, động viên và giao trách nhiệm nặng nề cho sư đoàn của đồng chí Bí thư Quân ủy Trung ương. Cũng ngay trong đêm đó, Sư đoàn 361 đã đánh một trận lớn, bầu trời Hà Nội liên tiếp sáng rực ánh lửa máy bay cháy, nhiều giặc lái bị bắt sống”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh nhớ lại.
Theo qdnd.vn