Những mầm xanh ở Đảo Trường Sa Lớn
Đóng quân trên Đảo Trường Sa Lớn, giữa mênh mông biển cả với khí hậu khắc nghiệt, nhưng vườn rau của Trạm Ra đa 11, Trung đoàn 292, Sư đoàn 377 vẫn luôn phát triển tươi tốt, tựa như sức sống mạnh mẽ, ý chí nỗ lực vượt khó của những người lính canh trời nơi hải đảo xa xôi.
Chiến sĩ Trạm Ra đa 11 chăm sóc rau xanh.
Với những người lính đóng quân ở Quần đảo Trường Sa, nếu được hỏi về những thứ quý giá nhất ở trên đảo, họ đều không ngần ngại chia sẻ rằng đó là rau xanh và nước ngọt. Nếu như vấn đề thiếu nước ngọt đã phần nào được giải quyết bởi ở hầu hết các đảo đều đã được trang bị hệ thống máy lọc nước biển, các bể chứa nước mưa để bảo đảm nước sinh hoạt… thì để trồng được rau xanh trên đảo là cả một sự kỳ công mà chỉ khi được “mắt thấy, tai nghe” ở Trạm Ra đa 11, chúng tôi mới hiểu phần nào nỗi vất vả của bộ đội.
Vườn rau của đơn vị có diện tích khá khiêm tốn nhưng cũng đầy đủ các loại rau, nhiều nhất là các loại rau dễ trồng, có sức sống cao như rau muống, mồng tơi, rau cải, rau đay, hệ thống giàn leo với bí, mướp… đang phát triển tươi tốt. Đại úy Hoàng Công Thịnh - Chính trị viên Trạm Ra đa 11 cho biết: “Thành phần chính trong bữa ăn hằng ngày thường là thịt hộp và rau sấy khô, do đó chúng tôi xác định phải đẩy mạnh công tác tăng gia rau xanh để bổ sung dinh dưỡng, làm phong phú thêm bữa ăn, bảo đảm cho bộ đội đủ sức khỏe thực hiện các nhiệm vụ được giao. Việc trồng rau ở trên đảo rất khó khăn, nhưng anh em đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, nâng niu chăm sóc từng ngọn rau”.
Rau xanh ở Trường Sa quý như vậy là bởi việc chăm sóc rất khó khăn, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thổ nhưỡng nghèo nàn. Đất ở trên đảo chủ yếu là đá san hô, phân chim và mùn cây nên chỉ phù hợp với các loại cây nhiệt đới như cây phong ba, xương rồng. Ở Đảo Trường Sa lớn, khí hậu chia làm hai mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa. Vào mùa khô, nắng nóng kéo dài đến tận tối, gió biển mang nhiều hơi muối khiến rau bị táp đen; còn mùa mưa, do chịu ảnh hưởng của dông bão và các đợt triều cường, rau còn khó phát triển hơn. Chỉ cho chúng tôi những vết ố trên tường nhà do triều cường để lại, Đại úy Hoàng Công Thịnh cho biết vào mùa mưa bão, những cơn sóng hung dữ lao vào đảo có thể cao đến 5-6m.
Càng thấy được những khó khăn nơi đảo xa, chúng tôi càng thêm khâm phục sự nỗ lực vượt khó và tinh thần sáng tạo của những người lính canh trời. Trước tiên, Trạm Ra đa 11 đã quy hoạch vị trí trồng rau hợp lý, cao hơn 1m so với mặt đất để tránh bị ngập úng do triều cường và xây tường bao kiên cố để hạn chế gió biển táp vào. Tận dụng những vật dụng như các ống nhựa, máng nhựa bỏ đi, bộ đội cũng làm thành các loại giàn chắc chắn để che chắn cho vườn rau. Đối với đất trồng, bên cạnh vận chuyển đất, các loại giống từ đất liền ra, cán bộ, chiến sĩ Trạm còn tích cực thu gom các loại lá cây, cỏ khô, tận dụng bã chè… để ủ thành phân hữu cơ, làm giàu dinh dưỡng cho đất. Vào mùa khô, nước ngọt có lúc thiếu, bộ đội cũng tận dụng lại nước sinh hoạt để bảo đảm đủ nước tưới cho rau.
Đại úy QNCN Nguyễn Ngọc Trưởng - Nhân viên Báo vụ, người đã có tới 4 lần ra công tác ở đảo Trường Sa lớn chia sẻ: “Chúng tôi nâng niu từng mầm rau xanh như chăm em bé vậy. Ngoài việc thường xuyên cắt cử bộ đội chăm sóc rau xanh, tùy vào diễn biến thời tiết của từng ngày, nếu có mưa to gió lớn phải tổ chức che chắn cẩn thận. Bên cạnh đó, Trạm cũng thường xuyên cử cán bộ, chiến sĩ sang các đơn vị khác trên đảo để học hỏi kinh nghiệm trồng rau xanh. Điều thuận lợi là anh em đều có nhận thức và tinh thần trách nhiệm cao để giữ cho vườn rau luôn phát triển tươi tốt”. Còn Hạ sĩ Bùi Khắc Tình - Trắc thủ Ra đa thì tâm sự: “Sau mỗi giờ canh trực vất vả trên đài, đến bữa cơm được thưởng thức món rau xanh do chính mình vun trồng là điều tuyệt vời nhất. Vì thế, ai nấy đều tích cực tăng gia rau xanh để bữa ăn thêm phần phong phú”.
Với những nỗ lực cố gắng, đến nay công tác tăng gia của Trạm Ra đa 11 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hằng năm, Trạm thu hoạch trung bình 1.300kg, qua đó cơ bản bảo đảm rau xanh cho bữa ăn của bộ đội. Có thể thấy, những mầm rau xanh ở Trường Sa không chỉ góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn, mà còn chứa đựng cả tình yêu, ý chí vươn lên của những người lính canh trời, để các anh luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, quản lý chặt chẽ vùng trời được giao ở nơi đầu sóng, ngọn gió.
Bài, ảnh: THÁI SƠN