Thượng tướng Võ Văn Tuấn với ký ức về chuyến bay đầu tiên “bắt sóng” với Trường Sa
Mỗi lần được gặp gỡ, trao đổi với Thượng tướng Võ Văn Tuấn, nguyên Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân, nguyên Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng tôi đều được nghe những câu chuyện mới và đầy cuốn hút.
Lần này, chúng tôi được nghe Thượng tướng Võ Văn Tuấn kể về chuyến bay đầu tiên của mình liên lạc với các chiến sĩ tại quần đảo Trường Sa bằng vô tuyến điện năm 1990. Với ông, đó là dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời binh nghiệp.
Vinh hạnh nhận nhiệm vụ đặc biệt
Theo Thượng tướng Võ Văn Tuấn, vào thời điểm trước năm 1990, việc liên lạc giữa Không quân và Hải quân chỉ là những thông báo ngắn. Mọi liên lạc giữa đất liền và hải đảo hầu như chỉ qua những lá thư theo tàu chở nhu yếu phẩm ra đảo. Do đó, thư khi ra đến đảo thì thường đã trễ, không đáp ứng kịp nhu cầu thông tin quân sự cũng như thông tin cá nhân từ gia đình tới các chiến sĩ. Vào năm 1988, đã có nhiều máy bay không quân bay ra Trường Sa, nhưng không đủ nhiên liệu bay lâu để ở lại trò chuyện với các chiến sĩ trên đảo.
Thượng tướng Võ Văn Tuấn, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Để khắc phục những khó khăn đó, Thượng tướng Võ Văn Tuấn (khi đó là Thiếu tá - Phi đội trưởng phi đội 2, Trung đoàn Không quân 937, Sư đoàn Không quân 372, Quân chủng Phòng không-Không quân được cấp trên giao nhiệm vụ và đồng chí Hồ Kim Tuấn (khi đó là Thượng úy) thực hiện chuyến bay liên lạc với bộ đội Trường Sa bằng vô tuyến điện. Thời bấy giờ, việc liên lạc được với phi công trên trời là một bước tiến rất lớn trong nỗ lực củng cố phương tiện quân sự hiện đại.
Để chuẩn bị cho nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này, phi công Võ Văn Tuấn với đồng chí Hồ Kim Tuấn đã cùng lãnh đạo chỉ huy và đồng nghiệp chuẩn bị các bước một cách thận trọng và tỉ mỉ. Khi nói về những khó khăn của chuyến bay lịch sử này, Thượng tướng Võ Văn Tuấn cho biết: “Khó khăn đầu tiên là phi công nếu muốn liên lạc với chỉ huy ở đất liền thì cần thông qua một máy bay chuyển tiếp bay trên cao. Khoảng cách từ sân bay Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận đến đảo Trường Sa là hơn 400km. Với cự ly đó, phi công không thể liên lạc trực tiếp với đất liền. Chuyến bay ra Trường Sa bắt buộc phải có thêm một máy bay vận tải quân sự A26, bay rất cao để chuyển tiếp thông tin. Liên lạc kiểu chuyển tiếp như vậy không thuận lợi cho phi công khi chuyến bay nảy sinh vấn đề phức tạp, cần nhận thông tin để xử lý trong thời gian ngắn. Khó khăn tiếp theo là thời tiết xấu. Khi tôi bay cách xa đất liền khoảng 200km thì bắt đầu có mây dông, hay còn gọi là mây tích điện. Những đám mây đó rất nguy hiểm. Bay vào trong những đám mây ấy, máy bay có thể bị hỏng, thậm chí là gặp tai nạn. Với quyết tâm cao, tôi tránh những đám mây tích điện đó bằng cách bay lên cao hơn 10.000m, vượt qua đỉnh đám mây. May mắn là tôi đã vượt qua vùng đó an toàn. Thông thường, nếu thời tiết xấu, phi công có thể quay về. Nhưng đây là nhiệm vụ đặc biệt, cho nên tổ bay của tôi khi ấy hạ quyết tâm, bằng mọi cách phải ra được đảo, liên lạc thành công với cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa”.
Khi thực hiện chuyến bay liên lạc với Trường Sa, Thượng tướng Võ Văn Tuấn đang là Thiếu tá, Phi đội trưởng Phi đội 2, Trung đoàn Không quân 937, Sư đoàn Không quân 372, Quân chủng Phòng không - Không quân. Ảnh: NVCC
Lời chúc Tết không thể nào quên
Mùa xuân năm 1990, phi công Võ Văn Tuấn cùng tổ bay chính thức bay ra Trường Sa với một nhiệm vụ vô cùng đặc biệt là bằng mọi cách phải liên lạc được với cán bộ, chiến sĩ trên đảo.
Thượng tướng Võ Văn Tuấn cho biết, ông đã bay ra Trường Sa nhiều, nhưng lần này có một cảm xúc vô cùng đặc biệt. Vinh dự, phấn khởi và xúc động là những gì trong Thượng tướng Võ Văn Tuấn cảm nhận khi nhìn thấy đảo Trường Sa.
Thượng tướng Võ Văn Tuấn (bên phải) là một trong những phi công quân sự có kỹ thuật bay xuất sắc với hơn 1.000 giờ bay. Ảnh: NVCC
“Trường Sa ngày xưa với bây giờ khác nhau nhiều lắm. Lúc đó, nhìn từ trên cao, Trường Sa chỉ là hòn đảo hoang hoang vắng. Chỉ có con đường chính đơn sơ cùng vài ngôi nhà cấp bốn được dựng lên bằng những vật liệu cũ kỹ. Cây cối cũng chẳng có. Bay thấp xuống chút, tôi thấy bộ đội mình. Bộ đội Trường Sa biết hôm ấy sẽ có máy bay tới. Mấy chục người và cũng toàn con trai với nhau. Tôi thấy họ vui mừng nhảy nhót, khua tay để chào đón. Sau đó, tôi nói chuyện và gửi lời chúc Tết tới anh em bộ đội trên đảo. Trước lúc làm nhiệm vụ, tôi cũng đắn đo nên nói gì, nhưng cuối cùng vẫn quyết định để cảm xúc lúc đó lên tiếng. Bây giờ nói lại câu chúc Tết có thể không thật chính xác, nhưng tôi vẫn nhớ nội dung thế này: Thay mặt đất liền, chúng tôi xin gửi lời chúc Tết và những lời chúc tốt đẹp nhất tới anh em ngoài quần đảo Trường Sa thân yêu. Chúc cho anh em luôn vững chắc tay súng, bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc! Sự xúc động và nội dung câu chúc Tết ấy đến bây giờ tôi cũng không thể quên. Có thể nói, đây là chuyến bay để lại dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời tôi - Thượng tướng Võ Văn Tuấn bồi hồi nhớ lại.
Nhân dịp kỷ niệm 61 năm Ngày truyền thống Quân chủng Phòng không - Không quân (22-10-1963 / 22-10-2024), Thượng tướng Võ Văn Tuấn mong muốn gửi gắm đôi điều tới các chiến sĩ Không quân: Bao nhiêu lần cất cánh là bấy nhiêu lần hạ cánh. Phải luôn bảo đảm an toàn bay. Và trong bất kỳ tình huống nào, chúng ta phải luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ ở mức cao nhất. Đồng thời, những chiến sĩ trẻ hãy luôn khắc ghi lời thề danh dự của “Bộ đội Cụ Hồ”. Chúng ta là quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Khi nào Tổ quốc cần, nhân dân cần thì chúng ta phải đi tiên phong. Đó là con đường binh nghiệp đầy thiêng liêng và cao quý mà mỗi chiến sĩ cần hướng đến.
Theo qdnd.vn