Phòng Nghiên cứu Ra đa (Viện Kỹ thuật PK-KQ):
Viết tiếp những thành công
Năm 2015, nhắc đến thành tích của Viện Kỹ thuật Phòng không-Không quân (PK-KQ) không thể không nhắc đến thành công của Phòng Nghiên cứu Ra đa trong việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chế tạo và nghiệm thu cấp Bộ Quốc phòng 3 đài ra đa RV-02; đồng thời cùng với Phòng Nghiên cứu Vô tuyến điện tử hoàn thành thiết kế, chế tạo sản phẩm giai đoạn 1 thuộc hệ thống phân biệt địch ta IFF-VN.
Những năm qua, Phòng Nghiên cứu Ra đa đã thường xuyên làm tốt công tác giáo dục, quán triệt nhiệm vụ cho cán bộ, QNCN, CNVQP khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần chủ động dám nghĩ, dám làm, sáng tạo tập trung hoàn thành các dự án, đề tài, nhiệm vụ KHCN. Kết quả năm 2015, Phòng đã hoàn thành dự án “Chế tạo ra đa cảnh giới tầm trung sóng mét RV-02”. Đây là đài ra đa cảnh giới tầm trung sóng mét hai tọa độ (2D), hiện đại, cơ động nhanh, được phát triển từ Đài ra đa RV-01, làm việc ở chế độ tự động hoặc bán tự động và có khả năng tác chiến trong điều kiện phức tạp, phát hiện và quản lý các loại mục tiêu bay trong phạm vi quan sát của đài, đo cự ly, phương vị, tốc độ hướng tâm của mục tiêu ở các độ cao khác nhau. Thu nhận, xử lý và truyền các thông tin ra đa về trung tâm quản lý vùng trời Quốc gia.
Đại tá Phạm Thanh Giang - Trưởng Phòng Nghiên cứu Ra đa cho biết: “Bộ Đài ra đa RV-02 số 1 đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Quân chủng họp thông qua kết quả nghiệm thu ngày 11/6/2014 và được Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, đại diện các cơ quan Bộ Quốc phòng đánh giá cao. Còn các bộ số 2, số 3 cũng đã hoàn thành và được Hội đồng nghiệm thu Bộ Quốc phòng tiến hành kiểm tra, đánh giá kết quả nghiệm thu 3 bộ ra đa RV-02 ngày 09/12/2015, đến nay đã hoàn thành các nội dung nghiệm thu, kết quả nghiệm thu đảm bảo theo tính năng, kỹ chiến thuật, được Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam phê duyệt”. Cùng với việc hoàn thành dự án “Chế tạo ra đa cảnh giới tầm trung sóng mét RV-02”, Phòng Nghiên cứu Ra đa phối hợp với Phòng nghiên cứu Vô tuyến điện tử, các cơ quan, đơn vị trong Viện triển khai thực hiện nhiệm vụ “Thiết kế, chế tạo hệ thống phân biệt địch ta IFF-VN”.
Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, nhân viên Viện Kỹ thuật PK-KQ (Ảnh: CHÍ CÔNG)
Theo Đại tá Nguyễn Viết Sơn - Phó Trưởng phòng Nghiên cứu Ra đa, hệ thống phân biệt địch ta IFF-VN dùng để cung cấp thông tin chủ quyền quốc gia các đối tượng trên không, trên mặt đất và trên biển cho hệ thống quản lý vùng trời, quản lý vùng biển... nhằm tránh tiêu diệt nhầm các đối tượng của ta. Anh Sơn cho biết: “Triển khai từ tháng 10/2014, đến nay Phòng đã chế tạo và thử nghiệm xong 4 máy hỏi MH-VN1. Ngày 25/8/2015, Hội đồng nghiệm thu Quân chủng đã tổ chức bay nghiệm thu các sản phẩm giai đoạn 1 của hệ thống IFF-VN, bao gồm máy hỏi MH-VN1 và máy trả lời MTL-VN2 lắp trên trực thăng Mi-17. Đến dự và chứng kiến quá trình nghiệm thu hệ thống IFF-VN tại Sân bay Hòa Lạc (Trung đoàn 916) có đại diện các cơ quan Bộ Quốc phòng. Kết quả nghiệm thu, hệ thống IFF-VN đạt các chỉ tiêu tính năng chiến kỹ thuật đã được phê duyệt, được hội đồng nghiệm thu Quân chủng, Bộ Quốc phòng nhất trí nghiệm thu và đánh giá cao chất lượng sản phẩm của hệ thống”.
Song hành với các nhiệm vụ trên, Phòng còn hoàn thành đúng tiến độ các nội dung nghiên cứu của 2 đề tài cấp Tổng cục Kỹ thuật giai đoạn 2014-2015, bao gồm: “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị tạo mã hỏi và trả lời kiểm tra của máy hỏi đáp hệ Parol cho các đài ra đa cảnh giới PK” và “Nghiên cứu chế tạo khối khuếch đại công suất tầng cuối 393GUT01TA thay thế khối 393GU01 của đài ra đa Kassta-2E”. Các sản phẩm này đã được nghiệm thu và được đánh giá đạt khá, giỏi.
Ngoài ra, Phòng còn thường xuyên bám sát các nội dung được phân công thực hiện trong dự án cải tiến ra đa P-18 của Quân chủng. Tính đến nay, Phòng đã tham gia đánh giá, kiểm tra được 16 bộ; tiếp nhận phần mềm và tài liệu thiết kế Đài ra đa P-18M. Cũng trong năm 2015, Phòng đã sản xuất và bàn giao cho Cục Kỹ thuật 12 khối khuếch đại cao tần tạp thấp đài ra đa P-19; sửa chữa 2 biến tần điện tử của đài ra đa 36D6M1... qua đó góp phần giải quyết nhu cầu cấp thiết của ngành về nguồn vật tư thay thế và nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo kỹ thuật tại các đơn vị.
Có thể nói, từ việc thiết kế, chế tạo thành công các sản phẩm nói trên đã khẳng định năng lực của Phòng Nghiên cứu Ra đa nói riêng, Viện Kỹ thuật PK-KQ nói chung trong lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo; khả năng làm chủ khoa học công nghệ và áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất và phát triển VKTBKT phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, QLVT của Quân chủng nói riêng và Quân đội nói chung, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay, góp phần xây dựng Quân chủng PK-KQ “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.
NHƯ NGỌC