Sư đoàn 365 - nửa thế kỷ xây dựng, chiến đấu và trưởng thành
Trước yêu cầu phát triển của Quân đội, Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ), để đáp ứng nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, ngày 21/6/1966, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Phòng không Hà Bắc (nay là Sư đoàn Phòng không 365). Lễ thành lập được tổ chức tại thôn Yên Vinh, xã Yên Mỹ, huyện Lạng Giang, tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang).
Ngay sau khi thành lập, Sư đoàn đã nhanh chóng kiện toàn biên chế tổ chức, tập trung huấn luyện. Sau hơn 1 tháng huấn luyện, Sư đoàn đã bước vào cuộc chiến đấu đối mặt với Không quân Mỹ. Vào 9 giờ 10 phút, ngày 7/8/1966, Sư đoàn chỉ huy tập trung tác chiến hiệp đồng giữa Trung đoàn Tên lửa 257 và 2 Trung đoàn Pháo phòng không 216, 225, bắn rơi 3 máy bay F-4 của Mỹ, trong đó có 1 chiếc rơi tại chỗ và đây là chiếc thứ 1.300 bị bắn rơi trên miền Bắc, mở đầu truyền thống ra quân đánh thắng trận đầu của Sư đoàn.
Huấn luyện tháo nạp đạn tên lửa tại Tiểu đoàn 123, Trung đoàn 284, Sư đoàn 365. Ảnh: KIÊN CƯỜNG.
Ngày 16/3/1967, theo quyết định của Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Tư lệnh Phòng không Hà Bắc được đổi tên thành Sư đoàn Phòng không 365. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Sư đoàn đã hành quân trên khắp mọi miền của Tổ quốc, kịp thời có mặt, tham gia chiến đấu trong các chiến dịch lớn, vào những thời điểm lịch sử quan trọng, trên các chiến trường ác liệt, từ biên giới phía Bắc, tuyến lửa Khu 4 đến cực Nam Trung Bộ, cùng với các lực lượng PK-KQ vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, đọ sức quyết liệt với kẻ thù, đánh bại mọi thủ đoạn kỹ, chiến thuật tinh vi, xảo quyệt của không quân Mỹ, bảo vệ vững chắc từng khoảng trời, từng nhịp cầu và những chuyến hàng ra mặt trận.
Trong 55 ngày đêm chiến đấu bảo vệ đội hình bộ binh, xe tăng ta tiến công giải phóng Quảng Trị năm 1972, Sư đoàn đã bắn rơi 70 máy bay địch, trong đó có 4 chiếc B-52. Hay Trung đoàn Pháo Phòng không 228, suốt 10 năm bám trụ kiên cường bảo vệ cầu Hàm Rồng, bắn rơi 120 máy bay Mỹ, giữ vững mạch máu giao thông vận chuyển chiến lược ra tiền tuyến. Trung đoàn Ra đa 291 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cảnh giới, dẫn đường bảo đảm cho các lực lượng đánh địch trong suốt 2 cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Đặc biệt trong Chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972, Trạm ra đa 45 đã phát hiện sớm 35 phút B-52 vào đánh phá Hà Nội, góp phần quan trọng vào chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
Tháng 4/1975, Sư đoàn được lệnh tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với tinh thần “Thần tốc, quyết thắng”. Sư đoàn đã cơ động toàn bộ lực lượng, vũ khí, khí tài hành quân vượt qua hơn 1.400km, bám sát đội hình chiến đấu bảo vệ các binh đoàn chủ lực, góp phần vào đại thắng Mùa Xuân năm 1975. Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Sư đoàn đã tham gia chiến đấu 1.200 trận, bắn rơi 464 máy bay Mỹ, gồm 18 kiểu loại trong đó có 12 chiếc B-52.
Trong giai đoạn cách mạng mới, với nhiệm vụ SSCĐ, QLVT bảo vệ vùng trời phía Bắc, Đông Bắc của Tổ quốc, Sư đoàn đã nhanh chóng ổn định về mọi mặt, tập trung xây dựng đơn vị VMTD, lấy xây dựng chính trị làm cơ sở, xây dựng Đảng và đội ngũ cán bộ làm then chốt, nâng cao chất lượng tổng hợp và khả năng chiến đấu của Sư đoàn, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ SSCĐ, QLVT, tham gia quản lý bay. Tập trung huấn luyện nâng cao trình độ của các kíp chiến đấu. Chú trọng huấn luyện đội ngũ lái xe và huấn luyện đội ngũ chiến thuật đáp ứng yêu cầu của Sư đoàn phòng không cơ động.
Đặc biệt trong những năm gần đây, thực hiện chủ trương xây dựng Quân chủng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, Sư đoàn được trang bị khí tài mới và khí tài cải tiến; vì vậy, Sư đoàn đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao chất lượng huấn luyện, nhanh chóng làm chủ khí tài trang bị; tăng cường huấn luyện cơ động nhanh, tác chiến trong đội hình quân binh chủng hợp thành, rèn luyện các kíp chiến đấu có bản lĩnh tâm lý vững vàng, có sức chịu đựng dẻo dai trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Trình độ, khả năng SSCĐ, QLVT, tham gia quản lý bay của Sư đoàn được nâng lên một bước. Các phân đội trực ban chiến đấu đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, được công nhận đơn vị trực ban chiến đấu khá. Các kíp chiến đấu của Sư đoàn tham gia hội thao cấp Quân chủng đều đạt giải cao. Nền nếp hoạt động CTĐ, CTCT; công tác kỹ thuật, hậu cần đều có bước tiến bộ vững chắc. Đời sống vật chất tinh thần của cán bộ, chiến sĩ trong Sư đoàn ngày càng được cải thiện nâng cao; nội bộ đoàn kết thống nhất. Đảng bộ liên tục đạt TSVM, Sư đoàn VMTD; 5 năm (từ 2011 đến năm 2015) Sư đoàn được Quân chủng và Bộ Quốc phòng tặng Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào Thi đua Quyết thắng. Là đơn vị điển hình tiên tiến được tuyên dương trong Đại hội thi đua yêu nước toàn quân giai đoạn 2011 - 2015. Đặc biệt, vừa qua Sư đoàn được Chủ tịch nước ký quyết định tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì.
Trải qua 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Sư đoàn được Đảng, Nhà nước, Quân đội, Quân chủng tặng thưởng 579 huân, huy chương các loại; có 15 tập thể và 5 cá nhân được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng LLVT nhân dân”; ngày 29/8/1985, Sư đoàn được phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng LLVT nhân dân”.
Phát huy truyền thống đơn vị anh hùng, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 365 hôm nay, luôn đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, kiên định vững vàng, tuyệt đối tin tưởng vào sự nghiệp lãnh đạo cách mạng của Đảng, vào thắng lợi của công cuộc đổi mới, ra sức học tập, phấn đấu vươn lên, làm chủ vũ khí, khí tài hiện có, nêu cao cảnh giác SSCĐ, đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù, góp phần xây dựng Quân chủng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” bảo vệ vững chắc Bầu trời Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Đại tá NGUYỄN VĂN XOAN
(Phó Chính ủy Sư đoàn 365)