Dự án “Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại Sân bay Đà Nẵng”: Đã đạt được những kết quả quan trọng
Với vai trò quản lý Dự án, ngay từ khi được Bộ Quốc phòng giao, Quân chủng đã nhanh chóng lập kế hoạch, tổ chức và quản lý, giám sát quá trình thực hiện nhằm đảm bảo cho Dự án hoàn thành đúng thời gian, chất lượng trong phạm vi ngân sách đã được duyệt, bảo đảm chất lượng, đạt được mục tiêu đề ra.
Toàn cảnh hoạt động Dự án “Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại Sân bay Đà Nẵng”.
Ảnh: CVT
Dự án “Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại Sân bay Đà Nẵng” được Chính phủ Hoa Kỳ viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam trong cam kết đã được Chính phủ hai nước ký kết hợp tác về các vấn đề chất Da Cam/dioxin từ năm 2000. Dự án được khởi động tháng 8-2012, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) với tổng kinh phí hơn 84 triệu USD. Dự án do Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư và giao cho Quân chủng PK-KQ quản lý. Dự án tiến hành xử lý khoảng 90.000m3 đất và trầm tích nhiễm dioxin tại Sân bay Đà Nẵng xuống dưới mức tiêu chuẩn quốc gia về xử lý môi trường của Chính phủ Việt Nam.
Quy trình xử lý sẽ đào xúc đưa đất và trầm tích ô nhiễm một cách an toàn vào một kết cấu bể chứa tạm thời được xây dựng tại sân bay. Sau khi được đặt trong kết cấu bể chứa, đất và trầm tích ô nhiễm sẽ được xử lý bằng công nghệ xử lý nhiệt. Quá trình hấp giải nhiệt bao gồm việc làm nóng đất và trầm tích ở nhiệt độ cao (xấp xỉ 335 độ C) khiến cho dioxin bị phân hủy. Dioxin sẽ phân hủy thành cacbon điôxit, nước và clorua. Bất kỳ lượng tồn dư dioxin nào không bị phá hủy trong mố sẽ được thu giữ và xử lý trước khi thải ra ngoài. Sau bước lấy mẫu và xét nghiệm khẳng định, đất và bùn đã được xử lý được đưa ra khỏi kết cấu xử lý và an toàn cho tái sử dụng cho các mục đích thương mại và công nghiệp.
Với vai trò quản lý Dự án, ngay từ khi được Bộ Quốc phòng giao, Quân chủng đã nhanh chóng lập kế hoạch, tổ chức và quản lý, giám sát quá trình thực hiện nhằm đảm bảo cho Dự án hoàn thành đúng thời gian, chất lượng trong phạm vi ngân sách đã được duyệt, bảo đảm chất lượng, đạt được mục tiêu đề ra.
Nhìn lại quá trình thực hiện Dự án, Đại tá Phạm Quang Vũ - Trưởng Phòng Khoa học - Môi trường Quân chủng, cho biết: “Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin là công việc khó khăn, nan giải mà Việt Nam chưa từng làm, do đó với tư cách quản lý Dự án, Quân chủng đã phối hợp với các cơ quan chức năng chọn những nhà thầu nước ngoài có kinh nghiệm để xử lý. Tuy nhiên, thực tế khối lượng công việc, thời gian, chi phí lại phát sinh quá cao. Trong khi chúng ta chưa đánh giá đầy đủ mức độ ô nhiễm dioxin tại đây nên khối lượng tăng từ 72.900m3 lên khoảng 148.000m3. Thêm vào đó quá trình đào xúc và vận hành mố IPTD trong mùa mưa nên xảy ra sự cố nứt mặt mố, thất thoát nhiệt lớn... dẫn đến kéo dài thời gian vận hành (4,5 tháng lên 10,5 tháng). Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện còn xảy ra một số sự cố về môi trường như: Vượt ngưỡng khí thải, nước thải hệ thống xử lý, vượt ngưỡng dioxin trong không khí mặt mố; hiện tượng sương mù lan tỏa khu vực đường lăn... dù được xử lý kịp thời nhưng rất tốn kém”.
Dự án “Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại Sân bay Đà Nẵng” sau hơn 5 năm thực hiện đã mang lại hiệu quả thiết thực. Cụ thể, đã xử lý nhiệt được 90.000m3 đất nhiễm dioxin, đạt mục tiêu của Dự án dưới 150ppt TEQ. Thực tế, đất sau khi xử lý đều đạt theo quy chuẩn Việt Nam 45:2012/ BTNMT. Đã tiến hành đào xúc tổng cộng 138.600m3 đất và bùn nhiễm dioxin (dự tính ban đầu là 72.900m3 ). Giải phóng được khoảng 15ha đất, ao hồ. Trong đó, 5ha đã được bàn giao trước tháng 3-2016 cho Tổng công ty Cảng Hàng không để xây dựng công trình phục vụ Hội nghị APEC 2017.
Theo Đại tá Doãn Anh Tú - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga, đơn vị thực hiện hạng mục quan trắc môi trường của Dự án; các vấn đề ô nhiễm môi trường trong thực hiện Dự án được chú trọng, các chất thải nguy hại được giám sát, quan trắc chặt chẽ. Nước và khí thải ra môi trường đáp ứng tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn Việt Nam và quốc tế. Đây là Dự án thành công, hiệu quả, không chỉ ở kết quả mà cả những bài học kinh nghiệm mà nó mang lại cho các cấp, các ngành, đặc biệt là Quân chủng PK-KQ.
NGÔ TIẾN MẠNH