15 giờ:36 phút Thứ sáu, ngày 8 tháng 4 , 2016

Ba cha con đều là phi công

Trước khi gặp Đại tá Đặng Quốc Châm - Thanh tra, Chủ nhiệm bay Lữ đoàn 918 (Quân chủng Phòng không-Không quân), tôi đã được nghe đồng đội kể về gia đình anh với niềm tự hào, bởi không chỉ anh là phi công cấp 1, giáo viên bay dày dạn kinh nghiệm, mà hai người con trai của anh cũng là phi công. Trong đó, con trai cả - Đặng Minh Tâm là phi công thuộc Đội bay Boeing 777 - Đoàn bay 919 (Tổng Công ty Hàng không Việt Nam), con trai thứ - Trung úy Đặng Đức Toại là phi công số 2 thuộc Phi đội 1 - Lữ đoàn Không quân 918.

 Sau khi tham gia vào lực lượng giải phóng Sài Gòn, tháng 10 năm 1975, Đặng Quốc Châm trúng tuyển phi công và được chuyển về học tập tại Nha Trang. Năm 1978, anh tốt nghiệp và về nhận công tác tại Trung đoàn Không quân 918. Năm 1980, anh được học chuyển loại máy bay An-26 và làm nhiệm vụ trên loại máy bay này từ đó cho đến nay. Trong hơn 40 năm phục vụ Quân đội, anh đã cùng đồng đội tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, làm nhiệm vụ tại chiến trường Campuchia từ năm 1979 đến năm 1981; tham gia nhiều hoạt động bắn ném bom diễn tập, chuyên chở thương binh cũng như bay trinh sát, quan sát biển trong những thời điểm nhạy cảm, tham gia diễn tập bắn ném luôn đạt loại giỏi… được cấp trên phê chuẩn giáo viên bay 4 khí tượng ở cả mảng lí thuyết và thực hành...
Ba cha con đều là phi công

Gia đình Đại tá Đặng Quốc Châm

Vào những thập niên 80, 90 của thế kỉ trước, cũng như bao gia đình khác, đời sống của những người lính gặp không ít khó khăn. Do đó, mãi đến năm 1990 anh mới có điều kiện hợp thức hóa gia đình và gần gũi chăm sóc hai cậu con trai. Vì muốn uốn nắn con trở thành những chàng thanh niên có bản lĩnh nên anh cũng áp dụng phương pháp dạy dỗ khá nghiêm khắc. Chính vì thế, từ khi còn nhỏ, cậu con trai cả những lúc hờn dỗi bố thường bảo: “Con không bao giờ làm bộ đội như bố vì bố “quân phiệt” quá!”. Nhưng đối với cậu con trai thứ hai thì lại khác, Toại rất ngưỡng mộ bố và yêu luôn nghiệp bay quân sự khi được trực tiếp chứng kiến bố và các đồng đội bay làm nhiệm vụ.

Tuy nói là không thích nghề bay, nhưng khi đang theo học tại Học viện Hàng không tại TP. Hồ Chí Minh, Đặng Minh Tâm lại giấu gia đình đi khám tuyển phi công. Mãi đến khi Tâm lọt vào vòng hai và ra khám tuyển tại Hà Nội thì gia đình mới hay biết. Sau 3 năm học tập trong nước, năm 2009 Tâm được đi học đào tạo lái máy bay tại Pháp và trở thành phi công  của Đội bay Fokker. Hiện nay, Tâm đã chuyển loại bay trên loại máy bay Boeing 777 với “tài sản dắt lưng” là 4.500 giờ bay.

Còn với cậu con trai thứ 2 - Đặng Đức Toại thì có nhiều may mắn, bởi anh luôn được bố dìu dắt trên con đường đến với nghề bay. Năm 2007, Toại trúng tuyển phi công quân sự. Trong quá trình học tập tại Trường Sĩ quan Không quân, Toại thường xuyên nhận được sự cổ vũ, động viên từ bố. Tuy nhiên, đúng trong thời điểm việc học của con đang đi vào giai đoạn nước rút thì ở Trung đoàn 918 xảy ra tai nạn bay cấp 1. Chứng kiến sự hi sinh của những người đồng đội đơn vị chồng, vợ anh đã yêu cầu anh xin cho con thôi nghề bay để chuyển sang nghề nghiệp khác. Thấu hiểu tâm trạng của vợ, một mặt anh động viên và giải thích để vợ hiểu, mặt khác anh làm công tác tư tưởng để các con vững tin vào con đường đã chọn. Đến năm 2012, anh và con trai thứ hai đã trở thành đồng đội của nhau tại Trung đoàn 918. Vậy là sau nhiều năm làm nhiệm vụ kèm học viên và phi công trẻ, anh lại được trực tiếp kèm cặp, dạy dỗ chính con trai mình.

 Trong gia đình anh, cứ khi nào có đủ mặt ba bố con là vô hình chung mọi câu chuyện sớm hay muộn cũng đưa họ về những tranh luận liên quan đến nghề bay. Dù có những điểm khác nhau nhưng bằng kinh nghiệm 39 năm trực tiếp tham gia bay với hơn 3.000 giờ bay tích lũy, anh thường gửi gắm những lời gan ruột với các con: Dù theo đuổi nghề gì cũng phải phấn đấu cho “hết cước”. Cái “hết cước”, theo anh đó là phải phấn đấu trở thành lái chính, bay được tất cả các bài bay, hoàn thành được các nhiệm vụ và được phê chuẩn giáo viên của 4 khí tượng. Anh bảo với tôi: “Con người ta khi làm gì thì phải tập trung tuyệt đối. Trong rất nhiều bài học, nhiều kinh nghiệm tôi truyền dạy cho con, thì bài học nằm lòng và gan ruột nhất chính là khi làm nhiệm vụ phải tập trung tuyệt đối, khi bước lên buồng lái, mọi vấn đề của cuộc sống tạm thời đặt ở ngoài cửa máy bay”. Và trong những thành công của ba bố con anh có sự hy sinh thầm lặng của vợ anh, chị đã thay anh chu toàn mọi việc để anh và các con có thể yên tâm, an lòng làm nhiệm vụ.

Trung úy Đặng Đức Toại thành thật tâm sự: “Tôi cảm thấy thật may mắn bởi có những hai người thầy trong nhà. Tuy đôi lúc cũng có chút áp lực vì bị “kiểm tra” hay bị “bắt bài” bất cứ lúc nào, nhưng tôi nghĩ đó vừa là nền tảng vững chắc, vừa là bệ phóng để tôi phấn đấu vươn lên trên bước đường sự nghiệp...”.

Trong cả cuộc trò chuyện, Đại tá Đặng Quốc Châm luôn khiêm tốn cho rằng các con anh không phải loại giỏi xuất sắc nhưng chúng là những thanh niên “dám bay và biết bay”. Cái khiến anh vững tâm là các con luôn có ý thức học hỏi, cầu tiến bộ.

Hiện nay, Đại tá Đặng Quốc Châm đã nghỉ hưu, mọi kì vọng của anh gửi gắm cả vào thế hệ phi công trẻ, trong đó có các con của mình. Mong họ làm tiếp những nhiệm vụ mà các thế hệ cha anh đã làm và sẽ làm được những gì thế hệ trước còn dang dở.

BÍCH PHƯỢNG

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website