7 giờ:53 phút Chủ nhật, ngày 18 tháng 2 , 2018

Sức mạnh quân sự Nga năm 2017 qua góc nhìn của chuyên gia phương Tây

Đưa vào trang bị tên lửa không đối không tầm xa mới; đạt được thành công đáng kể trong cuộc chiến chống khủng bố; tăng quân số thường trực và tập trung nguồn lực nâng cấp hải quân, đó là những đánh giá được chuyên gia Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) đưa ra khi đánh giá về Quân đội Nga năm 2017.

 Theo IISS, bất chấp những khó khăn vì các lệnh cấm vận từ Mỹ và phương Tây, Nga vẫn có đủ nguồn lực hiện đại hóa quân đội và duy trì sức mạnh của siêu cường đứng thứ 2 thế giới trong Top 10 các quốc gia có sức mạnh quân đội hàng đầu.

Một cực đảm bảo an ninh tại châu Âu

Sức mạnh quân sự của Nga vẫn có ảnh hưởng đáng kể tới khu vực Đông và Bắc Âu, cũng như trên tầm toàn cầu.

Sức mạnh quân sự Nga năm 2017 qua góc nhìn của chuyên gia phương Tây
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 Su-57 của Nga.

Trong thời gian qua, Nga tiếp tục triển khai nhiều dòng vũ khí hiện đại tại khu vực phía Tây, trong đó có cả tổ hợp tên lửa phòng không S-400 Triumph và tổ hợp tên lửa đạn đạo tân tiến Iskander-M có tầm bắn tới 500km. Mặc dù những lệnh cấm vận đang ảnh hưởng tới chương trình hiện đại hóa quân đội quy mô lớn của Moscow, nhưng trong tương lai gần Quân đội Nga vẫn nhận được các dòng vũ khí cực kỳ hiện đại như máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 Su-57 và xe tăng T-14 Armata.

Cùng với việc đưa vào trang bị các dòng vũ khí mới, Nga cũng đang tập trung vào các chương trình phát triển vũ khí mới ở các lĩnh vực vốn là thế mạnh từ thời Liên Xô. Cụ thể, Nga đang tập trung nguồn lực phát triển các tổ hợp tên lửa mới, vốn là thế mạnh dưới thời Liên Xô. Năng lực chiến đấu của Quân đội Nga hiện tại đã đủ để giải quyết các vấn đề an ninh ở trong cũng như bên ngoài biên giới. Không giống như Trung Quốc, Nga sở hữu đủ các lực lượng tấn công tầm xa đủ để vươn tầm tới mọi địa điểm trên thế giới.

Tập trung tái trang bị bằng vũ khí, khí tài hiện đại

Trong năm 2017, Nga vẫn tiếp tục chương trình hiện đại hóa quân đội quy mô lớn với việc đưa vào trang bị nhiều vũ khí, khí tài quân sự hiện đại với khả năng kết nối và chuyên môn hóa. Hiệu quả chiến đấu của các loại vũ khí mới, cũng như phương thức tác chiến mới của Quân đội Nga đã thể hiện rõ ràng tại cuộc chiến ở Syria. Tại quốc gia Cận Đông này, hải-lục-không quân Nga đã thể hiện một bộ mặt hoàn toàn mới làm ngạc nhiên giới phân tích quân sự toàn cầu. Quân đội Nga đã có bộ mặt hoàn toàn mới kể từ cuộc xung đột tại Gruzia năm 2008.

Sức mạnh quân sự Nga năm 2017 qua góc nhìn của chuyên gia phương Tây
Một đơn vị trinh sát đặc nhiệm Nga trong một cuộc diễn tập.

Để tăng cường khả năng phòng thủ của đất nước, trong năm 2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh tăng quân số thường trực lên 1.013.628 binh sĩ. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua, Nga tăng quân số thường trực, dù đang có nhiều khó khăn do các lệnh cấm vận. Giới chuyên gia quân sự phương Tây nhận định, việc Nga tăng quân số có liên quan tới việc thay đổi kết cấu lữ đoàn như hiện nay, thành các đơn vị quân chủng hợp thành có quy mô và trang bị lớn hơn. Điều này giúp quân đội Nga có khả năng phản ứng tốt hơn trước các tình huống khẩn cấp và khả năng tác chiến độc lập của các đơn vị tốt hơn.

Nâng cao khả năng chiến đấu của hải quân

Hồi tháng 7-2017, Nga đã công bố học thuyết hải quân mới có hiệu lực tới năm 2030. Trong học thuyết mới, Nga đã công khai các mối đe dọa đến chủ quyền quốc gia, trong đó có Mỹ và đồng minh với tham vọng bá chủ các đại dương.

“Nga tới năm 2025 đang xây dựng hệ thống vũ khí răn đe phi hạt nhân mới dành cho hải quân. Phần cốt lõi của các hệ thống vũ khí này là tên lửa hành trình siêu thanh mới và thiết bị chiến đấu không người lái. Những trang bị mới sẽ giúp Nga giữ vững vị trí siêu cường hải quân trên thế giới”, IISS nhận định.

Sức mạnh quân sự Nga năm 2017 qua góc nhìn của chuyên gia phương Tây
Những chiến hạm có lượng choán nước nhỏ, nhưng mang tên lửa hành trình hiện đại có đủ khả năng đối phó với hạm đội lớn của đối phương.

Do những khó khăn về kinh tế, trong vòng 5-7 năm tới, Nga sẽ không đóng các chiến hạm có lượng choán nước lớn, đắt đỏ như tàu sân bay, tuần dương hạm hay khu trục hạm. Thay vào đó, Moscow sẽ tập trung vào các dòng chiến hạm nhỏ như khinh hạm trang bị các dòng vũ khí tấn công chính xác uy lực cực mạnh. Đây là lựa chọn hoàn toàn hợp lý về mặt kinh tế đối với Nga.

Bất chấp những khó khăn về kinh tế, sức mạnh hạm đội tàu ngầm của Nga sẽ vẫn được duy trì hoặc bị ảnh hưởng rất ít. Hải quân Nga sẽ vẫn được trang bị mới các dòng tàu ngầm cho các mục đích chiến đấu khác nhau, trong đó tàu ngầm trang bị tên lửa hành trình tấn công các mục tiêu trên bộ. Trong tương lai gần, Hải quân Nga sẽ vẫn duy trì được khả năng đối phó với các đối thủ tiềm năng, ít nhất là các đối thủ nằm gần biên giới nước Nga.

Tên lửa không đối không mới thách thức Mỹ và đồng minh

Kể từ khi chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ và đồng minh đã chiếm ưu thế hoàn toàn trên không nhờ số lượng trang bị và công nghệ vũ khí vượt trội. Tuy nhiên, điều này đang bị thách thức bởi Nga và Trung Quốc. Cả Nga và Trung Quốc đang có những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực hàng không quân sự với sự ra mắt của các dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 có khả năng tàng hình Su-57 và J-20 và các loại vũ khí không đối không tầm xa. Thậm chí, một số loại vũ khí như vậy đã được giới thiệu xuất khẩu.

Trong giai đoạn 2015-2016, Trung Quốc đã giới thiệu dòng tên lửa không đối không PL-10 và biến thể nâng cấp PL-15 sau đó. Dòng tên lửa không đối không tầm xa này tạo ra sự thách thức lớn đối với Mỹ và đồng minh. Trong khi đó, Nga cũng giới thiệu hai biến thể nâng cấp mới của tên lửa không đối không thời Liên Xô với tầm bắn lên tới hơn 100km.

Với máy bay chiến đấu hiện đại và tên lửa không đối không tầm xa mới, Nga và Trung Quốc đang tạo ra đối trọng, cạnh tranh với ưu thế trên không Mỹ và đồng minh đã giữ nhiều thập kỷ qua.

Vai trò của vũ khí răn đe chiến lược

Vũ khí hạt nhân trong nhiều thập niên qua đóng vai trò đảm bảo an ninh chiến lược của Nga. Chính vì thế, Moscow luôn coi “bộ ba hạt nhân” là ưu tiên hàng đầu trong các chương trình nâng cấp vũ khí.

Sức mạnh quân sự Nga năm 2017 qua góc nhìn của chuyên gia phương Tây
Khả năng răn đe hạt nhân của Nga đã được mở rộng.

Tuy nhiên, vào năm 2014, Nga đã có một số thay đổi cơ bản quy định các tình huống cần sử dụng vũ khí hạt nhân. Cụ thể, Moscow sử dụng quyền răn đe hạt nhân của mình khi Nga hoặc đồng minh bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân, vũ khí hủy diệt hàng loạt hay vũ khí thông thường nhưng đe dọa tới sự tồn vong của nhà nước. Với chiến lược hạt nhân mới, Moscow rõ ràng đã nhận ra sẽ không có ai chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân tổng lực, nhưng nước Nga cần chuẩn bị trước cho khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân ở quy mô giới hạn. Điều này đã được thể hiện rõ ràng trong các cuộc diễn tập của lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga năm 2017.

Theo qdnd.n
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website