13 giờ:51 phút Thứ hai, ngày 7 tháng 5 , 2018

Sư đoàn 372 huấn luyện nâng cao trình độ kỹ, chiến thuật nhảy dù

Cùng với việc nâng cao trình độ huấn luyện bay; Sư đoàn 372 luôn chú trọng nâng cao trình độ kỹ, chiến thuật nhảy dù cho lực lượng phi công, tổ bay, nhân viên cứu hộ, cứu nạn và lực lượng đặc biệt của các đơn vị trên địa bàn.

Chúng tôi có mặt tại Sân bay Chu Lai những ngày cuối tháng 4, khi Sư đoàn 372 đang tổ chức huấn luyện nhảy dù cho các đơn vị. Mặc dù trời chưa sáng rõ, song các thành phần tham gia nhảy dù đã tập trung đông đủ tại Sân bay để làm công tác chuẩn bị (Kiểm tra trang thiết bị, ôn lại động tác, khởi động, mang dù vào người, giúp nhau thắt, chỉnh các dây đai…). Đúng 6 giờ sáng từng tốp (10 người) lần lượt bước lên trực thăng. Chỉ sau 5 phút, trên nền trời trong xanh, từ trực thăng bung ra các chấm trắng bằng cúc áo, sau đó to dần như những con sứa khổng lồ bồng bềnh trên không trung. Dưới sự hướng dẫn của lực lượng mặt đất, chỉ trong ít phút, các nhân viên dù đã khéo léo lái dù về bãi đáp, tiếp đất an toàn.

Sư đoàn 372 huấn luyện nâng cao trình độ kỹ, chiến thuật nhảy dù
Thực hành nhảy dù.

Đại tá Hoàng Văn Chiến - Phó Chính ủy Sư đoàn 372, cho biết: “Hằng năm, Sư đoàn tổ chức các đợt luyện tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao tiến độ nhảy dù từ thấp đến cao, từ loại dù đơn giản như: Đ-6, Đ-10, PTL-72, đến loại hiện đại như: UT-15, PO-16… Đợt huấn luyện năm nay có gần 200 học viên là các phi công, chủ nhiệm dù, nhân viên dù, lực lượng cứu hộ, cứu nạn và các lực lượng đặc công, đặc nhiệm của Quân khu 4, Quân khu 5… Đây là lực lượng đã được đào tạo cơ bản”.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, nhảy dù là một nội dung huấn luyện đòi hỏi sự chuẩn bị công phu và tỉ mỉ từ con người đến phương tiện. Nhảy dù thường ở độ cao so với mặt đất từ 800 - 1.400m. Học viên được huấn luyện, truyền đạt kinh nghiệm từ mặt đất, khi ở trên không phải hoàn toàn độc lập về tư duy và thực hành động tác. Khi ở trên không, đòi hỏi người nhảy dù phải hết sức linh hoạt từ động tác rơi tự do, lựa chọn thời cơ giật dù, quan sát, điều khiển dù, tiếp đất để xử trí các trường hợp bất trắc như: Va chạm trên không, dù cuốn vào chân; dây dù vắt vòng số 8; tránh các chướng ngại vật mặt đất; chống dù lôi kéo khi tiếp đất có gió to… Các lực lượng nhảy dù gồm các phi công, sĩ quan dù, hay lực lượng chuyên trách được đào tạo tại Trung tâm Quốc gia huấn luyện tìm kiếm cứu nạn đường không... đã được huấn luyện các động tác cơ bản, kỹ năng, kỹ xảo lúc tiếp đất cũng như triển khai SSCĐ, thực hiện nhiệm vụ tiếp theo.

Trung tá Hà Văn Nhân - Chủ nhiệm dù Sư đoàn 372, chia sẻ: “Khó nhất là động tác mở dù trên không. Đối với phi công, thành viên tổ bay hoặc những nhân viên dù, học viên câu lạc bộ dù nhảy ở độ cao 800m, khi rơi tự do 3 giây hay 5 giây thì thực hiện giật dù. Đối với lực lượng giáo viên và lực lượng chuyên trách nhảy ở độ cao 1.200m đến 1.400m thì thời cơ giật dù sau khi rời cửa máy bay là khoảng 10 giây, động tác mở dù tốt nhất khi người chúc xuống 45 độ, giật dù với lực giật mạnh để đảm bảo an toàn, chính xác..”.

Đối với kỹ thuật tiếp đất, Trung úy CN Lương Đình Ngọc - Nhân viên dù, Trung đoàn 925 (Sư đoàn 372), cho biết: “Khi tiếp đất nếu gió mạnh thì chúng ta phải đứng dậy ngay, nhanh chóng chạy theo chiều gió, hướng gió, để mất tác dụng của dù, tránh bị lôi kéo. Trường hợp không kịp đứng dậy thì nằm úp xuống, 2 tay nắm các dây dù phía dưới kéo về phía mình để làm mất tác dụng của dù…”.

Những năm qua, Sư đoàn 372 là một trong những đơn vị của Quân chủng thường xuyên tổ chức huấn luyện, nâng cao trình độ nhảy dù cho phi công, nhân viên tổ bay, nhân viên dù và các lực lượng trinh sát, đặc nhiệm, đặc công chống khủng bố, tìm kiếm cứu nạn. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, Sư đoàn đã tổ chức tốt các đợt tập huấn, huấn luyện mặt đất trước các đợt nhảy dù; làm tốt công tác chuẩn bị cơ sở vật chất như: Máy bay trực thăng, chỉ huy điều hành bay, phương tiện phục vụ nhảy dù đến rèn luyện thể lực, sức khỏe, bồi dưỡng nghiệp vụ cho từng cá nhân; thường xuyên tổ chức giảng bình, rút kinh nghiệm sau mỗi đợt huấn luyện. Chính vì thế, hằng năm, Sư đoàn tổ chức cho 600-700 lượt nhảy dù với nhiều bài tập khác nhau cho các lực lượng, bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Ngoài huấn luyện bay, tổ chức bắn, ném bom đạn thật, thì huấn luyện nhảy dù đã góp phần nâng cao trình độ, khả năng SSCĐ, bảo vệ vùng trời, xử lý tốt các tình huống tác chiến trên không, mặt đất của các lực lượng trong Sư đoàn 372 và các đơn vị bạn trên địa bàn

Bài, ảnh: LÊ HỮU LỆ

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website