14 giờ:4 phút Thứ hai, ngày 12 tháng 11 , 2018

“Thương nhau”, mười năm mới ngỏ

Nhắc đến Đại tá, Anh hùng LLVTND Lê Thanh Đạo chắc ai cũng biết ông là một trong những phi công xuất sắc của Không quân nhân dân Việt Nam với thành tích bắn rơi 6 máy bay Mỹ. Ông đã từng đảm đương nhiều chức vụ khác nhau như: Bí thư Trung ương Đoàn, Viện Trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Ban Dân vận Trung ương, đại biểu Quốc hội khóa 5, 7, 9… Thế nhưng chuyện tình của ông với bà Nguyễn Thị Xuân Dung (vợ của ông) thì ít người biết đến.

“Thương nhau”, mười năm mới ngỏ
Vợ chồng Đại tá, Anh hùng LLVTND Lê Thanh Đạo. 

Năm 1960, tuổi 16 tràn đầy sức sống, chàng trai trẻ Lê Thanh Đạo tham gia nhiều hoạt động Đoàn thanh niên ở địa phương. Là một thanh niên sôi nổi, vui tính lại thường xuyên giúp đỡ bạn bè nên ông được nhiều người quý mến. Dạo đó, cô bé Nguyễn Thị Xuân Dung học lớp 8, cùng trường phổ thông trung học với ông. Là con gái của Giám đốc Nhà máy Bê tông Chèm (Từ Liêm, Hà Nội), nhưng bà cũng hay tham gia lao động hè để có thêm tiền mua dụng cụ học tập. Khi đi lao động, chàng trai trẻ Lê Thanh Đạo thường đứng chờ ở chân dốc để giúp Xuân Dung gánh cát, sỏi và tiếp tế thức ăn, đồ uống... Tình cảm của 2 người nảy sinh từ đó, nhưng cũng chỉ dừng lại ở tình bạn trong sáng của tuổi học trò.

Năm 1963, ông nhập ngũ vào đơn vị pháo binh ở thị xã Sơn Tây. Mặc dù chưa có một lời hò hẹn nhưng Nguyễn Thị Xuân Dung đã lặn lội từ Hà Nội lên thăm ông. Ông đã rất bất ngờ và cảm động khi thấy sự xuất hiện của bà ở đơn vị. Sau đó, năm 1964, ông được lựa chọn đi học tại Trường Sĩ quan Pháo binh. Năm 1965, Lê Thanh Đạo trúng tuyển phi công và sang học ở Liên Xô.

Sau khi hoàn thành khóa đào tạo phi công, năm 1968, ông trở về nước chiến đấu. Là phi công tiêm kích MiG-21 của Trung đoàn 927, ông đã cùng đồng đội căng mình với những trận không chiến với Không quân Mỹ. Những dịp tranh thủ ít ỏi ông lại đến thăm người bạn gái năm xưa và cũng từ đó dần chiếm được cảm tình của các thành viên trong gia đình. Còn Xuân Dung thi thoảng cũng lên đơn vị thăm ông. Tuy nhiên, chờ mãi chẳng thấy “đối phương” nói gì nên trong một lần gặp nhau Xuân Dung đánh bạo: “Em sắp lấy chồng rồi, anh cho em vay ít tiền để em tổ chức đám cưới”. Nắm bắt được ý tứ của bạn gái, ông nhanh trí đáp lại: “Ừ, anh đã dành được mấy tháng lương, để anh mua ít bánh kẹo mình cưới nhau nhé!”. Và Xuân Dung đã gật đầu đồng ý. Họ đến với nhau thật giản dị, nhưng để nói được câu đó hai người đã mất 10 năm trời thử thách, một thời gian đủ để thấy cuộc sống họ không thể thiếu nhau.

Được gia đình hai bên ủng hộ, năm 1971, đám cưới nhà binh nhỏ gọn giữa chàng Trung úy phi công và cô Thượng sĩ Nhà máy A35, Quân chủng PK-KQ được tổ chức. Đám cưới tràn ngập hoa sen và có phù rể là các chàng phi công trẻ. Cũng từ đây tình yêu của bà dành cho ông là vô bờ bến, nhất là vào ngày 15-10-1972, máy bay của ông bị bắn rơi tại Tân Sơn, Phú Thọ, ông bị gãy chân trái, đứt gân khoeo phải. Bà lại lặn lội từ Bệnh viện 108 đến khu sơ tán bí mật chăm sóc chồng. Sau đó, cứ đi làm 10 ngày bà lại xin nghỉ 7 ngày không lương để đạp xe trên 60km lên viện dã chiến ở Vĩnh Phúc để chăm sóc ông. Gần 1 năm ông mới hồi phục hoàn toàn, trở về đơn vị tiếp tục bay chiến đấu. Kể cả sau này, khi các con thành đạt, ông hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau thì bà cũng luôn song hành cùng ông trên mọi nẻo đường và là chỗ dựa tinh thần, hậu phương vững chắc để ông có điều kiện phấn đấu.

Nói về tình yêu của mình đối với ông, bà Xuân Dung tâm sự: “Ngoài tình yêu, chúng tôi còn đến với nhau bằng tình thương và trách nhiệm trong cuộc sống gia đình. Tôi nghĩ rằng, được chăm sóc cho nhau, làm chỗ dựa cho nhau, cùng nhau vượt qua khó khăn, thử thách là niềm hạnh phúc nhất của bất cứ cặp vợ chồng nào”.

 Bài, ảnh: LÊ HỮU LỆ

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website