9 giờ:35 phút Thứ sáu, ngày 28 tháng 12 , 2018

Nên duyên từ sân cỏ

Về Trường Trung cấp Kỹ thuật PK-KQ lần này, chúng tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với Đại úy Ngô Khắc Trung - Giáo viên Bộ môn Zcy-23; Khoa Pháo Phòng không - Trạm nguồn. Theo đánh giá của Ban Giám hiệu Nhà trường, Trung không chỉ đạt giáo viên giỏi cấp cơ sở, anh còn rất đam mê nghiên cứu khoa học. Các đề tài do anh chủ biên, khi áp dụng vào giảng dạy thực tiễn đã mang lại hiệu quả thiết thực; vừa giúp giáo viên lựa chọn được phương pháp dạy học tích cực, vừa tạo hứng thú cho học viên nắm và hiểu nội dung bài giảng sâu hơn.

Nên duyên từ sân cỏ 
Vợ chồng Đại úy Ngô Khắc Trung.

Được hỏi về “bí quyết” thành công của mình, Trung cười hiền lành:

- Nỗ lực cố gắng của bản thân tôi chỉ là một phần, phần nữa là nhờ sự đồng cảm, thấu hiểu và chia sẻ từ “cô ấy”. Khi nói với chúng tôi điều này, đôi mắt Trung ánh lên niềm hạnh phúc. Rồi anh vui vẻ trải lòng:

- Chúng tôi làm quen và nảy sinh tình yêu với nhau ngay trên sân cỏ. Bóng đá thì chị biết đấy, không đam mê, không quyết liệt thì sao có thể “làm bàn” được?

 Ngô Khắc Trung quê ở Thụy Lâm, Đông Anh, Hà Nội. Với mơ ước trở thành người sĩ quan Quân đội nên anh đã chọn thi và trúng tuyển vào Học viện PK-KQ. Sau 5 năm miệt mài đèn sách, tháng 8-2011, anh tốt nghiệp ra trường với tấm bằng loại khá, được phân công công tác tại Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 64, Sư đoàn 361. Tháng 1-2013, vì hoàn cảnh gia đình mẹ mất, các chị gái lấy chồng xa, anh xin về công tác tại Trường Trung cấp kỹ thuật PK-KQ để tiện chăm sóc bố. Mỗi lần về thăm nhà, Trung thường tham gia đội bóng đá ở địa phương. Lần nào ra sân anh cũng bắt gặp ánh mắt của một cô gái trẻ dõi theo. Cô ấy có gương mặt tròn hiền hậu và chiếc răng khểnh duyên dáng. Lâu dần thành quen, hôm nào vắng mặt “cổ động viên” này là anh đá thiếu khí thế hẳn. Bỏ công tìm hiểu anh biết cô gái ấy tên là Trần Thị Lê Mai, nhà ở cách đơn vị anh không xa. Anh rụt rè làm quen qua facebook, khi đã khá thân nhau rồi anh mới dám xin số điện thoại và tăng dần tần suất gặp gỡ. Càng tiếp xúc, anh càng cảm mến Mai nhiều hơn. Không ngờ, hoàn cảnh gia đình Mai còn éo le và khó khăn hơn gia đình anh nữa. Là chị cả trong gia đình, khi bố mẹ ly hôn, Mai vừa chăm chỉ đi làm kiếm tiền giúp mẹ, vừa là điểm tựa cho cả mẹ và em trai nữa. Phút thư giãn hiếm hoi cô tự thưởng cho mình chính là những lúc hào hứng cổ vũ cho đội bóng địa phương. Và ngay trên sân cỏ này, Mai đã gặp gỡ và có ấn tượng tốt với chàng lính trẻ. Sẵn mối thiện cảm, lại rất nể phục cô gái giàu nghị lực, Trung bỗng muốn làm một bờ vai vững chãi, muốn đem lại sự bình yên và hạnh phúc cho cô gái bé nhỏ này. Nhưng họ cũng phải trải qua khá nhiều khó khăn, thử thách rồi mới nên vợ, thành chồng.

Cưới nhau đầu năm 2015, ngoài giờ đến công sở, Mai chăm chỉ gánh vác việc gia đình để Trung yên tâm thực hiện nhiệm vụ diễu binh kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Cuối năm ấy, Mai sinh cho anh một bé trai kháu khỉnh, Trung liền đạt tên con là Quốc Khánh. Và sau 2 năm, gia đình họ lại có thêm bé Quốc Anh. Cả hai bé đều kháu khỉnh, khỏe mạnh, khiến gia đình họ luôn rộn rã tiếng cười. Mai đảm đang, vén khéo, mọi công việc tề gia nội trợ, chăm sóc cha già, con thơ cô đều chu tất vuông tròn. Trung thì ngày càng thăng tiến trong nghề nghiệp, anh luôn được cấp trên tin tưởng, đồng nghiệp và học viên yêu mến.

Thỉnh thoảng, vào ngày nghỉ cuối tuần, họ lại bồng bế cả 2 thiên thần đến với sân cỏ để cổ vũ cho đội bóng địa phương, cũng để ôn lại kỷ niệm đẹp mà họ từng có với nhau. Chia sẻ với chúng tôi, Trung bảo: “Mọi khó khăn đã nằm lại phía sau, cuộc sống ổn định của gia đình tôi giờ đây chính là động lực lớn để tôi nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”.

THANH BÌNH

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website