21 giờ:7 phút Thứ hai, ngày 25 tháng 5 , 2020

Mô hình nuôi cá trê lai ở Tiểu đoàn Vận tải 577

Những năm qua, mô hình nuôi cá trê lai tại Tiểu đoàn Vận tải 577, Cục Hậu cần đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho đơn vị. Với diện tích 2.000m2, bình quân mỗi năm, Tiểu đoàn thu hoạch trên 22 tấn cá tươi, đóng góp vào quỹ vốn đơn vị 150 triệu đồng; góp phần cải thiện đời sống cho bộ đội.

Mô hình nuôi cá trê lai ở Tiểu đoàn Vận tải 577
 Nhân viên bếp ăn Tiểu đoàn 577 cho cá ăn.

Đến công tác tại Tiểu đoàn Vận tải 577, chúng tôi được tận mắt thấy ao nuôi cá trê lai của đơn vị. Trung tá Nguyễn Đình Cần - Tiểu đoàn trưởng cho biết: “Những năm trước, đơn vị thường tổ chức nuôi các loại trắm cỏ, trôi, chép... mỗi năm thu hoạch hơn 1 tấn. Sau khi trừ chi phí giống, thức ăn, thu lãi khoảng 7-8 triệu đồng. Tuy nhiên, các giống cá trên thường phát triển chậm, tốn nhiều công sức chăm sóc, lại thường xuyên mắc dịch bệnh. Hơn nữa, do nguồn nước lưu thông trong ao hạn chế nên mỗi khi thời tiết thay đổi hay xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt. Sau khi nghiên cứu thấy cá trê lai là loại cá dễ nuôi, sinh trưởng nhanh, có khả năng thích nghi với điều kiện môi trường khắc nghiệt, cho năng suất cao, lại ít bị dịch bệnh, phù hợp với điều kiện của đơn vị. Mặt khác, cá trê lai có đặc tính ăn tạp, do đó có thể tận dụng phụ phẩm từ trại chăn nuôi, trạm chế biến ở ngoài địa phương, thức ăn thừa từ nhà ăn, nhà bếp đơn vị. Vì vậy, năm 2017, sau khi tham quan một số hộ dân trên địa bàn đóng quân nuôi cá trê lai đạt hiệu quả cao, đơn vị đã cho mua 800 con cá trê lai giống về nuôi thử nghiệm. Chỉ sau 6 tháng, đơn vị đã thu hoạch lứa đầu tiên được gần 1,7 tấn; trừ các loại chi phí, lãi gần 25 triệu đồng. Từ thành công này, năm 2018, Tiểu đoàn đặt mua hơn 10.000 con trê lai giống của cơ sở ươm cá giống có uy tín tại tỉnh Bắc Ninh. Ngoài việc cung ứng con giống đạt chuẩn (từ 200-250 con/kg), cơ sở này còn chịu trách nhiệm vận chuyển cá tận nơi, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho cá suốt quá trình nuôi. Để nâng cao trách nhiệm và động viên bộ đội tích cực chăm sóc, quản lý đàn cá nuôi, ngoài việc tạo điều kiện về vốn, nhân lực, thời gian, Tiểu đoàn trích thưởng cho bộ phận chăn nuôi 20% sản lượng cá sau mỗi vụ thu hoạch...”

Trung úy QNCN Nguyễn Tuấn Anh – Bếp trưởng Bếp ăn Tiểu đoàn 577, cho biết: Để đảm bảo thức ăn cho cá, chúng tôi hợp đồng với các cơ sở giết mổ có uy tín, có chứng nhận hợp vệ sinh, an toàn thực phẩm trên địa bàn, thu mua các phụ phẩm sau chế biến như lòng gà, da lợn... Mỗi ngày đơn vị tốn tại rưỡi thức ăn các loại cho đàn cá. Trong thời gian 2-3 tuần đầu, khi cá còn nhỏ, các loại phụ phẩm được băm nhỏ, trộn đều với cám trước khi cho  ăn. Khi cá đã lớn, cho ăn trực tiếp các loại phụ phẩm thu mua về. Mỗi ngày cho cá ăn 3-4 lần, ở nhiều khu vực cách xa nhau để những con cá nhỏ, yếu hơn cũng ăn đủ lượng thức ăn cần thiết. Về nguồn nước, tuy cá trê lai có thể sống được nơi ao tù nước đọng, nhưng nguồn nước cũng phải đảm bảo sạch, không bị nhiễm bẩn. Định kỳ 1 tháng bơm thêm nước 1 lần, trường hợp nước quá bẩn phải thay ngay. Chúng tôi thường xuyên theo dõi hoạt động của cá để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp sao cho vừa đủ, thường dao động từ 5-7% trọng lượng đàn cá. Về mùa Hè giữ nước sâu trên 1m để chống nóng và trên 1,5m về mùa Đông để chống rét cho cá. Nếu trong ao có cá lớn quá trội, chúng tôi bắt tỉa để tránh cá tranh ăn và ăn lẫn nhau. Cá đạt trọng lượng từ 2,5-2,8 kg/con là có thể thu hoạch tỉa dần để giảm mật độ cá trong ao”.

Mô hình nuôi thả cá trê lai ở Tiểu đoàn Vận tải 577 tuy không mới, song phù hợp với các đơn vị thiếu nguồn nước ngọt và có diện tích tăng gia sản xuất ít, các đơn vị có thể tham khảo và áp dụng mô hình mang lại năng suất cao này.

Bài, ảnh: PHẠM ĐỨC DƯƠNG

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website