Tăng cường phòng, chống dịch Sốt xuất huyết Dengue trong Quân chủng Phòng không - Không quân
Hiện nay, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa. Đây là thời điểm một số dịch bệnh truyền nhiễm dễ phát triển thành dịch, như: Nhiễm khuẩn não mô cầu, cúm, sốt phát ban, tả, lỵ, thương hàn... nhất là dịch sốt xuất huyết Dengue (SXHD). Để ngăn chặn, phòng tránh dịch bệnh, ngành Quân y Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) vừa triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại cơ quan, đơn vị, vừa phối hợp chặt chẽ với ngành y tế địa phương hỗ trợ nhân dân phòng, chống dịch.
Nhân viên Ban Hậu cần Trung đoàn 591 (Sư đoàn 377) phun thuốc diệt muỗi khu nhà làm việc khối cơ quan.Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm do vi rút Dengue gây nên. Vi rút Dengue có 4 tuýp huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Vi rút truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Trong đó, muỗi vằn là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu. Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa.
Trong Quân chủng PK-KQ từ đầu năm 2021 đến nay chưa có báo cáo dịch SXHD xảy ra trong đơn vị. Song một số địa phương trên địa bàn Quân chủng đóng quân đã xuất hiện SXHD dễ có nguy cơ bùng phát thành dịch. Trước tình hình đó, ngày 18-10-2021, Cục Hậu cần Quân chủng PK-KQ đã có Công văn số 1205/CHC-QY hướng dẫn các đơn vị tăng cường phòng chống dịch SXHD. Theo đó, Cục Hậu cần yêu cầu các đơn vị rà soát, triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh tại đơn vị mình. Cho tới nay, bệnh SXHD chưa có vắc xin hay thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy các cơ quan, đơn vị cần làm tốt công tác phòng ngừa, tránh dịch lây lan, ảnh hưởng đến nhiệm vụ huấn luyện, công tác của bộ đội. Mọi cán bộ, nhân viên, chiến sĩ cần nắm chắc, thực hiện đúng các nguyên tắc trong phòng, chống dịch SXHD, đó là “Phòng chống véc-tơ”; trong đó, các đơn vị chú trọng điều tra, giám sát về véc tơ truyền bệnh (muỗi Aedes aegypti) nhằm phát hiện, diệt các ổ loăng quăng, bọ gậy và loại bỏ môi trường sinh sản của chúng. Đồng thời triển khai các biện pháp: Che đậy kín hoặc thả cá vào các vật dụng chứa nước lớn, các bể nước sinh hoạt, thau rửa thường xuyên các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không dùng nhưng có khả năng chứa nước, thường xuyên thay nước bình hoa, thu dọn các vật phế thải dễ gây đọng nước ở quanh nhà; thực hiện tốt vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh…
Bên cạnh đó, ngành Quân y các đơn vị kịp thời tham mưu với người chỉ huy tổ chức lồng ghép nội dung phòng, chống dịch SXHD trong các buổi giao ban, sinh hoạt, học tập; tuyên truyền các kiến thức thông thường về bệnh SXHD và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Tại các địa bàn đang xảy ra dịch bệnh hoặc có nguy cơ xảy ra dịch, quân y các đơn vị tổ chức phun hóa chất xua diệt muỗi, phun 2 lần, mỗi lần cách nhau 7-10 ngày. Các lực lượng làm nhiệm vụ canh gác, nơi bộ đội huấn luyện dã ngoại, quân y sử dụng hương, thuốc xua muỗi, xoa thuốc chống muỗi đốt lên vùng da hở khi làm việc và khi đi dã ngoại.
Cục Hậu cần cũng lưu ý các đơn vị cần tăng cường theo dõi sức khỏe bộ đội; giám sát, phát hiện sớm chẩn đoán kịp thời bệnh SXHD. Trong quá trình điều trị, phải theo dõi sát diễn biến của bệnh nhân, nhất là giai đoạn hay xảy ra biến chứng (từ ngày thứ 4 đến thứ 7), để có phương pháp điều trị đúng, chuyển tuyến hợp lý, không để tử vong do SXHD (tránh nhầm lẫn bệnh cúm mùa, bệnh COVID-19); phối hợp chặt chẽ với hệ thống y tế dự phòng khu vực đơn vị đóng quân để điều trị bệnh nhân SXHD và ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
Đại tá Nguyễn Ngọc Văn - Trưởng Phòng Quân y (Cục Hậu cần) lưu ý: “Thời gian tới, để phòng, chống dịch SXHD, các đơn vị cần nắm chắc tình hình ô nhiễm môi trường, triển khai các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; nắm chắc tình hình dịch bệnh trong khu vực đóng quân, tổ chức giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra sau mưa lũ; tăng cường truyền thông, hướng dẫn bộ đội thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, ngủ màn, mặc quần áo dài tay để tránh muỗi đốt làm lây truyền bệnh cho người khác; rèn luyện sức khỏe thường xuyên; bảo đảm ăn chín, uống sôi; chủ động giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh truyền nhiễm, nắm bắt kịp thời diễn biến dịch bệnh SXHD trên địa bàn đóng quân, kịp thời có biện pháp xử lý khi có dịch bệnh xảy ra”.
Bài, ảnh: ÁNH TUYẾT