Tăng gia ở Trạm Ra đa 35
Không chỉ vượt khó vươn lên trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời mà cán bộ, chiến sĩ Trạm Ra đa 35, Trung đoàn 293, Sư đoàn 361 còn tích cực chăn nuôi, tăng gia rau xanh, cải thiện đời sống bộ đội...
Chiến sĩ Trạm Ra đa 35 chăm sóc đàn bò sữa.Đứng trên trận địa của đơn vị, phóng tầm mắt nhìn Cao nguyên Mộc Châu, nơi được mệnh danh là “thiên đường sữa” mới thấy hết được vẻ đẹp thơ mộng của núi rừng Tây Bắc. Bên cạnh những vạt chè xanh là những cánh đồng cỏ bao la trải ngút tầm mắt, trở thành nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào cho phát triển chăn nuôi bò sữa. Điều cảm nhận rõ nét nhất ấy là Cao nguyên Mộc Châu được thiên nhiên ưu đãi cho khí hậu mát mẻ quanh năm, lượng mưa và độ ẩm ổn định giúp hệ thực vật nơi đây phát triển…
Tìm hiểu công tác tăng gia, chăn nuôi của đơn vị, chúng tôi ngỡ ngàng bởi ngoài đàn bò gần 100 con (chủ yếu là giống bò sữa đực được nuôi để lấy thịt) thì Trạm Ra đa 35 còn nuôi khoảng hơn 40 con lợn mán, gần 100 con gà, ngan, vịt và hệ thống vườn, giàn với rất nhiều loại rau, củ, quả.
Đưa chúng tôi tham quan giàn su su đang đến mùa thu hoạch, Thiếu tá Lý Ngọc Dũng - Trạm trưởng Trạm Ra đa 35 cho biết: “Để su su sai quả và chất lượng tốt, đơn vị chọn giống quả có mầm to khỏe, nhú rễ, ươm vào khay, chậu hoặc thùng xốp rồi cho đất mùn ẩm, đất cát, đất trộn vỏ trấu, xơ dừa, phân hữu cơ; sau khi ươm mầm để su su ra rễ chắc, khoẻ thì đào hố và đặt su su nằm ngang xuống, sau đó lấp lại bằng đất tơi xốp che kín phần mầm rễ. Mỗi hốc trồng 3 đến 4 quả, cách nhau 30 đến 40cm, tưới nước 2 lần mỗi ngày vào sáng sớm và chiều tối. Khi cây mọc cao khoảng 0,5 đến 1m thì cắm cọc hoặc buộc dây cho cây leo giàn. Cứ 10 đến 15 ngày thì có thể bón thêm 1 lượt phân hữu cơ để cây phát triển khoẻ hơn. Sau khoảng 2 đến 3 tháng khi quả căng, láng vỏ là có thể thu hoạch. Cách 5 đến 7 ngày lại thu hoạch một lần. Mỗi năm, đơn vị thu hoạch được khoảng trên 3 tấn su su. Ngoài quả su su thì đơn vị cũng thu hoạch ngọn su su để đưa vào bữa ăn hằng ngày cho bộ đội”.
Bên cạnh giàn su su là giàn bí xanh trĩu quả, Thiếu tá Lý Ngọc Dũng cho biết thêm: “Bí xanh là một trong những loại cây chủ lực trong tăng gia rau xanh của đơn vị; việc chăm sóc bí xanh rất đơn giản, không cần cầu kỳ như các loại cây khác. Đến thời điểm dây bí leo lên giàn, tiến hành đốn dây bí bằng cách khoanh dây bí quanh gốc, cắt tỉa bớt lá gốc, lấp gốc bằng lượng phân chuồng, cách làm này giúp cho rễ bí phát triển, dây bí cho trái bền và chắc. Lúc dây leo lên giàn, điều chỉnh dây phân bố cho đồng đều, lược bỏ những nhánh nhỏ, nhánh sâu bệnh cho giàn được thông thoáng, góp phần tăng đậu quả và đạt chất lượng tốt nhất. Để giàn bí phát triển tươi tốt, đơn vị thường xuyên tưới nước đều đặn và tận dụng nguồn phân chuồng từ nuôi lợn, nuôi bò để bón cho vườn bí. Vì vậy, vườn bí của đơn vị mỗi năm thu hoạch khoảng 5 tấn quả”.
Chiến sĩ Trạm ra đa 35 chăm sóc rau xanh.
Tại khu vực trồng rau xanh của Trạm, cán bộ, chiến sĩ đang xới gốc và vun những luống cải bắp đang độ cuốn lá. Binh nhất Vũ Quang Trung - Trắc thủ ra đa thuộc Trung đội 1 cho biết: “Sau những giờ canh trực tại Sở chỉ huy, đến giờ tăng gia tập trung, chúng tôi mỗi người một việc: Người thì chăm sóc đàn bò, người thì chăm sóc đàn lợn, gà; người thì chăm sóc rau xanh… tuy cũng hơi vất vả nhưng nhìn những luống rau lên xanh tốt, chúng tôi lại cảm thấy rất vui vì đó là thành quả từ chính bàn tay của mình tạo ra…”.
Ngoài những luống cải bắp lên xanh tốt, theo quan sát của chúng tôi còn thấy những chủng loại rau khác như: cải mèo, cải đông dư, cải canh, mùng tơi, rau đay, mướp đắng, mướp hương, dưa chuột và vườn rau gia vị với đủ loại: gừng, xả, giềng, ớt, tía tô, kinh giới….
Thiếu tá Lý Ngọc Dũng chia sẻ: “Mặc dù được thiên nhiên ưu đãi, tuy nhiên, trồng rau xanh vào mùa Đông rất khó khăn, vì cứ mỗi trận sương muối là rau táp lá và chết. Có những hôm nhiệt độ xuống 0 độ, gió Bắc thổi mạnh làm rau không thể lên được, thậm chí có hôm tuyết rơi phủ kín trận địa, cán bộ, chiến sĩ của Trạm phải đi chặt lá chuối và căng bạt để che đậy cho rau…”.
Thời tiết khí hậu có thời điểm khắc nghiệt là vậy, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao của cán bộ, chiến sĩ Trạm Ra đa 35 trong công tác chăn nuôi, tăng gia, nên hiện nay, thu nhập bình quân từ tăng gia là 800 nghìn/người/năm, vượt chỉ tiêu trên giao là 750 nghìn/người/năm; đưa vào ăn thêm các ngày lễ, Tết 100 nghìn/người/ngày…
Việc chủ động, tích cực trong công tác tăng gia, chăn nuôi của Trạm Ra đa 35 đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống, bảo đảm tốt sức khoẻ cho bộ đội thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, quản lý vững chắc vùng trời được giao.
Bài, ảnh: MINH VŨ, THÁI SƠN