Quyết tâm bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc:
Bài 4: Rèn luyện bản lĩnh, nâng cao trình độ cho học viên phi công quân sự (Tiếp theo và hết)
Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện luôn là một trong những yêu cầu hàng đầu được đặt ra tại Trường Sĩ quan Không quân. Nơi đây là "cái nôi" đã đào tạo biết bao thế hệ phi công quân sự, chắp cánh cho những khát khao chinh phục bầu trời, bảo vệ vững chắc vùng trời của Tổ quốc. Để tạo ra môi trường, điều kiện tốt nhất cho học viên rèn luyện, trau dồi kỹ năng, phẩm chất, bản lĩnh, nhà trường đang thực hiện đồng bộ các giải pháp từ hiện đại hóa trang bị kỹ thuật, bổ sung, hoàn thiện chương trình đào tạo cho đến bảo đảm an toàn cho mỗi chuyến bay.
Đã nhiều lần được theo dõi ban bay của Trung đoàn 910 (Trường Sĩ quan Không quân), mỗi lần như vậy, chúng tôi đều cảm nhận được niềm háo hức, mong chờ của các học viên khi “sải cánh” bay cao lên bầu trời. Trong khi đó, các cán bộ, giảng viên của đơn vị luôn rất thận trọng, tỉ mỉ trong mọi công tác chuẩn bị để chuyến bay được thực hiện theo đúng quy trình. Thiếu tá Kiều Doãn Sơn, Phi đội trưởng Phi đội 1, Trung đoàn 910 hào hứng: “Trước ngày bay, các phi công đã được quân y đơn vị kiểm tra sức khỏe, rèn luyện thể lực và ôn tập cất, hạ cánh trên buồng tập lái. Mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng nên ai cũng muốn được nhanh chóng lăn bánh trên đường băng”. Tiếng động cơ nổ giòn, máy bay lao vút vào không trung, đó là lúc mỗi học viên vận dụng những kiến thức, kỹ năng mình được học áp dụng vào thực tế. Thực hành bay cũng là biện pháp hiệu quả nhất để kiểm tra bản lĩnh, lòng dũng cảm của các học viên phi công. Chia sẻ về những phẩm chất cần có để trở thành phi công, Đại tá Vũ Đức Quý, Phó hiệu trưởng đào tạo Trường Sĩ quan Không quân cho rằng: Có 3 yêu cầu quan trọng nhất đối với phi công là thể lực, kỹ năng và lòng dũng cảm. “Tôi vẫn thường nói với học viên rằng, máy bay không dành cho người nhút nhát. Trong môi trường làm việc trên không, hoạt động của phi công mang tính độc lập cao. Do vậy, đòi hỏi mỗi học viên phải nỗ lực rất nhiều để rèn luyện bản lĩnh, kỹ năng...”, Đại tá Vũ Đức Quý chia sẻ.
Trong nhiều năm gần đây, quân số tham gia học tập, kết quả học tập, rèn luyện của học viên Trường Sĩ quan Không quân luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt, kết quả học tập của học viên phi công và cao đẳng kỹ thuật dài hạn được nâng lên, tỷ lệ các nội dung khá, giỏi tăng hơn các năm học trước.
Huấn luyện, đào tạo phi công tại Trung đoàn 910 (Trường Sĩ quan Không quân).
Đội ngũ cán bộ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục được đánh giá là nhân tố có ý nghĩa quyết định đến chất lượng giáo dục và đào tạo của nhà trường. Bởi vậy, việc tích cực kiện toàn, phát triển đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, tổ chức chuyên ngành là hết sức cần thiết. Để làm tốt vấn đề này, trong những năm qua, Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường đã tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ sư phạm, ngoại ngữ, công nghệ thông tin cho các giảng viên và cán bộ quản lý. Nhà trường coi trọng xây dựng đội ngũ nhà giáo có trình độ chuyên môn cao, có học vị thạc sĩ, tiến sĩ, giảng viên dạy giỏi, giảng viên trẻ…; đồng thời trân trọng các nhà giáo có nhiều đóng góp, cống hiến lâu năm. Theo Đại tá Nguyễn Tiến Học, Trưởng phòng Đào tạo (Trường Sĩ quan Không quân), định hướng của nhà trường trong việc bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục là đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu; chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, kiến thức sư phạm và kinh nghiệm thực tiễn. Đến nay, 100% giảng viên của trường có trình độ đại học, 58% sau đại học, 2,5% tiến sĩ. Ngoài ra, có 22 giảng viên đang được gửi đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong và ngoài nước.
Để những chuyến bay được an toàn, công tác bảo đảm kỹ thuật là một nội dung then chốt, có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và khả năng hoàn thành nhiệm vụ. Đại tá Phan Đăng Thạnh, Chính ủy Trung đoàn 910 cho biết, cấp ủy, lãnh đạo chỉ huy trung đoàn thường xuyên bám sát yêu cầu, nhiệm vụ, triển khai đồng bộ nhiều nội dung, biện pháp thực hiện, trong đó chú trọng tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân viên trong ngành hiểu rõ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác kỹ thuật. Từ đó, tạo sự chuyển biến vững chắc trong nhận thức và hành động, để mọi người thật sự yêu ngành, yêu nghề, tâm huyết với công việc, có trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ.
Đồng bộ các giải pháp nâng chất lượng đào tạo
Hiện nay, trong công tác đào tạo, huấn luyện, Trường Sĩ quan Không quân đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức. Trong đó, trang bị, phương tiện kỹ thuật của nhà trường có nhiều máy bay đã sử dụng lâu năm. Vì vậy, học viên sau quá trình đào tạo tại trường, khi tiếp cận với các loại máy bay hiện đại thường mất một khoảng thời gian để thực hành giai đoạn bay chuyển loại, dần dần mới có thể sử dụng thành thạo. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ thành lập một trung đoàn huấn luyện chuyển loại để học viên được tiếp cận sớm hơn với các loại máy bay hiện đại. Hiện nay, do khoảng cách giữa máy bay phục vụ đào tạo tại trường và các loại máy bay thế hệ mới còn lớn nên học viên ra trường muốn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phải là những người có kỹ năng, kiến thức tốt và rất nỗ lực. Khi được bổ sung giai đoạn chuyển tiếp, trung gian, khoảng cách này sẽ được rút ngắn hơn”, Đại tá Vũ Đức Quý chia sẻ.
Trong những năm gần đây, điểm chuẩn tuyển sinh vào Trường Sĩ quan Không quân đã tăng lên đáng kể, thuộc vào nhóm các trường có điểm chuẩn ở mức khá. Chất lượng tuyển sinh đầu vào tăng là điều kiện để các học viên tiếp thu tốt hơn kiến thức, kỹ năng được truyền dạy. Năm học 2016-2017, chương trình đào tạo phi công tại Trường Sĩ quan Không quân bắt đầu điều chỉnh. Trong đó, học viên sẽ có nhiều thời gian hơn để học tập các môn lý thuyết chuyên ngành. Việc thời gian đào tạo được điều chỉnh cũng giúp nhà trường đẩy mạnh học tập ngoại ngữ cho học viên như tiếng Nga, tiếng Anh. Đồng thời, nhà trường cũng tiếp tục chú trọng rèn luyện thể lực, giúp học viên có thêm thời gian để bồi dưỡng, phấn đấu, trau dồi nâng cao thể lực, một trong những phẩm chất đầu tiên của người phi công.
Theo Đại tá Vũ Đức Quý, để đáp ứng yêu cầu điều khiển các loại máy bay ngày càng hiện đại, trong giai đoạn thực hành, tiêu chuẩn đánh giá học viên sẽ được nâng lên. “Từ năm học 2016-2017, sau khi học viên trải qua thời gian huấn luyện thực hành, yêu cầu phải đạt loại khá và giỏi mới tiếp tục được chọn lựa. Tiêu chuẩn được nâng lên, tức là quá trình sàng lọc sẽ khắt khe hơn, yêu cầu học viên phải phấn đấu, nỗ lực nhiều hơn. Các thầy giáo cũng phải tích cực đổi mới, tăng hiệu quả của phương pháp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho học viên. Đặc biệt, trong việc đánh giá phải nghiêm túc, chính xác, khách quan, làm đúng vai trò của người phân loại, định hướng đào tạo”, Đại tá Vũ Đức Quý bày tỏ.
Những chuyến bay an toàn luôn là ưu tiên hàng đầu của nhà trường trong quá trình đào tạo, huấn luyện. Nhiều kinh nghiệm về bảo đảm an toàn bay đã được rút ra. Nhà trường đã thống nhất toàn bộ quy trình kỹ thuật cho các ngành. Chất lượng dạy và học của nhà trường được nâng lên đã tạo thêm điểm tựa vững chắc, nâng những cánh bay vươn cao, vươn xa trên bầu trời, tiếp nối truyền thống của Bộ đội Không quân Việt Nam anh hùng.
Theo qdnd.vn