9 giờ:6 phút Thứ hai, ngày 25 tháng 9 , 2023

Liên hoan Nghệ thuật quần chúng Quân chủng Phòng không - Không quân lần thứ VII

Không gian đa sắc màu của hình ảnh, thanh âm và giai điệu

Liên hoan Nghệ thuật quần chúng Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) lần thứ VII đã khép lại, nhưng dư âm của “bữa tiệc” nghệ thuật nhiều sắc màu, những thanh âm, giai điệu và hình tượng cao đẹp của Người chiến sĩ PK-KQ đã được 18 đội nghệ thuật quần chúng khắc họa tại Liên hoan sẽ còn lắng đọng mãi trong lòng khán giả.

Không gian đa sắc màu của hình ảnh, thanh âm và giai điệu
Tiết mục “Thắp sáng lên sức trẻ Phòng không - Không quân” của Đội Nghệ thuật quần chúng Sư đoàn 371. Ảnh:
THẾ THỦY

Ngay sau màn trình diễn chào mừng Liên hoan của Đoàn Văn công Quân chủng, Sư đoàn 372 là đơn vị thể hiện màn trình diễn đầu tiên với Liên khúc trống hội “Thênh thang đường mới, Việt Nam khát vọng hùng cường” đã mang lại không khí sôi động, lôi cuốn, gây chú ý mạnh mẽ với các thủ trưởng, Ban Giám khảo và người xem. Trong suốt chương trình, các diễn viên của Đội nghệ thuật quần chúng Sư đoàn 372 đã đưa khán giả đắm chìm trong các tiết mục được đầu tư dàn dựng công phu, chất lượng nghệ thuật cao như: Đơn ca “Tình Bác chắp cánh con bay”, múa “Chí Thép”, Liên khúc “Tự hào người lính canh trời” (viết lời mới dựa trên làn điệu dân ca Quân khu V)…

Nếu như Sư đoàn 372 mang đến một màu sắc tươi trẻ, sôi động, mạnh mẽ khắc hoạ đậm nét hình tượng người chiến sĩ Không quân canh trời nơi dải đất Miền Trung thân yêu, thì chương trình của Đội nghệ thuật quần chúng Sư đoàn 361 lại đưa khán giả trở về những giây phút lắng đọng trong những hồi ức của những ngày quân và dân Hà Nội, đặc biệt là những người chiến sĩ Phòng không Hà Nội đã dầm mình trong mưa bom, bão đạn đỏ lửa trong Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội cuối tháng 12-1972 qua các tiết mục: Hợp ca “Ký ức 12 ngày đêm”; đơn ca “Tấm ảnh cô gái làng hoa”; đơn ca “Khí phách Hà Nội”…

Nhìn chung, các chương trình tham gia Liên hoan được xây dựng công phu, hoành tráng với bố cục chặt chẽ, đầu tư cả về kỹ thuật thanh nhạc, hoà âm, phối khí, biên đạo và đạo diễn tổng thể chương trình. Các chương trình tham gia Liên hoan với nhiều loại hình: Ca, múa, nhạc, hoà tấu nhạc cụ hiện đại, truyền thống, kịch nói, hoạt cảnh thơ… Nhiều chương trình đã khai thác hiệu quả đặc trưng văn hóa, nghệ thuật vùng, miền như: Dân ca quan họ Bắc Ninh (Sư đoàn 365); dân ca Liên khu V (Sư đoàn 375, Sư đoàn 372), dân ca Nam Trung Bộ và dân ca Nam Bộ (Sư đoàn 367, Sư đoàn 370)… tạo nên màu sắc phong phú, đa dạng.

Nhiều đội đã phát huy tối đa nội lực để xây dựng nội dung bám sát nhiệm vụ chính trị và tính chất đặc thù trong công tác, học tập, giáo dục, đào tạo, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu… mang đậm bản sắc riêng của đơn vị mình. Trung tá Nguyễn Đình Việt - Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 28 cho biết: “Ngay từ đầu năm, lãnh đạo, chỉ huy Lữ đoàn đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị chủ động tìm kiếm, lựa chọn hạt nhân, lên ý tưởng nội dung cũng như các loại hình nghệ thuật để xây dựng chương trình. Chính vì vậy, các tiết mục tham gia Liên hoan đã hình tượng hóa, khắc họa đậm nét hình ảnh của những người lính công binh đang ngày đêm thi công, cống hiến hết mình cho những công trình nơi vùng sâu, vùng xa, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”...  Hay như chương trình của Lữ đoàn 26, với các tiết mục: Tốp múa “Ký ức thông tin”; tốp ca “Phiên trực đêm” đã khắc họa thành công hình ảnh người chiến sĩ thông tin luôn nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết vượt mọi khó khăn, giữ vững “mạch máu thông tin” thông suốt, sẵn sàng phục vụ mọi nhiệm vụ của Quân chủng. Chương trình của Sư đoàn 377 lại đưa người xem về với hành trình đầy khó khăn, gian khổ và cả những mất mát, hy sinh của những người lính ra đa đang thực hiện nhiệm vụ ở Quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc qua tiết mục múa “Cánh sóng Trường Sa”… Liên hoan cũng là dịp để nhiều đơn vị mạnh dạn phản ánh thực trạng, những vấn đề “nóng” trong xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật, xây dựng đội ngũ sĩ quan trẻ có năng lực, trình độ, trách nhiệm, yên tâm công tác, gắn bó với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay như: Kịch ngắn “Thức tỉnh” (Sư đoàn 375); Kịch ngắn “Trọn vẹn” (Cục Kỹ thuật)…

Kết thúc Liên hoan, Ban Tổ chức đã tặng Cờ “Đơn vị xuất sắc” cho 13 tập thể, tặng Cờ “Đơn vị khá” cho 5 tập thể; trao “Huy chương vàng” cho 45 tiết mục, “Huy chương bạc” cho 54 tiết mục; trao chứng nhận cho 2 tác giả có nhiều tác phẩm tốt và 18 diễn viên xuất sắc tham gia Liên hoan.

Đại úy QNCN Hoàng Thị Ánh Tuyết - Diễn viên Đội nghệ thuật quần chúng Sư đoàn 371, một trong những cá nhân được trao chứng nhận “Diễn viên xuất sắc” tại Liên hoan chia sẻ: “Được tham gia Liên hoan lần này là cơ hội tốt để chúng tôi học tập kinh nghiệm, cách tổ chức, xây dựng chương trình, đẩy mạnh hoạt động phong trào văn hóa, văn nghệ của các đơn vị bạn. Trong thời gian tới, khi trở về đơn vị cơ sở chúng tôi sẽ tích cực tham gia và thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ phát triển hơn nữa, góp phần bồi đắp tình cảm, thẩm mỹ, hưởng thụ nghệ thuật của bộ đội, xây dựng đời sống văn hóa trong sạch, lành mạnh, phong phú trong đơn vị”.

Phát biểu tại Lễ bế mạc Liên hoan, Đại tá Ngô Quốc Chung - Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan biểu dương những kết quả mà các cơ quan, đơn vị đã đạt được. Đồng thời đề nghị các cơ quan, đơn vị tích cực đưa phong trào văn hóa, văn nghệ đi vào chiều sâu, ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa của bộ đội. Mặt khác, phát huy kết quả của Liên hoan, các cơ quan, đơn vị tiếp tục tổ chức các buổi biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân nơi đơn vị đóng quân, góp phần động viên cán bộ, chiến sĩ hăng hái thi đua lập thành tích cao nhất chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Quân chủng và hướng tới 79 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22-12-1944/22-12-2023), 34 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989/22-12-2023).

BÍCH PHƯỢNG
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website