Kinh nghiệm trồng rau của lính canh trời ở Trường Sa
Không chỉ sẵn sàng chiến đấu cao, huấn luyện giỏi, quản lý tốt vùng trời được giao, với nỗ lực, quyết tâm cao những người lính canh trời trên Đảo trường Sa lớn còn tích cực, chủ động cải tạo đất, xây dựng được những khu vườn rau xanh tốt với nhiều chủng loại. Do đó đã góp phần nâng cao chất lượng, cải thiện bữa ăn, bảo đảm sức khỏe cho bộ đội.
Cán bộ, chiến sĩ Trạm Ra đa 11 chăm sóc vườn rau xanh.Vừa qua có dịp ra Đảo Trường Sa lớn, chúng tôi được tận mắt chứng kiến vườn tăng gia của những người lính canh trời thuộc Đội bảo đảm kỹ thuật sân bay (BĐKTSB) Trường Sa, Phòng Tham mưu Sư đoàn 370 và Trạm Ra đa 11, Trung đoàn 292, Sư đoàn 377. Điều khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, ở nơi chỉ có cát trắng, san hô, khí hậu gió biển mặn mòi, khắc nghiệt này lại có những vườn rau xanh tươi tốt. Hơn nữa vườn rau của mỗi đơn vị đều được xây tường bao xung quay, phân theo từng ô, từng luống có bờ gạch phân cách để trồng từng loại rau rất đẹp mắt và được che chắn, quây lưới cẩn thận.
Thiếu tá Nguyễn Văn Hiếu - Phó Đội trưởng Đội BĐKTSB Trường Sa chia sẻ: “Để có thể trồng được những luống rau xanh tốt như thế này, đơn vị đã phải tận dụng gạch, gỗ, sắt thép không sử dụng đến của đơn vị và xin được trên đảo để xây tường bao, tự hàn khung giàn, làm lưới che nhằm hạn chế tác động của hơi muối trong gió biển thổi vào. Công tác cải tạo đất trồng cũng rất công phu, chúng tôi phải sử dụng đất màu, xơ dừa từ đất liền mang ra trộn với đất san hô. Nước tưới rau đều được tận dụng từ nguồn nước ngọt sau sinh hoạt của bộ đội và nước tích trữ được sau các trận mưa. Trong điều kiện khắc nghiệt ở đây, mỗi cây rau trồng đòi hỏi công sức bỏ ra rất lớn của bộ đội nên mỗi cọng rau xanh trong vườn đều được anh em rất quý trọng”.
Còn Thiếu tá Trương Duy An - Chính trị viên Trạm Ra đa 11 chia sẻ: “Có được vườn rau xanh hôm nay, là do công sức của biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã từng công tác ở đơn vị. Vì xa đất liền, lượng đất màu, phân bón mang ra cũng không được nhiều nên mỗi lần thay quân là một lần vườn rau lại được bổ sung, bồi đắp. Có thể lứa rau này mình chưa kịp thu hoạch thì để anh em ra tiếp quản lần sau thu hoạch nên vườn rau còn được xem như một kỷ vật truyền tay giữa các thế hệ cán bộ, chiến sĩ với nhau để gìn giữ, củng cố và phát triển. Vì vậy, sản phẩm tăng gia không chỉ góp phần cải thiện bữa ăn, nâng cao sức khỏe bộ đội mà còn là giá trị tinh thần, động viên bộ đội khi ra đây công tác”.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, kinh nghiệm trồng rau ở Trường Sa luôn được cán bộ, chiến sĩ các đơn vị truyền thụ cho nhau, từ khâu chuẩn bị ở đất liền trước khi ra nhận công tác. Theo đó, các đơn vị thường lựa chọn những loại dễ chăm sóc và thích nghi với điều kiện khí hậu như rau cải và ưu tiên cho những loại dễ trồng, tiện nhân giống để duy trì vườn rau như: Rau muống chỉ cần cắt cọng để cấy, hay mướp, dưa chuột, cà, rau đay, rau rền là loại có thể vừa cho thu hoạch tốt vừa có thể lấy hạt làm giống cho vụ sau. Ngoài đất màu, phân bón được mang từ đất liền ra, các đơn vị còn tổ chức cho bộ đội thu gom gốc rau, lá rau già không sử dụng được, cắt muống biển và tận dụng bã chè ủ làm phân xanh để bổ sung nguồn dinh dưỡng cho đất. Ngoài ra, để làm phong phú hơn cho vườn rau đơn vị còn tận dụng các loại thùng xốp, nhựa có sẵn, đóng thêm thùng gỗ cho đất vào để trồng các loại rau gia vị như hành, ớt, tỏi, rau kinh giới, mùi tàu, tía tô... Đứng quan sát từng luống rau mùng tơi, rau dền, cải xanh mướt, những quả đỗ xanh thuôn tròn bắt mắt trên giàn, chúng tôi thấy được sự kỳ công vun trồng, chăm sóc của cán bộ, chiến sĩ nơi đây.
Những vườn rau xinh xắn, xanh mướt là kết quả của những cách làm hay, sáng tạo và sự quyết tâm của những người lính canh trời trên Đảo Trường Sa. Đó cũng là những ấn tượng về sự nỗ lực vượt khó vươn lên của mỗi người trong đoàn công tác chúng tôi luôn nghĩ về các anh.
Bài, ảnh: ĐÌNH KÝ